Mỗi tháng, nợ xấu tăng kỷ lục

Mức tăng 8,6% được trích dẫn từ văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình về thực trạng nợ xấu và biện pháp khắc phục của ngành ngân hàng.

Nợ xấu và gói giải pháp xử lý

Theo văn bản được dẫn, chỉ tính đến ngày 30.4.2012, nợ xấu của toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) vào khoảng 108,6 nghìn tỉ đồng, tăng 28,18 nghìn tỉ đồng (35%) và đạt tốc độ tăng trung bình 8,6%/tháng, cao hơn so với mức tăng bình quân cùng kỳ năm trước. Văn bản trả lời của Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng chỉ rõ, nợ xấu tăng nhanh trong khi tín dụng đối với nền kinh tế giảm sút khiến cho tỉ lệ nợ xấu/tổng dư nợ liên tục tăng từ 3,06% ở thời điểm cuối năm 2011 lên 4,14% tại thời điểm cuối tháng 4.2012. Nguyên nhân khiến nợ xấu gia tăng chủ yếu là do tình hình sản xuất kinh doanh của các DN gặp nhiều khó khăn trong năm 2011 và chưa được cải thiện được trong 4 tháng đầu năm 2012, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và khả năng trả nợ ngân hàng của khách hàng. Bên cạnh đó thị trường bất động sản chậm phục hồi làm cho khả năng trả nợ của các DN cũng như việc xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ xấu của các TCTD thêm khó khăn.

Với các con số trên đây, việc xử lý nợ xấu là một trong những nội dung quan trọng trong đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, các giải phải xử lý sẽ bao gồm: Bán nợ xấu có tài sản đảm bảo cho Cty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng doanh nghiệp (DATC) của Bộ Tài chính; xóa nợ bằng nguồn dự phòng rủi ro và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; chuyển nợ thành vốn góp, cổ phần của DN vay; các khoản nợ xấu phát sinh do thực hiện cho vay theo chỉ đạo hoặc chủ trương, chính sách của Chính phủ mà không có tài sản đảm bảo và không có khả năng thu hồi sẽ được Chính phủ xóa nợ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; bán nợ xấu cho các DN không phải TCTD, Cty mua bán nợ tư nhân và Cty mua bán nợ của các NHTM. Riêng đối với một số khoản vay thế chấp bằng bất động sản, công trình hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bán được, Chính phủ xem xét mua lại các bất động sản đó để phuc vụ cho mục đích an sinh xã hội và hoạt động của cơ quan nhà nước.

Mỗi tháng, nợ xấu tăng kỷ lục - 1

Nợ xấu đang có dấu hiệu gia tăng

Con số thực

Cho đến nay, số liệu và đánh giá của các tổ chức cũng như của nhiều chuyên gia, trung tâm nghiên cứu đưa ra rất nhiều kết quả khác nhau về con số nợ xấu ngân hàng. Ngoài con số tính đến cuối tháng 4.2012 được công bố trên đây, số liệu mới nhất được NHNN cập nhật đến cuối quý I cho thấy tỉ lệ nợ xấu đã tăng lên khoảng 3,6% so với 3,2% hồi đầu năm 2012. Tuy nhiên, Hãng đánh giá tín dụng Fitch Ratings ngay từ rất sớm ước lượng tỉ lệ nợ xấu của VN thậm chí còn lên đến 13%. Còn theo thông tin từ đánh giá của nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), con số nợ xấu của các ngân hàng có thể ở mức từ 8,25% cho đến 14,01%, kể cả không bao gồm số nợ của Vinashin và các DN nhà nước khác. Với tình hình thị trường chứng khoán và bất động sản giảm giá mạnh trong thời gian qua, các giả định cho rằng có từ 50% đến 100% các khoản cho vay chứng khoán và bất động sản thuộc diện nợ xấu. Chiếm tỉ trọng 10-12% tổng dư nợ, hai nhóm vay trên đây được cho đẩy tỉ lệ nợ xấu gia tăng mạnh trong thời gian qua.

Mới đây trước Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình lại đưa ra con số gây sốc về tỉ lệ nợ xấu mà theo đó, tính chung trong toàn hệ thống, tỉ lệ này hiện tăng lên tới 10%. Và đây chính là yếu tố khiến chi phí vốn của các NHTM phải gánh thêm 10% và chi phí vốn thực tế lên cao. NHNN theo đó có kế hoạch thành lập Cty mua bán nợ trị giá 100 nghìn tỉ đồng (tương đương 4,8 tỉ USD) để giải quyết tình trạng nợ xấu tăng cao như hiện nay. Theo văn bản trả lời của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Cty sẽ phối hợp với DATC của Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu của các TCTD. Để kiểm soát và hạn chế nợ xấu gia tăng, NHNN cũng đang triển khai rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về hoạt động tín dụng và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động tín dụng. Đồng thời sửa đổi, bổ sung các chính sách về quản trị ngân hàng để quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng nói chung và trong hoạt động tín dụng nói riêng của các TCTD...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Nguyễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN