Mỗi ngày cả nước có 296 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể tăng cao trong 11 tháng đầu năm 2018
Tổng cục thống kê mới đây đã công bố số liệu tình hình kinh tế xã hội 11 tháng đầu năm của Việt Nam. Theo đó, trong tháng Mười Một, cả nước có 11.637 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 118,4 nghìn tỷ đồng, giảm 10,5% về số doanh nghiệp và giảm 22% về số vốn đăng ký so với tháng trước.
Trong tháng 11, cả nước còn có 3.404 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; có 6.353 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (bao gồm: 1.952 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 4.401 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể) và 1.554 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Tính chung 11 tháng, cả nước có 121.248 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.234,4 nghìn tỷ đồng.
Cơ cấu ngành nghề trong nhóm doanh nghiệp thành lập mới của 11 tháng đầu năm 2018. Đơn vị:%
Trong 11 tháng đầu năm, cả nước có 31.869 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng năm nay lên hơn 153,1 nghìn doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 11 tháng năm 2018 là 83.108 doanh nghiệp, tăng 49,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 25.977 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,8% và 57.131 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 64%.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 11 tháng năm 2018 là 14.861 doanh nghiệp, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng.
Như vậy trong năm 2018, trung bình mỗi tháng Việt Nam có khoảng 8.900 doanh nghiệp phải “dừng cuộc chơi”, bình quân một ngày số doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường là 296 doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào khu vực doanh nghiệp nhỏ, có số vốn và quy mô doanh nghiệp nhỏ bé.
Trước đó, Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những nguyên nhân chính dẫn đến tăng số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong 9 tháng năm 2018...
Theo đó, việc gia tăng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 9 tháng năm 2018 chịu sự tác động của các yếu tố khách quan, chủ quan đối với doanh nghiệp cũng như quy luật vận động của nền kinh tế thị trường. Phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn nhiều hạn chế về năng lực nội tại (thiếu tầm nhìn chiến lược; năng lực quản trị kém, thiếu tư duy về thị trường; trình độ ứng dụng khoa học công nghệ thấp; thiếu tính đổi mới sáng tạo trong sản phẩm...).
Theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, mặc dù môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn tồn tại những hạn chế, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Ví dụ như: quy định pháp lý về đầu tư, kinh doanh vẫn còn những chồng chéo, bất cập, quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn là rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực như tín dụng, đất đai...
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột biến về số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là do việc triển khai công tác rà soát đối với các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động tại trụ sở từ lâu nhưng không đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Từ tháng 4/2018 đến nay, các địa phương trên cả nước đang tích cực triển khai công tác rà soát nhằm loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập từ rất lâu nhưng không còn hoạt động, sau khi rà soát, những doanh nghiệp đó được chuyển sang tình trạng chờ giải thể.
Sau 9 tháng đầu năm 2018, THACO đã hoàn thành được 54% kế hoạch doanh thu và 60% chỉ tiêu lợi nhuận.