Mổ xẻ những con số GDP và chất lượng tăng trưởng

Sự kiện: Kinh Doanh

Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018.

Mổ xẻ những con số GDP và chất lượng tăng trưởng - 1

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh

Đây cũng là lần đầu tiên, kịch bản tăng trưởng kinh tế của đất nước được công bố ở mức 6,7%-6,8%. Tuy nhiên, với cách tính GDP hiện nay thì quan trọng nhất là chất lượng tăng trưởng chứ không phải con số cao hay thấp.

Nghịch lý GDP tăng, nguồn lực nền kinh tế yếu

Cụ thể, kịch bản 1 nhận định tốc độ tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%. Kịch bản 2, được xây dựng bám sát kịch bản 1, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò động lực chính và được kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng cao sẽ thúc đẩy GDP cả năm đạt 6,8%.

"Về nguyên tắc tiếp cận thông tin để tính toán chỉ tiêu GDP bằng 3 phương pháp: Phương pháp sản xuất, phương pháp phân phối và phương pháp cầu cuối cùng. Những nước phát triển họ tính GDP bằng cả 3 phương pháp. Thường phương pháp nào họ tiếp cận thông tin tốt nhất họ coi đó là GDP chuẩn, hoặc cũng có thể họ tính độc lập từ các phương pháp và có sai số giữa các phương pháp tính GDP. Nói như vậy để thấy phương pháp tính GDP là do Liên hợp quốc đưa ra nhằm so sánh quốc tế không phải thích thay đổi là thay đổi! Một nước nào đó đưa ra cách tính riêng là điều nguy hiểm vì cái gọi là GDP thực ra không còn là GDP nữa."

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh

Nhận định về chất lượng kịch bản trên, trao đổi với PV Báo Giao thông, chuyên gia kinh tế độc lập Bùi Trinh, người từng gắn bó sự nghiệp với ngành thống kê dự báo, cho rằng: Con số tăng trưởng GDP cao hay thấp không có nhiều ý nghĩa đối với nền kinh tế Việt Nam.

Trong nhiều trường hợp GDP tăng trưởng càng cao càng gây bất ổn kinh tế vĩ mô, chẳng hạn khi xây tượng đài, cổng chào và những đầu tư lãng phí khác sẽ đi vào tích lũy và làm GDP tăng lên tức thời (trong năm) nhưng lại làm nguồn lực nền kinh tế yếu đi và rủi ro vĩ mô như nợ công tăng lên. Nhìn từ phía cầu tăng trưởng GDP của Việt Nam trong những năm qua dựa trên 3 trụ cột quan trọng: Xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng cuối cùng.

Về xuất khẩu, cơ bản là xuất khẩu của khu vực FDI chiếm hơn 70% tổng xuất khẩu. Phương pháp tính GDP dựa trên nguyên tắc thường trú, tức là phần giá trị gia tăng và xuất khẩu của khu vực này được tính cả vào GDP. Phần lợi nhuận, doanh nghiệp FDI giữ lại để mở rộng sản xuất hay chuyển về nước là quyền của họ.

Ước tính cho năm 2018 có thể thấy, chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài khoảng trên 20 tỷ USD, trong đó khoảng hơn 10 tỷ USD trả nợ và hơn 10 tỷ USD là khối FDI chuyển tiền một cách hợp pháp ra nước ngoài. Mặc dù FDI cũng nộp thuế VAT.

Thế nhưng về bản chất VAT là loại thuế gián thu nên đó là tiền của người tiêu dùng Việt Nam đóng góp vào ngân sách thông qua việc sử dụng sản phẩm của khu vực này. Rất khó nắm bắt các doanh nghiệp FDI đưa sản phẩm ra và vào Việt Nam với giá trị thực như thế nào. Vì thế, phần lợi nhuận thật có thể đã nằm ở nước ngoài mà Việt Nam không thể biết và không thể đánh thuế.

Mặt khác, dựa trên nguyên tắc thường trú, sự lớn mạnh của khu vực FDI có thể làm tăng GDP nhưng lại làm nguồn lực của nền kinh tế ngày càng bị thu hẹp thông qua chỉ tiêu tổng thu nhập Quốc gia (GNI), Thu nhập Quốc gia khả dụng (NDI) và Tiết kiệm (saving) của nền kinh tế, trong khi những chỉ tiêu này của nước chủ quản các doanh nghiệp FDI lại tăng.

Đầu tư không hiệu quả cũng làm tăng GDP trong tức thời nhưng làm giảm nguồn lực. Ví dụ, khi đào đường làm tăng GDP, khi lấp đi làm như cũ (có khi không bằng cũ) lại làm tăng GDP một lần nữa. Xây những công trình nghìn tỷ rồi bỏ hoang làm tăng GDP ở thời điểm đó, nhưng rõ ràng là không có ý nghĩa gì về mặt kinh tế.

Mổ xẻ những con số GDP và chất lượng tăng trưởng - 2

Xuất khẩu tăng góp phần tăng trưởng GDP nhưng khu vực FDI hiện đang chiếm hơn 70% tổng xuất khẩu (Trong ảnh: Nhà máy Samsung ở Bắc Ninh) - Ảnh: Ngọc Sơn

Đánh giá sức khỏe nền kinh tế không chỉ dừng ở GDP

Muốn làm tăng GDP để đạt được thành tích còn có thể nới tín dụng cho vay tiêu dùng. Tín dụng đi vào tiêu dùng và bất động sản quá nhiều cũng làm tăng GDP nhưng rủi ro về lạm phát, nợ xấu và những bất ổn vĩ mô khác. Chi tiêu của Nhà nước để nuôi bộ máy khổng lồ cũng làm tăng GDP nhưng có thể dẫn tới bội chi ngân sách.

“Nhìn vào số liệu từ năm 2010 đến nay có thể thấy tăng trưởng giá trị tăng thêm của các ngành liên quan đến tiền ngân sách như quản lý Nhà nước, văn hóa, y tế, giáo dục có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng GDP khá nhiều, những ngành này năm nào cũng tăng trưởng trên 7,2%, trong khi tăng trưởng GDP từ 2010 đến nay chưa năm nào vượt 7%. Điều này là rất phi lý và vô nghĩa về kinh tế”, vị chuyên gia kinh tế phân tích.

Quay trở lại với kịch bản phát triển kinh tế 2018, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho biết, Bộ KH-ĐT không hề tính toán vấn đề từ phía cầu mà chỉ tính toán cho những ngành đã gộp lại từ phía cung. “Một dự báo nghiêm túc không thể chỉ dừng lại ở GDP. Trong hệ thống các tài khoản Quốc gia (SNA) còn có những tiêu chí quan trọng hơn đánh giá sức khỏe nền kinh tế tốt hơn như GNI, NDI và Saving”, chuyên gia này chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Ngân (Báo Giao thông)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN