Metro Hà Nội đội vốn 16.000 tỷ: Báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội

Bộ KH&ĐT vừa trình Thủ tướng xem xét báo cáo Quốc hội chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh quy mô xây dựng và tổng mức đầu tư của dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long — Trần Hưng Đạo. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án kiến nghị từ 19.555 tỷ đồng lên 35.678 tỷ đồng; tăng 16.123 tỷ đồng.

Bộ KH&ĐT vừa gửi Dự thảo Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình triển khai, thực hiện Dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long — Trần Hưng Đạo. 

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ KH&ĐT xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình thực hiện dự án. Dự án này được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt vào tháng 11/2008 với tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng, là dự án nhóm A. Đến tháng 3/2018, UBND thành phố Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Dự án với tổng mức đầu tư là 35.678 tỷ đồng.

Bộ KH&ĐT có văn bản gửi Bộ Tài chính xin ý kiến về cơ chế tài chính, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án và xin ý kiến các cơ quan liên quan về dự thảo Báo cáo trình Quốc hội về tình hình triển khai dự án.

“Đến nay, chúng tôi nhận được đầy đủ ý kiến của các cơ quan liên quan. Về cơ bản, các ý kiến nhận được thống nhất với dự thảo báo cáo và có một số nội dung UBND thành phố Hà Nội cần phải tiếp thu trong quá trình thực hiện”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết.

Metro Hà Nội đội vốn 16.000 tỷ: Báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội - 1

Ảnh minh họa

Sau khi có đầy đủ ý kiến, Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Dự thảo Báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai Dự án xây dựng đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Trong đó, có vấn đề phát sinh tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia đã được Bộ KH&ĐT hoàn thiện trên cơ sở tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan phối hợp.

Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội khẩn trương thực hiện trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án điều chỉnh theo đúng quy định tại Khoản 3 Điều 33 Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ (hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia và pháp luật liên quan và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ); đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về thông tin, số liệu báo cáo và hiệu quả đầu tư dự án điều chỉnh.

“UBND thành phố Hà Nội phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định về chủ trương, khả năng bố trí vay vốn nước ngoài bổ sung phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án. UBND thành phố Hà Nội và chủ đầu tư tiếp tục thực hiện đầy đủ công tác giám sát đánh giá đầu tư theo quy định, bảo đảm dự án đầu tư đúng mục tiêu và hiệu quả”, Bộ KH&ĐT kiến nghị.

Ngoài ra, Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng xem xét, cho ý kiến về việc báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Dự án xây dựng đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Trong đó có vấn đề phát sinh tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia.

Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV (ngày 24/11), Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, các lý do khiến dự án này đội vốn gồm: tỷ giá đồng Yên tăng; giá nhân công cũng tăng, vì trải qua 6 lần tăng lương, từ năm 2008 đến nay; giá vật liệu cũng tăng từ năm 2008 đến nay. Ông Chung cho biết, TP Hà Nội đã rút ra một số bài học, trong đó quá trình nghiên cứu tiền khả thi quá dài. Vì vậy, Hà Nội định hướng với những dự án đường sắt còn lại chỉ nghiên cứu tiền khả thi trong vòng một năm dự toán mới sát thực tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Linh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN