Mệt mỏi với ATM

Cứ mỗi lần đến Tết là các chủ thẻ phát bực khi rút tiền qua thẻ ATM. Năm nay cũng không ngoại lệ, dù các ngân hàng luôn cam kết bảo đảm thông suốt...

17 giờ ngày 1-2, công nhân KCX Tân Thuận (quận 7 - TPHCM) bắt đầu tan ca và lao đến các máy ATM đặt trong khuôn viên KCX rút tiền, kiểm tra tài khoản xem tiền thưởng Tết. 17 giờ 30 phút, công nhân xếp hàng chờ đến lượt mỗi lúc một đông trong khi hơn chục chiếc máy ATM đang làm việc với công suất cao nhất…
 
Nỗi ám ảnh bị nuốt thẻ

Chiều tối 1-2, chị Vũ Thị Thu Thủy, công nhân Công ty CCHTOP (KCX Tân Thuận), tay cầm khư khư 3 chiếc thẻ ATM lẫn trong hàng dài công nhân đang xếp rồng rắn trước máy ATM của Ngân hàng (NH) TMCP Ngoại thương (Vietcombank), không dám đưa thẻ vào.

Một lúc lâu, chị mới nhờ người đứng bên cạnh rút tiền giùm. Thấy tôi tò mò, Thủy giải thích: “Mỗi tháng tôi chỉ dám ra máy ATM rút một lần toàn bộ tiền lương vì sợ thao tác không quen, bị nuốt thẻ thì khổ”.

Không chỉ chị Thủy, nhiều công nhân cũng nhờ bạn bè, đồng nghiệp rút giùm vì sợ thao tác sai, bị máy nuốt thẻ. “Nếu bị nuốt thẻ, tụi tôi phải xin nghỉ 1 buổi làm để ra NH xin lấy lại. Nghỉ một ngày coi như mất tiền chuyên cần cả năm (hơn 300.000 đồng) nên ai cũng sợ” - chị Nguyễn Thị Gái, đồng nghiệp cùng công ty chị Thủy, nói thêm.

Nỗi sợ bị nuốt thẻ ám ảnh công nhân đến mức một chị công nhân sau khi nhờ bạn bấm mã PIN đến lần thứ hai không thành công đã… đem thẻ về nhà. “Sợ bấm sai lần thứ ba bị nuốt thẻ thì chết, thôi em mang thẻ về nhà xem lại mã PIN rồi rút sau cho chắc ăn!” - chị nói.

Cách đó khoảng 1 km, cả trăm công nhân đang chờ xếp hàng trước hơn chục máy ATM để rút tiền thưởng Tết, cũng trong khuôn viên KCX Tân Thuận với vẻ mặt mệt mỏi vì chờ đợi quá lâu. Thời điểm này, một số công ty đã phát tiền thưởng Tết cho công nhân nên lượng giao dịch qua hệ thống ATM tăng khá mạnh. Đứng xếp hàng chờ tới lượt, một công nhân Công ty Unimax Sài Gòn than thở: “Mỗi lần rút tiền là một lần xếp hàng chờ đợi.

Chẳng may vừa tới lượt máy lại hết tiền hoặc ngừng giao dịch là phải qua máy kế bên… xếp hàng lại từ đầu. Có khi mọi người còn gây gổ, cãi nhau trước máy ATM chỉ vì không chịu xếp hàng”. Không ít công nhân sau khi chờ mãi đến lượt, vào giao dịch chỉ để kiểm tra tài khoản xem tiền thưởng Tết đã có chưa rồi buồn bã bước ra: “Vẫn chưa có tiền!”. “Họ trông tiền thưởng Tết đó, vài ngày nữa mới được lãnh lương. Một tháng dài đằng đẵng nên nghe có tiền thưởng ai cũng mừng, chạy vội ra máy ATM kiểm tra” - chị Thủy chia sẻ.

Quan sát một lúc, chúng tôi ghi nhận một vài máy ATM đã ngừng giao dịch vì hết tiền. Một máy ATM khác sau khi nuốt thẻ xong đã không cho chủ thẻ khác giao dịch vì chiếc thẻ bị nuốt nằm chắn ngang khe đọc thẻ. Nhiều công nhân sốt ruột chờ tới lượt đã thở dài ngao ngán. Đến 17 giờ 45 phút, những công nhân tan ca sau tiếp tục kéo đến máy ATM rút tiền mỗi lúc một đông hơn…

Không chỉ công nhân các KCX-KCN chen chúc bên máy ATM mà những ngày qua, nhiều bạn đọc phản ánh với chúng tôi tình trạng máy ATM hết tiền đã bắt đầu tái diễn tại TPHCM. Nhiều người phải chạy đến mấy buồng ATM mới rút được tiền.

Trước buồng ATM của một NH trên đường Võ Văn Tần (quận 3 - TPHCM), một khách hàng bước ra nhăn mặt với xấp tiền mệnh giá 20.000 đồng, trong khi chị rút 5 triệu đồng/lần. “Định vào rút tiền mà thấy chị ấy cầm xấp tờ 20.000 đồng tiền lẻ, tôi “ớn” quá, đành để lúc khác rút vậy” - chị Thư, làm việc tại quận 3, cho biết.

Tăng cường tiếp quỹ

Theo các NH, lượng giao dịch qua máy ATM trong những ngày qua đã bắt đầu tăng lên, cao điểm của tình trạng nghẽn mạng, máy hết tiền, ngưng giao dịch… sẽ diễn ra trong khoảng 1 tuần trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, theo ông Lê Huỳnh Hà, Trưởng phòng máy ATM - Vietcombank Chi nhánh TPHCM, năm nay kinh tế khó khăn nên tình hình nghẽn mạng ATM đến thời điểm này không căng thẳng như mấy năm trước.

Mệt mỏi với ATM - 1

Công nhân chen chúc rút tiền tại các máy ATM ở KCX Tân Thuận, quận 7 - TPHCM (ảnh chụp chiều 2-2) Ảnh: TẤN THẠNH

Đến giờ, NH này chưa ghi nhận sự cố đặc biệt nào liên quan đến ATM. Hiện các NH đang tăng cường tiếp quỹ, quan sát trên hệ thống thấy máy nào sắp hết tiền phải đi tiếp ứng ngay. Phụ trách phòng ATM một NH thương mại cho biết mệnh giá loại tiền trong máy ATM là 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng và một số máy thêm mệnh giá 500.000 đồng. Tính ra, mỗi máy ATM của NH ông có khoảng 1 đến 1,5 tỉ đồng, tùy dòng máy ATM; khi hệ thống báo về máy nào còn khoảng vài chục triệu đồng là nhân viên NH đã chuẩn bị đến tiếp quỹ.

Theo một số NH thương mại lớn, một trong những nguyên nhân của tình trạng quá tải máy ATM là do có sự “xài ké” của chủ thẻ NH khác. Cụ thể, một số NH TMCP nhỏ không mặn mà đầu tư hệ thống máy ATM mà chủ trương trả phí thay cho khách hàng rút tiền ở các NH khác. Trong khi đó, các NH lớn phát triển hệ thống ATM căn cứ vào số lượng thẻ phát ra.

Theo lãnh đạo phòng thẻ của một NH, việc các NH miễn phí cho chủ thẻ của mình rút tiền ở NH khác nghe có vẻ hợp lý nhưng phí giao dịch không đủ bù đắp kinh phí đầu tư hệ thống ATM. Khi có sự cố xảy ra, khách hàng phải tới lui NH để lấy thẻ sẽ mất thời gian. “Trong khi đó, các NH lớn có nhiều đầu máy ATM sẽ phải gánh lượng khách hàng này, góp phần làm tắc nghẽn ATM dịp Tết và khiến chủ thẻ của NH có máy ATM cũng bị vạ lây” - lãnh đạo phòng thẻ NH này bức xúc.

Liên quan đến những sự cố khi giao dịch tại máy ATM, theo ông Dương Ngọc Minh, Phó Giám đốc Trung tâm ATM, POS - NH TMCP Đông Á, chủ yếu là do khách hàng bấm sai mã PIN dẫn đến bị nuốt thẻ, máy hết tiền, đầu đọc thẻ bị lỗi, máy bị kẹt do tiền mới… Trong những trường hợp như vậy, khách hàng có thể liên hệ NH để được giải quyết trong vòng tối đa 8 giờ, nếu ngoài giờ làm việc thì có thể trong 1 ngày. “Khách hàng nên rút tiền tại máy ATM của NH mình, nếu gấp quá mới giao dịch tại ATM của NH khác để tránh sự cố và khắc phục nhanh hơn” - ông Minh nói.

Tránh thiệt thòi cho chủ thẻ

Trong khi mạng lưới ATM khó tránh quá tải, tắc nghẽn vào những ngày cận Tết, NH Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, tổ chức phát hành, chuyển mạch thẻ hướng dẫn thực hiện các quy định bảo đảm an toàn ATM. Theo đó, các đơn vị cần nâng hạn mức rút tiền tối đa một lần lên hơn 2 triệu đồng để gia tăng quyền lợi cho chủ thẻ. Thực tế, hiện chủ thẻ rút tiền ngoại mạng tối đa chỉ được 2 triệu đồng, trong khi mức phí giao dịch ngày càng tăng. Các NH phải khẩn trương rà soát mạng lưới ATM tại từng địa bàn tỉnh TP, cử người tiếp quỹ, giải quyết khiếu nại, sự cố của khách hàng bảo đảm ATM hoạt động thông suốt, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

Nghe chuyện các NH thu phí giao dịch nội mạng qua ATM từ ngày 1-3, không ít công nhân cảm thấy bất ngờ và cho rằng không hợp lý. Công nhân Vũ Thị Gái (KCX Tân Thuận) nói: “1.000 đồng/giao dịch cũng là tiền chúng tôi làm tăng ca mới có được nên thu phí chỉ thiệt thòi cho công nhân nghèo”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN