Méo mó thị trường ngoại tệ
Việc ngừng cho vay ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn trong nước của doanh nghiệp xuất khẩu đang gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh
Cùng với đó, quy định hạ trần lãi suất tiền gửi USD về 0% đối với tổ chức, cá nhân của Ngân hàng (NH) Nhà nước sau một thời gian đã phát sinh những hệ lụy.
Nông dân cũng bị vạ lây
Ngày 9-5, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, cho biết hiệp hội đã có công văn gửi thống đốc NH Nhà nước kiến nghị xem xét quy định ngừng cho vay ngoại tệ với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu. Hơn 1 tháng sau khi quyết định của NHNN có hiệu lực, không chỉ DN xuất khẩu nông - lâm - thủy sản mà cả nông dân trong ngành này cũng bị vạ lây.
Ngân hàng Nhà nước quy định ngừng cho vay USD nên doanh nghiệp xuất khẩu phải vay tiền đồng với lãi suất cao hơn. Ảnh: Tấn Thạnh
“DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang vay vốn lãi suất chỉ 1%-3%/năm nên đẩy giá thu mua cà phê lên 100-200 đồng so với giá DN Việt đưa ra khiến DN trong nước gặp rất nhiều khó khăn trong thu mua nông sản. Cạnh tranh của DN Việt với FDI ngày càng khó hơn” - ông Nam dẫn chứng.
Trước đây, nông dân thường gửi cà phê ở kho của DN rồi ứng tiền trước với lãi suất khoảng 6%-7%/năm để nhờ DN vay nguồn ngoại tệ rẻ. Nay, DN phải chuyển sang vay tiền đồng với lãi suất cao hơn gấp 2-3 lần nên nông dân cũng phải chịu mức lãi suất cao hơn nhiều. Trong khi nhà nước đặt mục tiêu xuất khẩu là trọng tâm nên cần phải xem lại quy định này.
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ông Trương Đình Hòe, cho rằng trở ngại nhất với DN thủy sản là vốn mà quy định ngừng cho vay ngoại tệ càng làm khó khăn thêm trầm trọng. Năm ngoái, các nước là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của thủy sản Việt Nam liên tục phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu khiến DN Việt hụt hơi. Nay, DN không được tiếp tục vay ngoại tệ cho các nhu cầu trong nước lại càng khó hơn. VASEP đã gửi văn bản kiến nghị NH Nhà nước xem xét lại quy định này nhưng đến nay vẫn chưa thấy phản hồi.
“Phải vay vốn bằng VNĐ với lãi suất gấp 2-3 lần ngoại tệ không chỉ làm giảm sức cạnh tranh của DN mà còn tạo khoảng cách xa hơn trong lợi thế cạnh tranh với DN FDI, đẩy giá hàng hóa của Việt Nam cao hơn các nước” - ông Hòe lo ngại.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng NH Nhà nước cần nghiên cứu cơ chế cho DN xuất khẩu tiếp tục vay nguồn ngoại tệ (bởi thực chất các DN này có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ) mà không vi phạm các cam kết trong hội nhập.
Người dân chưa quen lãi suất 0%/năm
Cùng với những bất cập về cho vay ngoại tệ, việc NH Nhà nước điều chỉnh lãi suất huy động bằng USD về 0%/năm để chống đô-la hóa nền kinh tế cũng đang phát sinh nhiều hệ lụy, làm méo mó thị trường. Lãi suất tiền gửi USD giảm về 0% khiến người dân chuyển sang gửi tiết kiệm không kỳ hạn, trong khi NH thương mại vẫn có nhu cầu huy động ngoại tệ các kỳ hạn đã phải lách trần.
Để chấn chỉnh tình trạng này, ngày 6-5, thống đốc NH Nhà nước đã ban hành văn bản nghiêm cấm NH thương mại thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần huy động USD và cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn.
Phó tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô vừa, hội sở tại
TP HCM, cho biết ngay trong sáng 9-5, ban lãnh đạo NH đã họp khẩn để quán triệt yêu cầu chấn chỉnh lãi suất huy động USD, không vượt trần từ NH Nhà nước. Vị này khẳng định chủ trương của NH không “tri ân” trả thêm lãi suất hoặc quà tặng cho khách hàng khi gửi USD. Những khoản tiền gửi ngoại tệ có kỳ hạn của khách hàng trước đây vẫn còn nhiều nên đủ để NH cho vay, thanh khoản không bị ảnh hưởng.
“Nhưng nếu lãi suất huy động USD tiếp tục là 0%/năm trong thời gian dài sẽ là vấn đề bởi tâm lý của người dân gửi tiết kiệm phải có lãi suất chứ không quen gửi NH là giữ hộ hoặc phải trả phí như nước ngoài” - vị này nhận xét.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết đã yêu cầu các NH thương mại trên địa bàn tự kiểm tra, chấn chỉnh ngay việc lách trần lãi suất và sẽ phối hợp với cơ quan thanh tra giám sát NH kiểm tra một số đơn vị.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, phân tích việc các NH lách trần cho thấy một số động thái như: có thể các NH thấy được lượng tiền gửi bằng USD có phần giảm sút hơn trước đây hoặc một số NH khác tận dụng lượng kiều hối trước và sau Tết (nhất là trong quý I) cũng như để đáp ứng việc người dân chưa quen gửi tiền mà không lãi suất.
“Hệ lụy này đang tạo ra sự thiếu minh bạch, tăng chi phí vốn, chi phí giao dịch cho hệ thống NH. Về lâu dài, một số DN sẽ phải gánh chi phí này. Việc lách trần của NH thương mại cũng đang tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh vì chi phí đó sẽ hạch toán vào đâu? Do đó, cần phải chấn chỉnh để tạo ra thị trường tài chính ổn định, lành mạnh hơn” - ông Lực nhìn nhận.
Tăng tính linh hoạt của tỉ giá Theo TS Cấn Văn Lực, để lộ trình chống đô-la hóa thành công trong điều kiện hiện nay, NH Nhà nước và các bộ, ngành liên quan cần đồng bộ những chính sách, nên đa dạng hóa loại ngoại tệ nhiều hơn để rủi ro đối với USD của DN giảm - giống như NH Nhà nước điều hành tỉ giá trung tâm thông qua rổ tiền tệ. Muốn kiên trì quy định thanh toán bằng ngoại tệ ở Việt Nam, phải tăng niềm tin và tính ổn định của giá trị VNĐ. Quan trọng là tăng tính linh hoạt của tỉ giá và phát triển thị trường trái phiếu ngoại tệ, chứng khoán phái sinh để giúp NH và DN có những công cụ rủi ro tỉ giá. |