Mất cả trăm tỉ, sao vẫn lao vào vàng ảo?
Biến động giá vàng trong nước không đem lại tỉ suất lợi nhuận như mong muốn, trong khi sàn vàng ảo luôn quảng cáo sẽ mang lại lợi nhuận “khủng” khiến nhiều người sập bẫy.
Cuối tháng 5 vừa qua, sàn vàng chui BBG bị đánh sập, nhà đầu tư mất trắng hàng trăm tỉ đồng. Tại thời điểm đó, nhiều nhà đầu tư đã phải cầu cứu công an. Không ít nhà đầu tư hy vọng sẽ lấy được số tiền đã góp vốn nhưng chỉ vô vọng. Sự việc chưa rơi vào quên lãng thì mới đây sàn vàng IMMS bị đánh sập, chôn vùi hàng trăm tỉ đồng của nhà đầu tư.
Điều mà rất nhiều người không hiểu được là tại sao dù không ít lần cơ quan chức năng cảnh báo chơi sàn vàng ảo là canh bạc, chỉ có thua chứ không có thắng nhưng nhiều người vẫn cứ lao vào như thiêu thân. Điều đáng nói là trong số đó không ít người có hiểu biết về thị trường vàng.
Để tìm câu trả lời cho vấn đề trên, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Dương Anh Vũ, chuyên gia lâu năm về vàng, hiện là phó phòng Phân tích tư vấn Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam (VGB).
Hám lợi nhuận rồi mất trắng
. Phóng viên: Giới đầu tư vàng đều hiểu ở Việt Nam không cho phép hình thành sàn vàng. Với công ty nước ngoài cũng không được phép mở sàn vàng hay chi nhánh tại Việt Nam. Vậy theo ông, tại sao vẫn xuất hiện nhan nhản các loại sàn vàng quảng cáo mời chào nhà đầu tư với lợi nhuận hấp dẫn?
+ Ông Dương Anh Vũ: Sau hàng loạt vụ việc liên quan đến VGX, BBG, IMMS,… các sàn vàng ảo tại Việt Nam co hẹp lại khá nhiều. Các sàn còn quảng cáo rầm rộ hầu hết là từ nước ngoài hoặc sàn vàng nước ngoài mở chi nhánh tại Việt Nam.
Giao dịch vàng miếng diễn ra ảm đạm nhưng sàn chui vẫn hút hàng ngàn người tham gia. Trong ảnh: Khách hàng đang mua vàng tại một quầy vàng. Ảnh: HTD
Được gọi là “mở chi nhánh tại Việt Nam” nhưng thực chất các sàn vàng này không có địa chỉ cụ thể, cũng không có pháp nhân đại diện. Nếu muốn liên lạc thì nhà đầu tư thực hiện qua email hoặc điện thoại. Do đó quản lý việc quảng cáo và quản lý hoạt động của những sàn vàng này còn gặp rất nhiều khó khăn.
. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư vẫn bất chấp rủi ro cao, lao đầu vào sàn vàng chui, sàn vàng ảo?
+ Hiện tại thị trường chứng khoán không sôi động và giá vàng trong nước dao động theo biên độ hẹp, lợi nhuận không hấp dẫn. Trong tình hình đó, việc các nhà đầu tư bị lôi cuốn bởi sàn vàng ảo là khó tránh khỏi.
Bởi ưu thế của các sàn vàng ảo là đòn bẩy tài chính, hứa hẹn tỉ lệ lợi nhuận cao. Ví dụ: Với tỉ lệ đòn bẩy 1:100 thì nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra hơn 29,4 triệu đồng (khoảng 1.340 USD) để mua 100 oz vàng. Giả sử giá vàng thế giới tăng 20 USD/oz thì nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận 44 triệu đồng (tương đương 2.000 USD). Tỉ suất lợi nhuận trong trường hợp này là 149%!
Bên cạnh đó, vàng là tài sản tích trữ mang tính truyền thống tại Việt Nam. Tất nhiên những người nắm giữ muốn vàng sinh lợi chứ không đơn thuần là tài sản tích trữ. Hiện có nhiều người vẫn mua vàng SJC hoặc vàng nhẫn vừa để tích trữ tài sản, vừa để đầu tư nhưng lợi nhuận không như mong muốn. Đây cũng là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư vàng vẫn tham gia sàn vàng ảo.
Lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn
. Thực tế cho thấy không ít người gửi tiền hay đầu tư vào những sàn vàng này vì họ nghĩ đơn giản rằng đó là góp tiền như một cổ đông để kiếm lời. Ông nghĩ gì về điều này?
+ Thông thường khi các công ty cần hút vốn thì họ nói đang đầu tư vào dự án nào đó, đầu tư vào chỉ số nào đó… Thế nên người dân bình thường đâu biết là mình đang tham gia đầu tư vào công ty kinh doanh vàng tài khoản!
Do vậy, cái sai của người dân bình thường khi đầu tư vào các công ty này nếu có là trách nhiệm đối với đồng vốn của họ. Khi nghe quảng cáo gửi tiền có lãi suất cao, họ phải hiểu rằng trên thị trường tài chính, lợi nhuận luôn tỉ lệ thuận với rủi ro, lợi nhuận cao thì rủi ro cao.
. Sàn vàng ảo núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau và tìm mọi cách lôi kéo các nhà đầu tư. Chẳng hạn sàn vàng nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam, sàn vàng nước ngoài không có chi nhánh tại Việt Nam… Theo ông, giải pháp nào để chấm dứt tình trạng này?
+ Vấn đề này đã được bàn đến nhiều lần, đó là nên mở trung tâm giao dịch vàng mang tính quốc gia. Với cơ chế quản lý rủi ro hợp lý thì trung tâm giao dịch vàng sẽ vận hành ổn định, không còn cảnh sàn này hay sàn kia sập nữa.
Trung tâm giao dịch vàng quốc gia mang tính pháp lý cao cũng sẽ thu hút được các nhà đầu tư vàng trong cả nước và khi đó các sàn vàng chui không thể tồn tại.
. Xin cám ơn ông.
Theo ông Vũ cho dù có nhiều tranh luận nhưng ông Vũ tin rằng Mỹ sẽ nâng lãi suất. Chúng ta chưa lường hết được phản ứng của thị trường tài chính trong trường hợp Mỹ điều chỉnh lãi suất, do đó hầu hết các thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro đáng kể. Lời khuyên của ông Vũ là giới đầu tư nên giữ thái độ thận trọng. Cơ hội sẽ đến trên thị trường nhưng chỉ dành cho ai biết bảo toàn đồng vốn của mình. Đối với diễn biến của giá vàng thế giới, ông Vũ cho rằng sẽ duy trì ở biên độ 1.100-1.158 USD/oz trong một thời gian nữa. Dựa trên quan điểm này, giá vàng trong nước có thể không biến động đáng kể suốt hai tuần tới và chưa thể sớm rời xa mức 34 triệu đồng/lượng. Đặc biệt nhà đầu tư nên chú ý biến động trên thị trường vàng sau khi diễn ra cuộc họp vào ngày 15-10 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Từ năm 2009 khi sàn vàng ở Việt Nam chính thức đóng cửa, không ít nhà đầu tư đã tham gia vào sàn vàng ảo. Thực tế kinh doanh vàng vật chất hay vàng ảo cũng là một cái nghề. Khi một người đạt trình độ hiểu biết nhất định thì lúc đó họ tham gia đầu tư có khi không đơn thuần chỉ vì lợi nhuận mà còn vì đam mê. Ông DƯƠNG ANH VŨ, Phó phòng Phân tích tư vấn Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam (VGB) |