Manh nha quỹ cho người muốn nhận lương hưu cao

"Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ giúp người lao động khi về hưu sẽ có mức thu nhập từ lương hưu cao hơn, đây là “thời điểm vàng” để triển khai”- Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH khẳng định.

Thông tin này được ông TS.Phạm Trường Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTBXH) đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến về đề án thực hiện thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung do Bộ LĐTBXH và Công ty CP Quản lý Quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) phối hợp tổ chức sáng 26/9 tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân, hệ thống bảo hiểm hưu trí ở Việt Nam hiện nay mang tính đơn tầng chỉ có hưu trí cơ bản, trong khi các nước đã xây dựng và áp dụng hệ thống bảo hiểm hưu trí đa tầng (hưu trí cơ bản, hưu trí bổ sung và hưu trí cá nhân…). Ngoài ra, số lương hưu lĩnh bình quân hàng tháng của người lao động (NLĐ) về hưu khoảng 3 triệu đồng/tháng, hiện là mức khá thấp để đảm bảo được nhu cầu cuộc sống. 

Mỗi khi điều chỉnh tăng lương tối thiểu chung cho NLĐ ở khu vực hành chính sự nghiệp thì cũng phải tăng lương hưu với mức tăng tương ứng. Chính điều này đã và đang gâp áp lực lên Quỹ bảo hiểm xã hội, khiến “gánh nặng” đè lên ngân sách chi cho bảo hiểm xã hội ngày càng tăng.

“Mức quỹ bảo hiểm xã hội đang cạn dần. Đến năm 2021 quỹ này sẽ cân bằng thu chi và tới năm 2033 sẽ cạn kiệt quỹ dự phòng. Việc ra đời một quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ giúp NLĐ khi về hưu sẽ có mức thu nhập từ lương hưu cao hơn, giảm chi cho ngân sách từ việc điều chỉnh lương hưu hàng năm”- Thứ trưởng Huân nói và cho rằng, hiện là “thời điểm vàng” để triển khai chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Manh nha quỹ cho người muốn nhận lương hưu cao - 1

Đời sống người lao động sẽ được đảm bảo hơn khi đóng quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung

Ông Phạm Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, trong khối các nước APEC hiện chỉ còn Việt Nam chưa triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung, còn ở khu vực Đông Nam Á, hầu hết các nước đã triển khai. Nếu Việt Nam có chính sách thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung thì NLĐ làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia hay các doanh nghiệp (DN) lớn khác sẽ bị thiệt thòi.

Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ là bảo hiểm tự nguyện, tức các DN có nhu cầu thì mới đăng ký tham gia và mức phí trích đóng cũng sẽ theo sự thỏa thuận của DN và NLĐ.

Vì vậy, thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung, NLĐ sẽ có mức sống tốt hơn khi về hưu khi nhận thêm một khoản bổ sung ngoài lương hưu trí cơ bản.

Theo dự thảo, đối tượng áp dụng của bảo hiểm hưu trí bổ sung là NLĐ và sử dụng lao động đã thuộc diện tham gia hưu trí cơ bản (bảo hiểm xã hội bắt buộc theo qui định của luật Bảo hiểm xã hội hiện hành). NLĐ và sử dụng lao động sẽ thỏa thuận tỷ lệ đóng góp, căn cứ vào tiền lương (bao gồm lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp và các khoản khác).

Mức đóng góp được qui định trong khoảng 5 – 22% tiền lương hàng tháng của NLĐ, tuy nhiên tối đa không quá 5,06 triệu đồng/người/tháng và mức đóng tối thiểu là 250.000 đồng/người/tháng. Mức đóng tối đa và tối thiểu được điều chỉnh theo mức lương cơ sở. Trong giai đoạn thí điểm, NLĐ và người sử dụng lao động có thể lựa chọn một trong các phương thức đóng hàng tháng, hàng quý. Tuy nhiên, theo ông Giang thì việc lựa chọn đóng quỹ theo hàng quý sẽ đảm bảo có lợi nhất cho cả DN và NLĐ.

Khi tới tuổi nghỉ hưu ngoài hưởng 75% lương cơ bản (lương hưu) NLĐ sẽ được hưởng từ tài khoản hưu trí bổ sung với mức hưởng hưu trí bổ sung hàng tháng được xác định bằng giá trị tồn tích trong tài khoản của NLĐ 15 năm sau khi về hưu (tương đương 180 tháng).

Lo ngại thời gian được hưởng “lương” bảo hiểm hưu trí bổ sung quá ít, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội giải thích, khoảng thời gian 15 năm được đưa ra căn cứ vào kỳ vọng sống của người dân Việt Nam căn cứ vào tổng điều tra dân số. Nếu chia thời gian dài thì số tiền hưởng mỗi tháng sẽ càng ít đi.

“Đây là công cụ thu hút tài năng, hưu trí cơ bản dành cho tất cả mọi tầng lớp lao động trong xã hội, còn hưu trí bổ sung dành cho NLĐ có nhu cầu mong muốn tiếp cận mức sống cao hơn, cũng là chính sách hỗ trợ của người sử dụng lao động với NLĐ để NLĐ gắn bó với DN, nên nhóm đối tượng chắc chắn sẽ nhỏ hơn hưu trí cơ bản”- ông Giang nói.

Điểm đáng lưu ý nhất trong bản dự thảo đề án lấy thí hiểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung là DN và NLĐ sẽ được khấu trừ thuế TNDN và TNCN. Cụ thể, các khoản đóng góp của NLĐ được khấu trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân. Các khoản đóng góp của người sử dụng lao động được tính là chi phí hợp lệ khấu trừ thuế thu nhập DN. Các khoản thu nhập từ đầu tư được miễn thuế. Người nghỉ hưu lĩnh tiền hưu hàng tháng không bị đánh thuế, chỉ đóng thuế khi rút một lần.

Trả lời câu hỏi của PV Infonet về việc, công ty quản lý quỹ “nắm” quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung, nếu công ty này kinh doanh phá sản thì quyền lợi của NLĐ sẽ ra sao? Ông Giang trấn an, với cơ cấu đầu tư an toàn bản dự thảo đưa ra quy định, các công ty quản lý quỹ phải áp dụng đó là ít nhất 70% tài sản từ hưu trí bổ sung tích lũy trong tài khoản NLĐ và các tài sản sinh lãi ổn định như thị trường tiền tệ, tiền gửi thì khả năng bị lỗ là rất thấp.

 “Với tỷ lệ tới 70% phải đầu tư vào trái phiếu Chính phủ thì ngay cả trong trường hợp công ty quản lý quỹ hay ngân hàng tham gia bị phá sản, thua lỗ thì quyền lợi của NLĐ vẫn luôn được đảm bảo tối đa” – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội nhấn mạnh.

Có thể trong giai đoạn đầu thí điểm sẽ có nhiều ý kiến trái chiều, đồng thuận, nhưng Thứ trưởng Phạm Minh Huân chốt lại, “thời điểm để trình Chính phủ còn lại rất ngắn, còn nhiều câu hỏi đặt ra nhưng chúng ta cứ phải làm, làm rồi mới vỡ lẽ”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN