Mang đất vàng cho thuê, Hãng Phim truyện vẫn nợ tiền thuê đất của Nhà nước
VFS đang đề nghị giảm số tiền thuê đất còn nợ này. Nếu không được miễn giảm, số tiền thuê đất còn phải nộp vào ngân sách sẽ tăng lên, kết quả xác định giá trị doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh. Công ty sau cổ phần hóa phải chịu trách nhiệm xử lý.
Như Infonet đã thông tin, tại cáo bạch cổ phần hóa của Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS), đơn vị này hiện đang cho thuê lại trái mục đích sử dụng trên diện tích khu đất được Nhà nước cho thuê tại số 4 Thụy Khuê (Hà Nội) và số 6 Thái Văn Lung (TP HCM).
Dù lấy đất vàng đem cho các cá nhân, công ty thuê bằng hợp đồng kinh tế nhưng thực tế VFS vẫn đang nợ tiền thuê đất Nhà nước. Các con số về khoản nợ tiền thuê đất của VFS cũng có sự sai khác giữa các bên cung cấp.
Trả lời báo chí trong một cuộc họp vào tháng 9, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Huỳnh Vĩnh Ái cho biết hãng phim nợ trong suốt 20 năm, trong đó tiền thuê đất là 21 tỷ đồng. Theo đó, hãng phim buộc phải cổ phần hóa để giải quyết vấn đề.
Nhưng theo cáo bạch cổ phần hóa của Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam, đơn vị này hiện còn phải trả tiền thuê đất hơn 2,8 tỷ đồng tại số 4 Thụy Khuê và 584 triệu đồng tại số 6 Thái Văn Lung.
Còn tại Biên bản làm việc của Chi Cục Thuế Quận Tây Hồ với Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam ngày 24/11/2015 và Thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp ngày 18/12/2015 của Chi Cục Thuế Quận Tây Hồ, số tiền thuê đất VFS còn nợ ngân sách Nhà nước là 5,7 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuê đất hơn 4,4 tỷ đồng và số tiền chậm nộp hơn 1,3 tỷ đồng.
Hãng phim truyện Việt Nam. (Ảnh: Zing)
Đặc biệt, Cục Thuế chỉ ra số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế nợ thế tới hơn 4,8 tỷ đồng. Cụ thể, số tiền thuê đất là 3,7 tỷ đồng, còn số tiền chậm nộp gần 1,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, VFS chưa đồng ý với số liệu đưa ra của Chi Cục thuế Quận Tây Hồ, vì vậy, đang có ý kiến đối với Cơ quan có thẩm quyền để xem xét miễn giảm số tiền thuê đất truy thu trên.
Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền không đồng ý giảm trừ theo đề nghị của Công ty thì số tiền thuê đất còn phải nộp vào ngân sách Nhà nước sẽ tăng lên. Việc này đồng nghĩa với kết quả xác định giá trị doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh theo quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền. Công ty cổ phần sau này sẽ chịu trách nhiệm kế thừa và xử lý theo quy định.
Phương án tài chính 3 năm sau cổ phần hóa của VFS cho biết đơn vị này chi ra số tiền 10,5 tỷ đồng trả tiền thuê đất bằng một phần vốn chủ sở hữu và nguồn khác.
Mặt khác, lấy đất vàng cho thuê, VFS không thu được số tiền thuê đất như mong muốn. VFS còn phải kiện chính cá nhân sử dụng đất của mình tại số 4 Thụy Khuê để "đòi nhà đất cho thuê và thanh toán tiền nợ gốc và tiền lãi chậm trả". Bởi trong quá trình thuê nhà tráng in, bà này nợ tiền nhà trên 25 tháng liên tiếp với tổng số tiền nợ đọng tính đến ngày 30/09/2014 là gần 4 tỷ đồng. Tại khu đất số 6 Thái Văn Lung cũng đang diễn ra bất đồng khi thực hiện hợp đồng thuê đất giữa VFS và đơn vị đầu tư về quyền quản lý các tòa nhà đã được xây dựng.
Cũng theo bản cáo bạch, doanh thu của VFS chủ yếu đến từ hoạt động sản xuất phim, chiếm trên 95% trong 3 năm trước cổ phần hóa. Khoản đầu tư ngoài ngành chỉ chiếm phần nhỏ trong doanh thu của VFS. 9 tháng đầu năm 2014, doanh thu từ cung cấp dịch vụ và doanh thu khác (trong đó có cả tiền cho thuê đất) mỗi loại chỉ đạt khoảng 750 triệu đồng.
Theo đó, VFS cho biết, trong những năm gần đây, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp liên tục thua lỗ, do kinh phí sản xuất phim lớn và thời gian kéo dài, nguồn kinh phí để thực hiện các dự án phim còn hạn chế và chủ yếu từ nguồn đặt hàng của Nhà nước. Đồng thời, doanh nghiệp chưa có các chiến lược mở rộng sản xuất kinh doanh và tối đa hóa nguồn nhân lực, dẫn đến kết quả kinh doanh thua kém. Cụ thể, năm 2012 lợi nhuận sau thuế ở mức âm 3,6 tỷ đồng, kết thúc 9 tháng đầu năm 2014 thua lỗ 3,7 tỷ đồng.