Ly hôn, hiểm họa mới của chứng khoán TQ

Chuyện hôn nhân tan vỡ của các gia đình giàu có hiện là một trong những yếu tố rủi ro mới, có thể gây ra thiệt hại không nhỏ đối với các nhà đầu tư chứng khoán tại Trung Quốc, hãng tin Reuters nhận định.

Mới đây, giới đầu tư chứng khoán tại Trung Quốc đã một phen hoảng hốt khi chứng kiến giá cổ phiếu của tập đoàn bất động sản Longfor Properties giảm mạnh tới 4% trong phiên giao dịch ngày 20/11 sau khi có thông tin cặp vợ chồng sáng lập ra công ty này quyết định ly hôn và phân chia tài sản, trong đó có cổ phần của công ty.

Hãng địa ốc Longfor Properties được hai vợ chồng ông Cai Kul và bà Wu Yajun thành lập vào năm 1994. Tập đoàn này bắt đầu bán sản phẩm dự án đầu tiên của mình từ năm 1997 với giá 157 USD/m2, cao hơn 2 lần so với mức thu nhập trung bình của các hộ gia đình của Trung Quốc vào thời điểm đó.

Sau đó, công ty Longfor Properties đã mở rộng đầu tư tại 13 thành phố khác ở Trung Quốc và chuyển trụ sở chính tới Bắc Kinh. Năm 2009, Longfor Properties đã huy động được 1 tỷ USD trong lần phát hành cổ phiếu đầu tiên ra công chúng tại sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông.

Ly hôn, hiểm họa mới của chứng khoán TQ - 1

Giới đầu tư chứng khoán tại Trung Quốc đã một phen hoảng hốt khi chứng kiến giá cổ phiếu của tập đoàn bất động sản Longfor Properties giảm mạnh tới 4%

Nhờ có khối tài sản 7,3 tỷ USD tính tới trước thời điểm ly hôn, bà Wu Yajun được xem là nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, theo bản hợp đồng ly hôn, bà phải chuyển gần một nửa số cổ phần của mình trong Longfor Properties cho người chồng, đưa mức cổ phần của bà xuống 43%.

Với giá trị tài sản giảm còn 4,2 tỷ USD, bà Wu Yajun đã để tuột mất ngôi vị nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Thay thế vị trí này là cô Yang Huiyan, một thành viên điều hành trong Hội đồng quản trị của tập đoàn bất động sản Country Garden Holdings, người đang sở hữu 5 tỷ USD, theo tính toán của hãng tin Bloomberg.

Mặc dù, theo đánh giá của dư luận, vụ ly hôn của cặp vợ chồng sáng lập Longfor Properties diễn ra khá yên ấm và không gây ồn ào trên báo chí, nhưng thực tế thị trường chứng khoán Trung Quốc lại chao đảo dữ dội sau khi nhận được thông tin này, khiến nhiều nhà đầu tư tại đây cảm thấy bất an.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngân hàng Barclays, điều mà giới đầu tư lo lắng là liệu chồng cũ của bà Wu Yajun có bán đi chút nào trong số cổ phần này hay không. Nếu có thì số cổ phần trong tay cặp đôi này sẽ xuống dưới 50%, đồng nghĩa với việc thỏa thuận kinh doanh bị phá vỡ và các yêu cầu thanh toán nợ sẽ theo đó mà gia tăng.

Trên thực tế, Longfor Properties không phải là công ty Trung Quốc duy nhất từ trước tới nay bị chấn động xuất phát bởi những rắc rối trong gia đình lãnh đạo hãng. Vợ cũ của người sáng lập công ty Tudou Gary Wang từng kiện lên tòa án Thượng Hải đòi đóng băng cổ phần của ông chồng.

Vụ kiện cáo đã khiến việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của hãng dịch vụ chia sẻ video trực tuyến hàng đầu Trung Quốc bị đình trệ tới nửa năm. Và sau khi chính thức được niêm yết trên sàn New York vào năm 2011, giá cổ phiếu của Tudou đã giảm mạnh, và chỉ một năm sau hãng bị đối thủ Youku nuốt chửng.

Một công ty khác là hãng quan hệ công chúng Blue Focus có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán Thâm Quyến cũng rơi vào tình trạng khốn đốn, khi người sáng lập của công ty này phải chia sẻ gần một nửa số cổ phần của ông trong công ty cho người vợ cũ vào năm 2011.

Các vụ ly hôn thường là rất tốn kém đối với lớp người giàu có ở bất cứ nơi nào trên thế giới, nhưng làm mất tới một nửa công việc làm ăn như ở Trung Quốc thì là chuyện hiếm thấy. Sở dĩ có sự khác biệt này là bởi ở Trung Quốc, phần lớn doanh nghiệp nằm trong tay những người sáng lập, mà thường là cả vợ lẫn chồng chủ hãng.

Trong khi đó, các thỏa thuận phân chia tài sản trước hôn nhân lại rất hiếm. Và khi không có một thỏa thuận tài sản trước, đến khi những cặp đôi này "tan đàn xẻ nghé", các tòa án ở Trung Quốc sẽ buộc phải ra phán quyết chia đôi tài sản của họ, mà phần lớn tiền bạc của những gia đình này thường nằm ở cổ phiếu.

Theo số liệu chính thức được công bố, năm 2011, Trung Quốc có khoảng 3 triệu cặp vợ chồng phải ra tòa ly dị, tăng 7% so với năm 2011. Và khi tỷ lệ ly hôn tại Trung Quốc tăng cao, các nhà đầu tư sẽ buộc phải lưu ý tới những sóng gió trong gia đình các chủ doanh nghiệp, bởi chúng có thể gây ra những chấn động lớn trên thị trường. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài An (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN