Lương tối thiểu đang bị lạm dụng

Sự kiện: Kinh Doanh

Mức lương tối thiểu Chính phủ quy định là mức sàn nhằm hạn chế việc trả lương tùy tiện quá thấp, chống bóc lột... Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã lạm dụng mức này để trả lương cho hầu hết người lao động bất kể tay nghề cao thấp.

Phân tích ảnh hưởng của tiền lương bình quân đến năng suất lao động trong nền kinh tế tại hội thảo “Xu hướng phát triển của lao động trong các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam”, TS Trần Thị Minh Phương (Trường ĐH Lao động – xã hội) cho rằng, tiền lương là nguồn thu nhập chính để duy trì và nâng cao đời sống cho bản thân người lao động, gia đình của họ và tái sản xuất sức lao động của người lao động.

Lương tối thiểu đang bị lạm dụng - 1

Tiền lương ở Việt Nam được đánh giá là thấp, lương tối thiểu vùng tăng nhưng chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động.

Theo TS. Phương, về nguyên tắc, tiền lương được trả phụ thuộc vào kết quả đầu ra và gắn với năng suất của người lao động, tăng lương phải dựa trên tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, tiền lương cũng cần đảm bảo đủ sống và kích thích tăng năng suất lao động. Tiền lương phải được coi là sự đầu tư vào vốn con người, đầu tư cho phát triển, là yếu tố quyết định nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

“Tiền lương ở Việt Nam được đánh giá là khá thấp. Điều này một mặt tạo ưu thế cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Mặt khác, tiền lương thấp cũng tạo nên nhiều vấn đề trong quan hệ lao động. Tranh chấp lao động chủ yếu là về vấn đề tiền lương; hơn 80% các cuộc ngừng việc tập thể là đòi tăng lương hoặc trả đúng lương, nhất là lương làm thêm giờ, tiền thưởng, ăn giữa ca…”, bà Phương nói.

Do đó, bà Phương cho rằng, sự điều chỉnh chính sách tiền lương của Nhà nước cũng như của doanh nghiệp cần thiết phải xem xét đến lợi ích của người lao động nhằm xác định được mức lương xứng đáng với đóng góp của người lao động. Đó là động lực để người lao động cống hiến, góp phần thúc đẩy năng suất lao động chung trong nền kinh tế.

Cũng nói về vấn đề tiền lương, PGS. TS. Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn dẫn chứng: Từ năm 2007-2015, mức lương tối thiểu chung (mức lương cơ sở) áp dụng trong khu vực hành chính, sự nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước tăng 155,6% (từ 450.000 đồng lên 1.150.000 đồng). Năm 2016 tăng lên 1.210.000 đồng; năm 2017 tăng lên 1.300.000 đồng và quy định chỉ áp dụng cho khu vực hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang.

Từ năm 2007-2017, mức lương tối thiểu vùng áp dụng trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 279,0% (từ 790.000 đồng lên 3.137.500 đồng); mức lương tối thiểu áp dụng trong các doanh nghiệp dân doanh tăng 497,0% (từ 450.000 đồng lên 3.137.500 đồng).

“Mặc dù theo quy định của Bộ Luật Lao động, mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ và mức lương tối thiểu vùng áp dụng ở khu vực doanh nghiệp những năm gần đây tăng liên tục với tỷ lệ tương đối cao, song vẫn không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, do mức lương tối thiểu chung trước đây quá thấp”, ông Thọ nói.

Cũng theo ông Thọ, mức lương tối thiểu Chính phủ quy định chỉ là mức sàn nhằm hạn chế việc trả lương tùy tiện quá thấp, chống bóc lột, làm cơ sở để các doanh nghiệp xây dựng thang, bảng lương, đảm bảo mức lương bậc 1 chưa qua đào tạo, không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã lạm dụng mức này để trả lương cho hầu hết người lao động, nên mức lương cơ bản, mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động rất thấp, chỉ trên mức lương tối thiểu vùng khoảng 15%.

Trước thực trạng này, một trong những khuyến nghị chính sách đáng chú ý mà ông Thọ đưa ra, đó là Chính phủ cần có lộ trình và chỉ đạo thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động vào năm 2018.

Giao cho cơ quan nhà nước (Tổng cục Thống kê) tính toán mức sống tối thiểu, định kỳ hàng năm công bố để các bên trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia làm căn cứ thương lượng; giảm vùng lương xuống 3 vùng; xem xét tăng thêm thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia là các nhà nghiên cứu, có am hiểu về tiền lương, lương tổi thiểu để đảm bảo tính khách quan, khoa học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Thư (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN