Lùi thời hạn thông qua Luật Đặc khu là đúng và cần thiết

Bình luận về quyết định lùi thời hạn thông qua Luật Đặc khu, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trường ĐHKT- ĐHQGHN, nhận định trong bối cảnh này, việc tạm dừng thông qua Luật Đặc khu là đúng và cần thiết.

Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt Luật Đặc khu) dự kiến được thông qua trong Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV. Tuy nhiên, trước nhiều luồng dư luận trái chiều và góp ý của nhiều chuyên gia cho rằng, ở thời điểm hiện tại thông qua Luật Đặc khu là vội vàng và thiếu tính khả thi. Sau khi tiếp thu các ý kiến, sáng nay (9.6), thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết: Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.

Bình luận về quyết định này, nhiều ý kiến cho rằng đây được coi là tín hiệu tích cực, cho thấy nguyện vọng của người dân, ý kiến của các chuyên gia kinh tế đã được chính phủ tiếp thu và có tác động lên các nhà làm chính sách.

Bày tỏ thái độ của mình trước quyết định này của Chính phủ, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, viết trên trang cá nhân của mình: "Hoan nghênh Chính phủ! Lắng nghe không chỉ biểu thị trình độ văn hoá, mà còn cả năng lực trí tuệ".

TS. Nguyễn Sĩ Dũng phân tích: "Các nguồn lực khan hiếm của đất nước cần phải đầu tư vào đâu để thúc đẩy kinh tế phát triển và tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh nhất? Câu trả lời không thể tranh cãi là phải đầu tư vào Tp.HCM và Hà Nội. Chắc chắn không phải là vào những nơi nằm xa các trung tâm kinh tế, cơ sở hạ tầng vật chất-kỹ thuật, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội chưa phát triển như Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc."

TS. Nguyễn Sĩ Dũng phân tích thêm, nếu Luật Đặc khu là để thực nghiệm thể chế để tiếp tục đổi mới đất nước là rất quan trọng. "Nhưng thế chế nào? Rất tiếc, Dự luật không có câu trả lời", ông Dũng bày tỏ sự thất vọng.

Theo ông Dũng, nếu thể chế là theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển (developmental State), thì một nền hành chính độc lập và mạnh mẽ là điều kiện tiên quyết. Điều này được thể hiện ở một mức độ nhất định tại dự thảo đầu tiên, nhưng gần như đã biến mất hoàn toàn sau nhiều lần sửa đổi.

"Nếu thể chế là theo mô hình tự quản địa phương, thì điều này thậm chí hoàn toàn không được nhắc tới trong dự luật. Nghĩa là xét từ góc độ thí điểm thể chế, thì việc thiết kế trong dự luật đã không thành công", ông Dũng nhận định. 

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trường ĐHKT- ĐHQGHN, nhận định trong bối cảnh này, việc tạm dừng thông qua Luật Đặc khu là đúng và cần thiết. Tuy vậy, ông Thành cho rằng sửa Luật Đặc khu dù có bỏ quy định cho thuê đất 99 năm là chưa đủ và đó cũng phải là vấn đề cốt lõi.

Lùi thời hạn thông qua Luật Đặc khu là đúng và cần thiết - 1

PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trường ĐHKT- ĐHQGHN.

“Là nhà đầu tư, làm chính sách, chúng tôi không quan tâm tới việc cho thuê đất bao nhiêu năm. Bởi nếu luật đã sai thì dù cho 30 năm thôi cũng đã làm mất hết cơ hội, hỏng hết việc rồi”, ông Thành nói.

Ông Thành cho rằng những vấn đề cần quan tâm hiện tại khi sửa Luật Đặc khu, những điều được coi là cốt lõi cần được quan tâm là nội dung của Luật. “Cần sửa làm sao để Luật không còn tủn mủn, manh mún nữa”.

Ông Thành đề xuất: Chúng ta cần làm nổi bật tinh thần của Đặc khu. Đó cần là nơi thử nghiệm thể chế, thử nghiệm môi trường hành chính, kinh doanh, thử nghiệm những mô hình kinh doanh mới mà chúng ta không có khả năng triển khai trên cả nước thì làm cho được ở đặc khu.

Cũng trên tinh thần ấy, ông Thành cho rằng, nếu đã coi là nơi thử nghiệm những cái mới thì nên chọn 1 đặc khu để tập trung làm thay vì đề xuất 3 đặc khu trong luật như hiện nay.

“Làm đặc khu theo tính toán thì ngốn rất nhiều nguồn lực, đòi hỏi rất nhiều tiền, lên tới hàng triệu tỷ đồng. Cùng với đó, xây dựng 3 đặc khu một lúc sẽ tạo ra thế cạnh tranh giữa 3 vùng một cách không cần thiết. Từ đó, thiết nghĩ, để thử nghiệm thì chúng ta nên làm một cái cho ra tấm ra món là tốt rồi”, ông Thành nói.

Ông Thành cho rằng, Luật Đặc khu cần theo một tư duy mới. Cụ thể: Đề ra một luật khung rất chung về đặc khu, không cần rõ là làm ở đâu. Vùng nào muốn làm đặc khu thì phải đáp ứng đủ yêu cầu của cái khung đó, đồng thời đề xuất các phương án đột phá nhất.

"Nó giống như việc thi hoa hậu, trong hàng trăm, hàng nghìn cô gái mới chọn ra một cô hoa hậu, không phải như hiện nay là chỉ định, dù có cô chưa sẵn sàng cũng được làm hoa hậu, thì tự nhiên tiêu chí hoa hậu sẽ giảm đi nhiều. Chúng ta có thể hiểu đơn giản là thay vì “chỉ định thầu” thì chúng ta sẽ “đấu thầu đặc khu”, ông Thành ví von. 

Khi Luật khung đã đưa ra những yêu cầu, tiêu chí cơ bản để là “đặc khu” thì các vùng sẽ dựa vào các yêu cầu đó để đưa ra phương án triển khai, cam kết tài chính. Tỉnh nào, vùng nào đưa được đề xuất khả thi, tích kiệm ngân sách nhất, có thể chế sáng tạo, cam kết mạnh mẽ nhất, đề xuất được các phương án hấp dẫn hơn về kinh doanh thì tỉnh đó, vùng đó được chọn làm đặc khu. Nó giống như cuộc thi kén rể của Vua Hùng vậy...

Nhà nước có quyền quyết định, và việc này cũng tạo động lực cho sự sáng tạo, nỗ lực từ các địa phương muốn xây dựng đặc khu. Các cam kết được chọn sau đó sẽ luật hoá và cả nước có thể tập trung nguồn lực cho một anh làm đặc khu cho thành công, rồi khi thành công rồi sẽ triển khai mô hình này ở các vùng khác. Giống như là nhà nghèo, nên tập trung để một anh đi học đại học trước, sau đó quay lại giúp các em đi sau....

Nóng tuần qua: Tranh luận nảy lửa đất đặc khu, phí vẫn hoàn phí

Cùng nhìn lại những sự kiện kinh tế nổi bật tuần qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyệt San (Dân Việt)
Bản tin tài chính kinh doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN