Luật DN sửa đổi "cởi trói" cho kinh doanh

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện và trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5-2014, với nhiều nội dung tiến bộ.

Với mục tiêu cao nhất là làm cho doanh nghiệp (DN) trở thành công cụ kinh doanh rẻ, an toàn, hấp dẫn hơn với nhà đầu tư, thúc đẩy họ bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh tạo sự thịnh vượng cho đất nước, ban soạn thảo đã đưa vào dự án Luật DN những nội dung tiến bộ để tiếp tục cởi trói kinh doanh cho người dân.

Giấy phép kinh doanh: Bỏ ghi ngành nghề

TS Nguyễn Đình Cung - quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, Trưởng ban soạn thảo dự luật - cho biết ở lần sửa đổi thứ 3 này, Luật DN kiên định nguyên tắc “tiền đăng hậu kiểm” trong quản lý hoạt động DN. Dự luật đề xuất đơn giản hóa nội dung hồ sơ đăng ký thành lập DN, tách bạch rõ việc lập DN để kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo quy định hiện hành, DN kinh doanh các ngành nghề có điều kiện phải trình giấy phép, chứng chỉ hành nghề… ngay từ khâu đăng ký thành lập. Quy định như vậy vừa không có hiệu lực về mặt quản lý vừa làm tăng thêm chi phí cho người muốn kinh doanh.

Luật DN sửa đổi "cởi trói" cho kinh doanh - 1

Luật Doanh nghiệp được sửa đổi với mục tiêu thúc đẩy nhà đầu tư bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh Ảnh: Tấn Thạnh

Dự luật cũng đề xuất áp dụng chung thủ tục thành lập của DN có vốn đầu tư nước ngoài như đối với DN trong nước. Theo đó, quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài lần đầu rót vốn vào Việt Nam phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận (GCN) đầu tư - đồng thời là GCN đăng ký kinh doanh (ĐKKD), sẽ bị bãi bỏ.

Một đề xuất được coi là bước tiến lớn, theo TS Nguyễn Đình Cung, là bỏ yêu cầu ghi ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ và GCN ĐKKD. Trước nay, Việt Nam vẫn thực hiện chủ trương DN được kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm nhưng phải đăng ký và ghi ngành nghề trong GCN ĐKKD. Nếu không ghi, nghĩa là DN kinh doanh không hợp pháp và bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Yếu tố này tạo cho nhà đầu tư nhiều rủi ro, khi có tranh chấp ở ngành nghề không ghi trong GCN, ra tòa sẽ bị tuyên vô hiệu. Thực tế, DN đăng ký ngành nghề mới chưa có trong mã ngành nghề kinh tế quốc dân phải chạy đi chạy lại nhiều lần trình cơ quan quản lý, chờ hỏi ý kiến các bộ, ngành liên quan có khi kéo dài hàng tháng mà vẫn không được chấp thuận.

Đề xuất mới này cũng góp phần giảm tải cho cơ quan ĐKKD vì không còn phải thực hiện khâu “bổ sung ngành nghề kinh doanh”. Ông Cung cho biết Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM dự kiến giảm tải được 1/3 công việc vì khâu bổ sung ngành nghề kinh doanh tạo nhiều áp lực và sức ép lớn nhất, trong khi xét về quản lý nhà nước thì gần như không có tác dụng.

Thay đổi quản trị DNNN

Dự thảo Luật DN dành một chương quy định về đặc thù trong quản trị DN nhà nước (DNNN) - điều mà thực tiễn cho là cần thiết nhưng luật hiện hành chưa quy định. Cụ thể, xác định rõ vai trò, chức năng của DNNN bằng ngôn ngữ pháp lý, từ đó có cơ sở để xác định mục tiêu hoạt động của DNNN, xác định cụ thể ngành nghề kinh doanh và chỉ tiêu đánh giá.

Một trong những chỉ tiêu đánh giá DNNN là bảo toàn, phát triển vốn. Các báo cáo đánh giá về hoạt động của DNNN hiện nay vẫn có câu “vốn ở DNNN tăng… tỉ đồng, tương ứng… phần trăm” nhưng không nêu rõ tăng vốn bằng cách nào. Vì thế, dự luật yêu cầu DNNN định kỳ đánh giá và báo cáo về hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. Chỉ khi giá trị thực tế vốn đó tăng thêm hoặc tỉ suất lợi nhuận của vốn trong kỳ báo cáo ít nhất bằng lãi suất bình quân trái phiếu Chính phủ ở thị trường trong nước cùng giai đoạn thì mới được đánh giá là bảo toàn và phát triển vốn. Quy định này, theo TS Cung, là nhằm khắc phục tình trạng làm ăn thua lỗ của DNNN.

Ông Cung nhấn mạnh điểm đáng chú ý là tách bạch quyền chủ sở hữu vốn nhà nước và quyền tự chủ kinh doanh của các DN. Chính phủ sẽ thành lập một cơ quan chủ sở hữu chuyên trách, chuyên nghiệp. Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ phân công một hoặc một số tổ chức trực tiếp thực hiện các quyền chủ sở hữu tại DNNN và sẽ giám sát “ông chuyên trách” này. Cơ quan này sẽ không trực tiếp tham mưu, soạn thảo chính sách, kiểm soát, điều tiết thị trường mà sẽ là nơi quyết định mục tiêu, ngành nghề kinh doanh, cơ cấu tổ chức quản lý, bổ nhiệm/miễn nhiệm nhân sự, quyết định chế độ tiền lương và các dự án đầu tư của DNNN…

Lo “DN ma” trỗi dậy

Luật DN 1999 có 2 cải cách lớn: Người dân được quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm và đổi mới cách thức quản lý nhà nước theo hướng “tiền đăng hậu kiểm”. Được sửa đổi năm 2005, Luật DN đã tạo ra sự thay đổi đáng kể khi hợp nhất với các luật khác để trở thành luật thống nhất áp dụng chung cho mọi loại hình DN - vừa có tác động thúc đẩy cải cách bên trong vừa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Lần sửa đổi Luật DN này không còn dư địa để kỳ vọng tạo ra bước ngoặt lớn như 2 giai đoạn nêu trên vì chỉ là sự đổi mới tiếp theo trên con đường mà luật cũ đã vạch ra. Song, đó là sự đổi mới tất yếu phải thực hiện vì nhu cầu cải thiện môi trường kinh doanh trong xã hội đang trở nên rất cấp bách.

Tuy vậy, những tư tưởng tiến bộ của dự luật không phải đều nhận được sự nhất trí cao. Một lần nữa, “cuộc chiến” giấy phép con lại bùng nổ khi ban soạn thảo kiên định thực hiện nguyên tắc “tiền đăng hậu kiểm”, dấn thêm một bước là đề xuất bỏ ghi ngành nghề trong GCN ĐKKD. Theo TS Nguyễn Đình Cung, một số bộ không đồng ý đề xuất này vì cho rằng sự thông thoáng của Luật DN đã dẫn đến hiện tượng lập DN “ma” để trốn thuế, lừa đảo; rằng luật “dễ dãi” hơn sẽ khiến những vi phạm này thêm phức tạp...

Ông Cung cho rằng thực tế nêu trên là một khía cạnh trong thực thi pháp luật, không thể tránh được với Luật DN hay bất cứ luật nào khác. Việc ngăn chặn trốn thuế là trách nhiệm của cơ quan thuế, không thể dùng biện pháp hạn chế quyền kinh doanh của người dân. Cũng không thể hạn chế lập DN với người không biết chữ vì quyền kinh doanh không chỉ dành cho một nhóm người nào đó. Việc kinh doanh sẽ khuếch trương sáng tạo, không thể nói người có trình độ thấp thì không có sáng tạo...

TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh đang trở nên bức xúc. So với thế giới, năm 2013, Việt Nam chỉ đứng thứ 106/180 trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của Ngân hàng Thế giới. Với dự thảo luật lần này, Việt Nam dự kiến giảm khâu đăng ký DN từ 9 còn 4 thủ tục, có thể “nhảy” lên vị trí 102 trong bảng xếp hạng. Vấn đề không chỉ ở thứ bậc mà là tiền bạc. Khi đó, cơ hội kinh doanh sẽ nhiều hơn, chi phí vay mượn giảm đáng kể và có khả năng thu hút đầu tư tốt hơn, không phải trải thảm thì nhà đầu tư mới vào.

“Đầu năm, Thủ tướng đã nhắc đi nhắc lại việc thực hiện triệt để nguyên tắc quyền kinh doanh coi như quyền cơ bản của người dân. Bỏ giấy phép con luôn là một cuộc chiến và để dự thảo được thông qua, chúng tôi phải giải thích, thuyết phục dần” - ông Cung cho biết.

Đáng mừng là sự tiến bộ này đang nhận được nhiều sự đồng thuận của dư luận. Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế - Hiệp hội Ngân hàng, cho rằng việc bỏ ghi ngành nghề trong GCN ĐKKD là phù hợp với thông lệ quốc tế, giảm rủi ro cho DN. Để tương thích với Luật DN, theo luật sư Đức, cần xem xét bỏ tội “Kinh doanh trái phép” trong Bộ Luật Hình sự đối với tất cả ngành nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm. 

Khó lập cơ quan siêu quyền lực

Một vấn đề rất có thể sẽ trở thành “điểm nghẽn” của dự thảo Luật DN là việc Chính phủ thành lập một cơ quan chủ sở hữu để tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện vốn chủ sở hữu tại DN, không để tình trạng “một bộ hai vai”, vừa đá bóng vừa thổi còi như hiện nay. Đề án thành lập cơ quan chuyên trách này đang được soạn thảo báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị. Chừng nào cơ quan này chưa được thành lập thì những quy định tiến bộ của Luật DN không thể thực hiện được.

Dù chủ trương tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện vốn chủ sở hữu tại DNNN đã được đặt ra từ nhiều năm nay và nhận được sự đồng thuận cao nhưng thực tế vẫn không thực hiện được. Có ý kiến cho rằng do số lượng DNNN quá lớn, đóng góp gần 30% GDP cả nước và hoạt động ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Để nhiều cơ quan còn không quản nổi thì thu về một đầu mối sẽ quản không xuể. Hơn nữa, thành lập một cơ quan siêu quyền lực như vậy sẽ khó kiểm soát.

Thừa nhận đây là vấn đề khó vì động chạm đến việc phân bổ lại quyền lực, quyền lợi nhưng TS Nguyễn Đình Cung lạc quan cho rằng vẫn có những yếu tố hỗ trợ để dự thảo được thông qua. Đó là đặt trong bối cảnh cải cách thể chế đang có yêu cầu đột phá. Nhiệm vụ tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là mệnh lệnh tuyệt đối, không ai được chần chừ...

Theo TS Lê Đăng Doanh, ban soạn thảo đặt các vấn đề về DNNN như ở dự thảo Luật DN là sự tiến bộ cần được ủng hộ. Chính việc để nhiều đầu mối như hiện nay mới có tình trạng cha chung không ai khóc, không ai quản DNNN. Chỉ khi quy về một đầu mối thì mới tìm được người chịu trách nhiệm nếu DN có vấn đề.

Về nguyên tắc, thành lập và giao quyền cho một tổ chức thì cũng có cơ chế kiểm soát quyền lực bằng nhiều biện pháp như qua Quốc hội, giới chuyên gia và người dân. Quan trọng là phải công khai, minh bạch đầy đủ thông tin về DNNN. Dự luật đã yêu cầu DNNN phải công khai, minh bạch thông tin theo chuẩn mực của công ty niêm yết trên thị trường. Như vậy, DNNN không còn mảnh đất màu mỡ để tham nhũng.

Trong tháng 3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ tổ chức 2 hội thảo lấy ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp về dự thảo Luật Doanh nghiệp tại TP HCM và Hà Nội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN