Lối nào cho casino vào Việt Nam?
Việc ông Ly Sam tiến hành kiện và thắng kiện câu lạc bộ Palozza với khoản tiền kỷ lục 55,5 triệu USD đã đặt ra nhiều vấn đề. Thực tế, kinh doanh casino tại Việt Nam đang phát triển như thế nào và lựa chọn nào của Việt Nam cho ngành kinh doanh đầy tai tiếng này.
Miếng bánh nhiều người thèm
Khoản tiền thưởng lên tới 55,5 triệu USD trong vụ kiện của ông Ly Sam là một kỷ lục, thậm chí là kỷ lục của thế giới trong ngành này. Tuy nhiên, ít người biết rằng bản thân ngành công nghiệp casino Việt Nam đang là miếng bánh lớn với doanh thu lên tới 5.000 tỷ đồng và vẫn đang tăng trưởng 10-15% mỗi năm.
Khi con số này được Bộ Tài chính công bố khiến không ít người giật mình vì bị hạn chế đủ đường, ngành casino vẫn tìm được lối phát triển riêng. Và cũng từ đây, nhiều người mới hiểu tại sao các nhà đầu tư nước ngoài lại luôn nhòm ngó thị trường casino Việt Nam.
Các điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng đều có 2 loại máy phổ thông là máy giật xèng có tích lũy giải thưởng (Jackpot machine) và máy giật xèng đơn (Slot machine). Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đưa các loại hình trò chơi Bacarat, Blackjack, Roulette, PaiGow, Tài sỉu,... được điện tử hóa vào kinh doanh.
Cho đến nay, trên cả nước có 43 điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng tại các khách sạn từ 3 sao trở lên và một số điểm du lịch, chủ yếu tập trung tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng chỉ dành cho người có hộ chiếu nước ngoài, tuy nhiên đó đây cũng đã phát hiện những vụ đưa người Việt Nam vào chơi trái phép.
Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính về lĩnh vực này ghi nhận rằng lợi nhuận trung bình năm 2011 từ hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng khoảng 20 tỷ đồng/cơ sở kinh doanh và tổng số nộp ngân sách cả nước năm 2011 từ hoạt động kinh doanh này ước đạt 1.500 tỷ đồng. Tính từ 1992 lại nay, trung bình mỗi năm ngành này đóng góp khoảng 500 tỷ đồng/năm.
Theo số liệu thống kê của thế giới đến nay đã có 124 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép tổ chức hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng. Doanh thu toàn cầu của hoạt động kinh doanh vui chơi có thưởng năm 2010 ước đạt 109 tỷ USD, trong đó: thị trường Mỹ đạt 56,5 tỷ USD chiếm 51,8%, thị trường Châu Á đạt 32,3 tỷ USD chiếm 29,6%, thị trường Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi đạt 16,2 tỷ USD chiếm 14,8%.
Doanh thu 5.000 tỷ đồng của thị trường Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn hay nói cách khác, tiềm năng của thị trường vẫn còn rất lớn.
Lựa chọn nào cho Việt Nam?
Những lợi ích nhìn thấy từ ngành kinh doanh mang tính dịch vụ này, trên thực tế lại luôn bị đưa ra so sánh với những bất lợi khó định lượng khác, đặc biệt là về mặt xã hội. Đây chính là căn nguyên của việc chính sách đối với ngành kinh doanh này cho đến nay vẫn chưa thật sự rõ ràng và nhất quán. Tuy nhiên, thông điệp mà các nhà đầu tư cảm nhận được chính là việc trong tương lai sẽ có những sự nới lỏng nhất định về pháp lý, nhưng các dự án có casino sẽ chỉ được cấp phép theo từng trường hợp cụ thể với rất nhiều điều kiện ràng buộc.
Khi dự thảo nghị định về hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng được đưa ra thảo luận tại Ủy ban thường vụ Quốc hội trong tháng 9/2012, ít người biết rằng đây là một trong những dự thảo từng gây tranh cãi và mất nhiều năm trời xây dựng nhưng chưa thể ban hành được. Không riêng gì nghị định này, các văn bản pháp lý khác liên quan đến lĩnh vực này đều được xây dựng và ban hành trong một trạng thái rất thận trọng.
Hiện nay, cơ chế, chính sách đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng gồm có Quyết định số 32/2003/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính (Quyết định số 91/2005/QĐ-BTC và Quyết định số 84/2007/QĐ-BTC ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng), Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Thông tư 08/2000/TT-BVHTT hướng dẫn quản lý trò chơi điện tử).
Tuy nhiên, từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tạm dừng cấp phép đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho đến khi khung pháp lý mới được ban hành.
Từ 2007 đến nay, một văn bản khác cũng có vai trò quan trọng không kém là Thông báo số 96/TB-VPCP ngày 4 tháng 5 năm 2007 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Đề án định hướng phát triển và quản lý kinh doanh casino tại Việt Nam. Không nhiều người biết được nội dung của “Thông báo 96”, nhưng kể từ đó, thường mỗi khi các tỉnh thành đề xuất các dự án casino, “Thông báo 96” được xem là một căn cứ quan trọng để đánh giá, xem xét.
Trước khi Luật đầu tư được ban hành năm 2005, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án đầu tư, kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng, sau năm 2005, theo quy định của Luật Đầu tư năm 2005, việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với hoạt động kinh doanh này được phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, vì đây là lĩnh vực khá đặc thù, việc phân cấp cũng chưa hề khiến cho số lượng dự án tăng nhanh ở các địa phương.
Những diễn biến gần đây cho thấy cũng với việc hoàn thiện pháp lý, có thể, việc ban hành Nghị định về hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng, Chính phủ có thể cấp phép cho một số dự án casino trong thời gian tới.
Trước đây, với Quyết định số 32/2003/QĐ-TTg, địa vị pháp lý của văn bản thấp nên chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, nhiều quy định như quy định xử phạt vi phạm hành chính, điều kiện của ngành nghề kinh doanh có điều kiện... không thể quy định được dưới hình thức Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Nay, với một nghị định sắp được ban hành, tình hình có thể thay đổi căn bản. Không phải ngẫu nhiên mà trong tờ trình mới đây của Bộ Tài chính, một trong những mục tiêu đã được xác định rõ là để “công khai chính sách của Nhà nước về hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài để tạo sự minh bạch, đồng thuận trong dư luận nhân dân, đồng thời thu hút được các nhà đầu tư mạnh về tiềm lực tài chính và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này”.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng lưu ý rằng bên cạnh việc xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ để quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng từ khâu cấp phép đến đến khâu tổ chức hoạt động kinh doanh và xử lý vi phạm, một việc quan trọng là phải có đầu mối quản lý nhà nước rõ ràng, gắn quyền hạn, nhiệm vụ với trách nhiệm cụ thể cũng như phải có cơ chế phối hợp giữa cơ quan trung ương và địa phương trong việc quản lý, theo dõi, giám sát, kiểm tra đối với hoạt động này.