Lọc đối tượng để giảm lãi suất

Các ngân hàng thương mại bắt đầu giảm lãi suất khoản vay cũ về 15%/năm. Thế nhưng, không thể giảm ngay đối với tất cả các hợp đồng cũ, mà phải rà soát và chọn lọc khách hàng.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, đến thời điểm này, đã có 10.000 khách hàng, với tổng dư nợ gần 18.000 tỷ đồng được ACB áp dụng lãi suất vay từ 15%/năm trở xuống. “ACB đang rà soát để xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho khách hàng”, ông Hải cho biết.

Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), ông Nguyễn Đình cho hay, OCB bắt đầu điều chỉnh lãi suất khoản vay cũ về 15%/năm từ ngày 16/7. Thế nhưng, để có thể thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất đối với khoản vay cũ, Ngân hàng phải có thời gian rà soát lại các khoản vay, cũng như xem xét lại các khế ước. Vì thế, nếu yêu cầu ngân hàng làm ngay, thì rất khó khả thi. Chẳng hạn, không thể giảm lãi suất xuống 15%/năm đối với đối tượng khách hàng đang có nợ tồn đọng tại ngân hàng.

Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), ông Nguyễn Phú Minh cũng cho rằng, doanh nghiệp vẫn kỳ vọng lãi suất cho vay tiền đồng thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung hiện nay (14 - 15%/năm). Song theo ông Minh, bản thân các ngân hàng cũng là doanh nghiệp và luôn phải cân đối trên chi phí vốn huy động vào và cho vay ra. “VDB đang từng bước thực hiện giảm lãi suất khoản vay cũ xuống 15%/năm, đồng thời giảm lãi suất đối với khoản vay mới, nhưng không thể giảm ngay một lúc và về mức kỳ vọng thấp nhất của khách hàng”, ông Minh nói.

Trên thực tế, ngân hàng sẽ không thực hiện việc điều chỉnh lãi suất về 15%/năm với các khoản vốn cho vay trung, dài hạn đối với khách hàng cá nhân trước đây. Phó giám đốc, kiêm giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM cho biết, việc điều chỉnh lãi suất khoản vay cũ đối với khách hàng doanh nghiệp khiến ngân hàng mất đi một khoản lợi nhuận đáng kể. Vì thế, ngân hàng không thể điều chỉnh cả với các khoản vốn đã cho khách hàng cá nhân vay trước đây, nếu như hợp đồng tín dụng chưa đến kỳ đáo hạn. Ngược lại, còn phải từng bước tăng dần đối với khoản vốn cho vay cá nhân.

Cụ thể, với gói vốn 2.000 tỷ đồng cho cá nhân vay ưu đãi lãi suất 13%/năm trước đây, hiện ngân hàng chỉ chọn lọc khách hàng và ưu đãi cho mục đích vay phát triển kinh doanh. Còn với các khoản vốn vay tiêu dùng hay mua, sửa chữa nhà lãi suất sẽ nhích lên 15%/năm.

Lọc đối tượng để giảm lãi suất - 1

Không phải khế ước vay cũ nào cũng được giảm lãi suất về 15%

Trong khi đó, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN), ông Cát Quang Dương cho biết, đến ngày 17/7, đã có 20 tổ chức tín dụng triển khai việc giảm lãi suất khoản vay cũ về 15%/năm. Theo ông Dương, 20 tổ chức tín dụng này chiếm khoảng 90% thị phần hoạt động tín dụng của ngành. Còn lại, các tổ chức tín dụng khác, như ngân hàng nước ngoài và các ngân hàng nhỏ cũng không nằm ngoài phạm vi thực hiện chủ trương trên của NHNN.

“Mục đích của việc giảm lãi suất là chia sẻ khó khăn với khách hàng. Trong bối cảnh thị trường hiện nay, đòi hỏi phải có sự đồng bộ, kể cả từ phía ngân hàng thương mại, vì cứu doanh nghiệp cũng chính là cứu ngân hàng”, ông Dương nhấn mạnh và thừa nhận, áp lực lãi suất cao sẽ mang lại khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng chính ngân hàng cũng không muốn cho vay lãi suất cao, bởi rủi ro luôn rình rập. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Vinh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN