Lo ngại trước một quyết định, loạt tỷ phú giàu nhất Việt Nam bay hàng nghìn tỷ đồng
Chịu ảnh hưởng tâm lý tiêu cực từ các thị trường tài chính thế giới, chỉ số chứng khoán Việt Nam ghi nhận phiên lao dốc thứ 4 liên tiếp.
Đêm qua theo giờ Việt Nam, chứng khoán Mỹ đã ghi nhận phiên lao dốc hơn 500 điểm (2,11%) xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2018, chỉ số S&P 500 cũng tương tự khi mất tới 2,08%. Nguyên nhân được cho là giới đầu tư lo ngại về việc FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất đồng USD lần cuối cùng trong năm 2018 vào Thứ 4 tới đây sẽ khiến lạm phát tăng cao và tăng trưởng giảm sút. Trên thực tế những lần tăng lãi suất trước của FED đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu chao đảo.
Chỉ số USD Dollar Index (đo lường sức mạnh của đồng dollar Mỹ với 6 đồng bạc xanh khác) mặc dù đi xuống trong vài phiên gần đây nhưng vẫn đạt 96,05 điểm, mức cao nhất kể từ giữa năm 2017. Các thị trường chứng khoán Châu Á đã ngay lập tức có phản ứng tiêu cực trước diễn biến này. Kết phiên hôm nay, Nikkei 225 của Nhật Bản mất 1,77%, Hang Seng của Hồng Kông mất 1,05%, Shanghai Composite của Trung Quốc mất 0,82%.
Không nằm ngoài ảnh hưởng, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ghi nhận mức lao dốc 6,4 điểm (0,69%) xuống 927,25 điểm. Đây là phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp của VN-Index với tổng cộng 34 điểm, tương đương 3,54%.
Thị trường lao dốc mạnh do ảnh hưởng tiêu cực từ chứng khoán thế giới
Đà sụt giá lan tỏa trên toàn thị trường từ ngân hàng – bảo hiểm, bất động sản tới hàng tiêu dùng. Nhóm cổ phiếu dầu khí không chỉ chịu tác động tiêu cực bởi thị trường chung mà còn bị bán mạnh do giá dầu thế giới lao dốc mạnh vào đêm qua. Cụ thể, giá dầu WTI đóng cửa ở sát ngưỡng 50USD/thùng và đang giao dịch quanh mốc 49,5 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất của giá dầu kể từ tháng 10/2017. Các cổ phiếu PVD, PVS, PVB đều kết phiên trong mức giảm khá.
Cổ phiếu thủy sản cũng là nhóm có diễn biến tiêu cực nhất trong các phiên trở lại đây. VHC (Vĩnh Hoàn) giảm mạnh phiên thứ 3 liên tiếp mất 11.800 đồng (11,65%) xuống 91.200 đồng/cổ phiếu. MPC (Thủy sản Minh Phú) cũng giảm 2.200 đồng xuống 41.700 đồng/cổ phiếu trong phiên hôm nay.
Với đà giảm này, bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch Vĩnh Hoàn (sở hữu 39,57 triệu cổ phiếu VHC) đã mất khoảng 467 tỷ đồng trong khối tài sản chứng khoán chỉ trong vài ngày. Vợ chồng đại gia Lê Văn Quang – Chu Thị Bình của Minh Phú cũng mất hơn 227 tỷ đồng trong hai ngày vừa qua.
Cổ phiếu của 3 tỷ phú giàu nhất thị trường chứng khoán Việt hiện tại cũng không nằm ngoài xu hướng suy giảm. VIC (Vingroup) giảm 500 đồng xuống 102.000 đồng/cổ phiếu. Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm khoảng 940 tỷ đồng.
Tài sản của ông Trần Đình Long sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây
HPG (Hòa Phát) của tỷ phú Trần Đình Long giảm 1.300 đồng xuống 31.100 đồng/cổ phiếu. Ông Long (sở hữu 534,18 triệu cổ phiếu HPG) cũng mất 694 tỷ trong khối tài sản chứng khoán. Còn VJC (Vietjet Air) cũng mất 1.600 đồng xuống 124.900 đồng/cổ phiếu, tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng bốc hơi khoảng 220 tỷ đồng.
Tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại Vingroup được điều chỉnh xuống 40%.