Lo ngại thất thoát khi bán 7.000 ô tô công không qua đấu giá

Sự kiện: Kinh Doanh

“Nếu sắp xếp lại và thực hiện việc bán tài sản của Nhà nước theo quy định, tới đây dôi ra 7.000 chiếc ô tô mà đánh giá định lượng đó là tài sản có giá trị nhỏ theo quy định của Chính phủ, bán không qua đấu giá, không công khai, minh bạch thì tôi rất lo lắng”, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu.

Ngày 20/4, cho ý kiến về luật quản lý, sử dụng tài sản công, theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, vừa qua nhiều trụ sở ngành địa phương, tài sản tốt nhưng phải gom vào rất lãng phí. Nhiều tỉnh, sở ngành mới xây thì tự nhiên có phong trào trụ sở hành chính công lại đập phá đi, rất lãng phí. Do đó, luật phải quy định khi chưa có ý kiến cấp trên thì không được tuỳ tiện như vậy.

Liên quan đến vấn đề biếu tặng quà, theo ông Phúc, không nên cấm mà quan trọng là sử dụng như thế nào. Qùa tặng như ô tô, sử dụng cá nhân không được nhưng sử dụng vào việc công thì cũng được.

Về tặng xe, phương tiện, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng, ở nước ngoài họ cũng tặng tổ chức này, tổ chức kia, nhưng ở ta việc tặng có “hình thái khác”.

Hay đối với việc sử dụng tài sản của đơn vị sự nghiệp công, theo ông Giàu, nơi thì lấy bán bia, nơi cạnh tranh với trung tâm tiệc cưới có đúng không? Theo ông Giàu, nếu thấy thừa không sử dụng hết thì thu hồi về, chứ không để lộn xộn được. Làm như vậy sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, tạo ra bất bình đẳng.

Lo ngại thất thoát khi bán 7.000 ô tô công không qua đấu giá - 1

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

“Nhìn cơ quan nhà nước, ngay ở Hà Nội mà thấy nơi đó tổ chức đám cưới thì tôi ngại lắm. Thấy cơ quan lớn mà tắc xe do đám cưới, tiệc chiêu đãi. Nên chăng phải suy nghĩ lại, dân nói kinh lắm”, ông Giàu nói.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng thấy lo lắng trong việc sử dụng tài sản công, không thể hiện được quan điểm thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Chẳng hạn, trong trường hợp chưa hết khấu hao, lúc đó thẩm quyền đánh giá tài sản bị hư hỏng và không thể tiếp tục sử dụng được theo công năng ban đầu là ai? Việc này rất khó.

Liên quan việc bán tài sản công, có việc bán tài sản công không qua hình thức đấu giá, bà Hải cũng băn khoăn về quy định này, vì dễ gây thất thoát, lãng phí, nhất là với ô tô công.

Theo tài liệu về tuyên truyền công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí của Ban Tuyên giáo T.Ư thì sau khi áp dụng các quy định mới về chế độ trang bị sử dụng ô tô công, dự kiến sẽ dôi ra khoảng 7.000 chiếc ô tô. Nếu tính từng chiếc ô tô có thể giá trị nhỏ, nhưng với 7.000 chiếc thì lớn.

“Nếu sắp xếp lại và thực hiện việc bán tài sản của Nhà nước theo quy định, tới đây dôi ra 7.000 chiếc mà đánh giá định lượng đó là tài sản có giá trị nhỏ theo quy định của Chính phủ, bán không qua đấu giá, không công khai, minh bạch thì tôi rất lo lắng về việc này”, bà Hải nêu.

Theo Trưởng ban Dân nguyện, vừa rồi báo chí đã nêu một số tỉnh bán xe biển xanh không qua đấu giá, giá khởi điểm rất thấp, bà đề nghị cân nhắc việc bán tài sản công.

“Về biếu tặng xe ô tô, tôi thấy nếu cho, tặng mà không nhận để tăng tài sản của Nhà nước lên thì rất phí, nhưng việc trục lợi từ cho, biếu, tặng này đánh giá rất khó khăn, động cơ sử dụng cũng thế, phải có quy định nghiêm cấm sử dụng tài sản tặng, cho này vào mục đích cá nhân”, bà Hải nhấn mạnh.

Chốt lại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất không nên quy định cứng việc biếu tặng, nhưng quan trọng nhất là người sử dụng có đúng mục đích, tiêu chuẩn không.

Nếu người được tiêu chuẩn đi xe 1 tỷ, lại nhận xe 3 tỷ rồi đi thì sai. Nếu biếu tặng không đúng định mức thì không được sử dụng, thừa thì đấu giá sung công quỹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Luân Dũng (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN