Lỗ nặng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam “kêu cứu” Thủ tướng

Sự kiện: Kinh Doanh

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam dự kiến năm 2016 Tập đoàn sẽ lỗ hơn 800 tỷ đồng.

Thua lỗ vì sao?

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa có báo cáo xây dựng kế hoạch năm 2017 gửi Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch- Đầu tư.

Trong báo cáo, Vinachem cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị Tập đoàn tiếp tục gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm. Nhu cầu thị trường trong và ngoài nước đối với các sản phẩm phân bón, săm lốp ô tô vẫn ở mức thấp, giá bán tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2015.

Lỗ nặng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam “kêu cứu” Thủ tướng - 1

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam dự kiến năm 2016 Tập đoàn sẽ lỗ hơn 800 tỷ đồng.

Doanh thu đạt 21.727 tỷ đồng, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2015. Xuất nhập khẩu đạt gần 208 triệu USD, bằng 33,8%  kế hoạch năm, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó xuất khẩu giảm 25,4%, nhập khẩu giảm 16,5%.

Lãnh đạo Tập đoàn cho biết, nguyên nhân là từ đầu năm 2016, nhóm sản phẩm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật gặp nhiều khó khăn do hạn hán kéo dài, diện tích gieo trồng giảm. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế quan khu vực ASEAN và giá phân bón thế giới giảm mạnh tạo lợi thế cạnh tranh cho phân bón nhập khẩu Trung Quốc và một số nước.

Sản xuất phân đạm ure và phân DAP của Tập đoàn càng gặp nhiều khó khăn khi các dự án đều mới hoàn thành đầu tư nên chi phí khấu hao, lãi vay đầu tư lớn. Hơn nữa cả hai nhà máy đều sử dụng công nghệ khí hóa than nên giá thành sản xuất cao hơn.

Ngoài ra còn tình trạng phân bón giả, kém chất lượng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.  Chính vì thế sản xuất phân đạm ure giảm 44,3%; phân DAP giảm 33%...so với cùng kỳ 2015. Đặc biệt là giá phân bón đang có xu hướng giảm trong thời gian tới.

Nhóm sản phẩm cao su cũng gặp bất lợi khi nhu câu lắp ráp xe ô tô trong nước giảm và tình trạng gian lận thuế của lốp ô tô nhập khẩu. Ngành cao su sẽ chịu sự cạnh tranh về giá với lốp ô tô của Trung Quốc.

Căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm, Tập đoàn dự báo tình hình 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Có 3 đơn vị có doanh thu giảm mạnh so với cùng kỳ là Công ty cổ phần DAP (50,8%), Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (51,8%), Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (18,6%)…

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016 của Tập đoàn lỗ 806 tỷ đồng và đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2017 là 107 tỷ đồng.

Xin hàng loạt ưu đãi

Trước những khó khăn, lãnh đạo Vinachem đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành cấp đủ vốn điều lệ cho Tập đoàn từ nguồn Qũy hộ trợ phát triển doanh nghiệp Trung ương để phục vụ sản xuất, kinh doanh, đầu tư và trả nợ vốn vay đầu tư.

Tập đoàn đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét sửa đổi Luật số 71 đưa phân bón ure vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế 0%; có cơ chế bán than cho sản xuất phân bón bằng 80% so với giá than hiện nay TKV đang bán.

Vinachem cũng đề nghị cho phép chuyển nợ vay vốn đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho dự án nhà máy Đạm Ninh Bình thành vốn đầu tư của Nhà nước tại Tập đoàn với số tiền 2.708 tỷ đồng.

Trong trường hợp không được chuyển nợ vốn vay thành vốn Nhà nước đầu tư nêu trên, Vinachem đề nghị cho phép thanh toán khoản nợ vay của VDB trong thời gian 5 năm, từ 2016 đến 2020 (không trả nợ gốc và không tính lãi vay phát sinh trong 5 năm).

Tập đoàn đề nghị cho phép khoanh nợ vay của dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình tại Ngân hàng Eximbank Trung Quốc trong giai đoạn tương ứng.

Đồng thời khoanh nợ khoản vay của Dự án cải tạo- mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà bắc tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (dư nợ đến cuối tháng 2/2016 là gần 4.000 tỷ đồng) trong thời gian 5 năm, từ 2016- 2020.

Tập đoàn kiến nghị Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới xem xét cho phép điều chỉnh lãi suất đối với dư nợ gốc vay VDB cho Dự án Đạm Ninh Bình (371,74 tỷ đồng) và Dự án cải tạo mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc (3.043,6 tỷ đồng) có lãi suất trên 8,55% năm trở lên về lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của nhà nước hiện hành là 8,55%/năm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam còn đề nghị Công ty Đạm Hà Bắc được giãn trích khấu hao 50% cho năm 2016, 2017 và 30% năm 2018 tương tự cơ chế đã được chấp thuận như Công ty Đạm Ninh Bình.

Ngoài ra, Vinachem mong muốn Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nước Việt Nam chỉ đạo các NHTM BIDV, Vietcombank, Vietinbank tiếp tục cho Công ty Đạm Ninh Bình và Công ty Đạm Hà Bắc vay vốn đề đảm bảo sản xuất kinh doanh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN