Lo lấy tiền ngân sách cứu DN sân sau
Trước việc nhiều tổng công ty lớn trong ngành xây dựng đề xuất xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt việc xin chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại bị tồn sang nhà ở xã hội, nhiều người lo ngại việc dùng tiền ngân sách để tháo gỡ cho các doanh nghiệp này.
Khi các “ông lớn” quyết chuyển sang nhà ở xã hội (NOXH)
Tại khu đô thị Bắc An Khánh, Tổng công ty Vinaconex có 18,5 ha đã được chấp thuận chuyển đổi sang NOXH. Hiện đơn vị này đã hoàn chỉnh hồ sơ, phương thức thực hiện, dự kiến sẽ khởi công vào quý I-2013.
Ngoài ra, nếu được TP Hà Nội chấp thuận, Vinaconex sẽ triển khai tiếp dự án 50 ha tại khu đô thị Đại Áng (Thanh Trì), phát triển theo mô hình đô thị NOXH.
“Hiện các doanh nghiệp nòng cốt trực thuộc Tổng Cty Vinaconex đều đã đăng ký tham gia chương trình nhà ở xã hội”-Lãnh đạo Vinaconex nói.
Tuy nhiên, Tổng Cty này đã đưa ra hàng loạt kiến nghị có lợi cho mình như: cho phép doanh nghiệp được giữ lại quỹ sàn nhà ở thương mại theo quy định phải trả cho thành phố để lấy tiền bù đắp vào chi phí xây dựng NOXH; Cho phép doanh nghiệp trích 10% lợi nhuận không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp để đầu tư đồng bộ các dịch vụ tiện ích để giảm bớt giá dịch vụ cho người sử dụng khi đến ở.
Nhà thu nhập thấp ở Gia Lâm - Hà Nội.
Đại diện Tổng Cty HUD thì cho biết, hiện dự án đô thị mới Tây Nam Linh Đàm mà HUD đang thực hiện theo quy hoạch có 49 ha, trong đó 19 ha phát triển nhà ở, chỉ có 2,4 ha làm cho NOXH.
Tuy nhiên, hiện nay HUD đang điều chỉnh, chỉ dành 10 ha làm nhà ở thương mại để có vốn hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong khu đô thị, còn lại dành khoảng 9 ha làm NOXH. Đồng thời đề nghị cho phép tăng mật độ dân số để giảm giá thành NOXH.
Phải đấu giá NOXH
Đề cập về các giải pháp cho thị trường BĐS Hà Nội hiện nay, ông Đoàn Thanh Long- Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, cần rà soát lại cung cầu để cân đối lại sản phẩm, đối với những dự án đã và đang triển khai, cần có cơ chế để chủ đầu tư có thể chia nhỏ diện tích căn hộ phù hợp với nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, vị lãnh đạo này cũng, kiến nghị TP Hà Nội cần sớm chi tiền ngân sách để mua lại các dự án nhà ở thương mại, bổ sung vào quỹ nhà tái định cư đang thiếu hụt hiện nay, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cho rằng, “Việc thu chi ngân sách hiện đã suy giảm rõ rệt. Hơn nữa việc mua lại nhà thương mại sẽ dựa trên tiêu chí nào, có công khai minh bạch hay không, có tránh được tình trạng lại dùng nguồn vốn nhà nước để cứu một số doanh nghiệp thân quen, doanh nghiệp sân sau? Đấy là những câu hỏi cần phải có lời giải rõ ràng” - Theo ông Liêm, phương án tốt nhất là phải đấu giá NOXH một cách công khai.
Còn theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) Đào Trung Chính, giải pháp đẩy mạnh phát triển NOXH là quan trọng. Tuy nhiên, mọi đề xuất cần phải tính toán, có thể là hợp lý nhưng chỉ phù hợp trong một thời hạn nhất định.
Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là tập trung rà soát tất cả các dự án BĐS, đánh giá lại thị trường để có kế hoạch đầu tư phù hợp, khắc phục tình trạng phát triển theo phong trào, dựa vào nguồn cung ảo.
Rót 30 ngàn tỷ đồng cho NOXH
Ngày 14-12 đã diễn ra lễ ký kết “Thỏa thuận phối hợp triển khai chương trình xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2013 - 2015” giữa Bộ Xây dựng và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Theo thỏa thuận được ký kết, trong giai đoạn 2013 - 2015, BIDV cam kết dành gói tín dụng trung dài hạn quy mô 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ triển khai các chương trình xây dựng NOXH. Cụ thể, đối với chủ đầu tư thực hiện dự án, doanh số cho vay tối đa là 10.500 tỷ đồng (chiếm 35% gói tín dụng); mức vay cho vay tối đa là 70% trên tổng mức đầu tư của dự án. Đối với người mua nhà, doanh số cho vay tối đa là 19.500 tỷ đồng (chiếm 65% gói tín dụng); mức cho vay tối đa là 85% trên giá trị căn nhà; lãi suất cho vay thấp hơn 10% so với mặt bằng lãi suất cho vay bình quân các tổ chức tín dụng. |