Lỗ hổng quản lý nợ công: Nghèo vẫn hoang

Những số liệu Bộ Tài chính vừa báo cáo Quốc hội về gia tăng nợ công (trong khi các nguồn thu ngày càng hạn hẹp) không khỏi giật mình. Áp lực trả nợ lớn, nhưng nhiều tài sản công (có thể giúp ngân sách có thêm hàng chục nghìn tỷ đồng trả nợ) lại đang bị dùng lãng phí.

Ngân sách nhà nước đang chật vật với nguồn thu, nay lại phải lo trả nợ thay cho những dự án bảo lãnh. Trong khi đó, nhiều bộ ngành lãng phí trong việc sử dụng đất; dùng đủ “chiêu” lãng phí nguồn ngân sách...

Lỗ hổng quản lý nợ công: Nghèo vẫn hoang - 1

Gánh nặng bảo lãnh

Số liệu nợ công và nợ nước ngoài được Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây cho thấy, tổng dư nợ theo Luật Quản lý nợ công đến ngày 31/12/2012 là 1,64 triệu tỷ đồng (bằng 55,7% GDP). Trong đó, nợ Chính phủ 1,27 triệu tỷ đồng. Nợ được Chính phủ bảo lãnh 342.036 tỷ đồng. Nợ của chính quyền địa phương 20.886 tỷ đồng. Dư nợ nước ngoài của quốc gia là 1,2 triệu tỷ đồng (tương đương 58 tỷ USD), bằng 41,1% GDP.

Dù không được nhắc đến nhiều trong các báo cáo của cơ quan chức năng, tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy, số tiền vay khá lớn nhưng việc quản lý các khoản vay chưa chặt chẽ. Được Chính phủ “ưu ái” bảo lãnh, nhiều doanh nghiệp nhà nước lại thờ ơ trong việc báo cáo định kỳ về sử dụng vốn vay. Có 43/77 dự án được cấp bảo lãnh không gửi báo cáo định kỳ cho Bộ Tài chính, ít nhất từ 2 quý trở lên (năm 2012).

Trong đó phải kể đến các dự án xi măng Bút Sơn; xi măng Đồng Bành; xi măng Thăng Long; Thủy điện Sông Bạc; Đường dây truyền tải; Thủy điện Đakrink; Thủy điện Tà Thàng…

Thậm chí, có dự án còn không nộp phí bảo lãnh theo quy định. Khi cơ quan chức năng kiểm tra việc quản lý nợ công, phát hiện có 30 dự án chậm nộp phí bảo lãnh. Trong đó có 22 dự án chậm trên 10 ngày với tổng số tiền phạt chậm trả là 680 triệu đồng.

Việc thiếu trách nhiệm với các khoản vay vẫn chưa đáng quan ngại bằng việc xu hướng ngân sách phải ứng tiền trả nợ thay cho các dự án được Chính phủ bảo lãnh ngày càng tăng. Năm 2012, Bộ Tài chính phải móc hầu bao ngân sách tổng cộng 1.206,2 tỷ đồng để “gánh” trả nợ thay cho 5 dự án, tăng 603,4 tỷ đồng (tăng 100,1%) so với năm 2011.

Cụ thể, ngân sách phải chi 231,42 tỷ đồng trả nợ thay cho dự án Nhà máy Giấy Phương Nam. Dự án Xi măng Đồng Bành ngốn 142,46 tỷ đồng (6,84 triệu USD), trong khi dự án Xi măng Thái Nguyên buộc Bộ Tài chính chi 225,19 tỷ đồng để trả nợ thay. Trong lĩnh vực thủy điện, ngân sách cũng phải gánh trả nợ thay 185,16 tỷ đồng (8,89 triệu USD) cho dự án thủy điện Xekaman 3.

Các số liệu của cơ quan chức năng cũng cho thấy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nguồn thu ngân sách giảm, nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ quá hạn, khó đòi lớn. Điển hình trong số này phải kể đến trường hợp của Tổng Cty Điện lực Dầu khí (thuộc PVN) với số tiền 9.650 tỷ đồng; Cty mẹ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng có số nợ quá hạn và khó đòi lên tới 2.314,2 tỷ đồng; Cienco 1 bị chôn vốn tổng cộng 558,6 tỷ đồng; Lilama 482,4 tỷ đồng; Công ty mẹ Vinatex 101,49 tỷ đồng (trong khi có khoản nợ 181,6 tỷ đồng)…

Đặc biệt, nhiều khoản tạm ứng của các doanh nghiệp nhà nước bị tồn đọng lâu năm với số tiền lớn chưa được thu hồi. Như trường hợp Cty CP Tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội (thuộc UDIC 24,6 tỷ đồng); Cty CP Cơ khí xây dựng 121 (Cienco 1) là 5,61 tỷ đồng...

Lãng phí nhiều nguồn thu

Tình trạng quản lý lỏng lẻo ngân sách cũng được PGS. TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán - Kiểm toán Việt Nam đề cập tại một hội thảo do Bộ Tài chính tổ chức. Theo đó, nhiều quỹ nhà nước được đầu tư hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, nhưng không biết chi tiêu thế nào. “Bên cạnh ngân sách nhà nước, có tới 40 quỹ ngoài ngân sách. Có những quỹ tới hàng chục nghìn, thậm chí cả trăm nghìn tỷ đồng, nhưng chi tiêu ra sao, hình thành thế nào không ai biết”, ông nói.

Lỗ hổng quản lý nợ công: Nghèo vẫn hoang - 2

Giám sát chi, quản nguồn thu đang có nhiều lỗ hổng. Ảnh: Như Ý

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, cơ quan quản lý rất “xót ruột” tình trạng nhiều bộ ngành được giao sử dụng đất đai nhưng sử dụng không hiệu quả. Không hiếm trường hợp các bộ ngành ở Hà Nội và địa phương sử dụng không hết diện tích đất được phân, đem cho thuê.

Thậm chí có trường hợp, cơ quan bộ ngành dùng chiêu cam kết sẽ bán trụ sở cũ để lấy tiền xây trụ sở mới. Sau khi xin vay, ứng ngân sách được, cơ quan này lại lấy cớ phát sinh thêm đơn vị nên không trả lại trụ sở cũ. “Chiêu” này khiến ngân sách vừa mất hàng nghìn tỷ đồng đầu tư trụ sở cũ, trong khi vẫn không thu hồi được trụ sở cũ của các bộ ngành nói trên.

Trái ngược với việc nơi thừa đất, trụ sở vẫn quyết bám, chây ì trả lại nhà nước; nhiều cơ quan T.Ư lại không có trụ sở, phải đi thuê. Riêng 6 cơ quan thuộc ban Đảng đang phải đi thuê, tiêu tốn ngân sách một năm hơn 300 tỷ đồng.

Một quan chức ngành tài chính cũng cho rằng, trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, phải co kéo nhiều nguồn lực để trả nợ, nhưng vẫn phải bội chi hàng nghìn tỷ đồng cho những khoản đầu tư xây dựng bị đội vốn.

“Theo quy hoạch, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ KH&CN phải di dời. Ngân sách đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây trụ sở mới cho các cơ quan này. Nhưng đến nay, sau thời gian dài dọn về trụ sở mới, các cơ quan trên vẫn không trả lại trụ sở cũ. Cá biệt, có cơ quan xin đầu tư xây dựng trụ sở chỉ hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng sau lại xin điều chỉnh lên tới 7.000 tỷ đồng. Đây là khoản tiền không hề nhỏ. Lãng phí ngân sách quá lớn”, vị này cho biết. 

Theo đồng hồ nợ công toàn cầu (trên trang The Economist.com), tính đến ngày 13/6, nợ công của Việt Nam ở mức trên 81,885 tỷ USD. Bình quân nợ công theo đầu người là 905,18 USD. So với thời điểm ngày 23/3, sau 3 tháng, tổng nợ công của nước ta tăng 1,815 tỷ USD. Bình quân nợ theo đầu người tăng 18,82 USD. Tuy nhiên, tính theo GDP, 3 tháng qua, tỷ lệ nợ công giảm 0,3%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN