Lờ chính sách, vàng tiếp tục bị làm giá

Nghị định 24 về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Thông tư 16 hướng dẫn thực hiện được ban hành cho thấy, cơ quan quản lý đã giữ đúng cam kết về việc hoàn thiện một hành lang pháp lý về kinh doanh vàng.

Nghị định 24 về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Thông tư 16 hướng dẫn thực hiện được ban hành cho thấy, cơ quan quản lý đã giữ đúng cam kết về việc hoàn thiện một hành lang pháp lý về kinh doanh vàng. Bên cạnh đó, những quy định mới cũng được khẳng định công cụ hữu hiệu để chặn đứng những biến động bất thường và bất lợi của vàng mà giới đầu cơ, làm giá đã "làm mưa, làm gió" trên thị trường vàng.

Ngay trong những ngày đầu quy định mới có hiệu lực, giá vàng thế giới giảm mạnh, giao dịch khá trầm... những tưởng đó là điều kiện thuận lợi để bước đầu thực thi quy định một cách thuận lợi. Tuy nhiên, như một sự trùng hợp đầy thách thức, trong những ngày này, dù giá thế giới giảm thì giá trong nước vẫn neo khá cao. Khoảng cách giá trong nước và thế giới đã lên đến trên 2 triệu đồng.

Đây là khoảng cách thường xuất hiện khi thị trường vàng có nhiều biến động, là một biểu hiện cho thấy vàng đang bị làm giá, neo cao để kiếm lợi bất hợp lý. Thực tế này cho thấy, dù đã có quy định nhưng dường như dân đầu cơ, làm giá vẫn chưa biết sợ. Và điều này như một lần nữa nhắc lại lập luận của một số chuyên gia rằng, những biến động của vàng trước thời điểm quy định mới có hiệu lực cũng chỉ là cách mà một nhóm kinh doanh vàng có thế lực "khuấy" lên để trục lợi mà thôi.

Sau Nghị định 24, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã giữ đúng cam kết khi ngay trong ngày 25/5 cũng đã ban hành Thông tư 16 hướng dẫn Nghị định này...

Điểm nhấn tại Thông tư 16 đã dẹp tan mối lo ngại lớn "không biết mua bán vàng miếng ở đâu" của người dân cũng như các DN hoạt động kinh doanh vàng, bởi tại văn bản quan trọng này NHNN đã cho phép việc kinh doanh vàng miếng hiện tại được kéo dài thêm 6 tháng trước khi phải điều chỉnh theo những qui định, giấy phép mới.

Lờ chính sách, vàng tiếp tục bị làm giá - 1

Vàng vẫn bị đầu cơ và làm giá

Với sự ra đời đồng bộ của Nghị định và Thông tư hướng dẫn Nghị định 24 được kỳ vọng bình ổn lại được thị trường vàng vốn cực kỳ lộn xộn như hiện nay và sẽ ngăn chặn được hiện tượng đầu cơ vàng, điều tiết được giá vàng trong nước và huy động được vàng trong dân để phục vụ cho nền kinh tế.

Với lộ trình xây dựng chính sách này, có thể nói với "24", từ nay mọi hoạt động kinh doanh vàng như mua bán vàng miếng, vàng trang sức; xuất nhập khẩu vàng và cả hoạt động kinh doanh vàng khác (vàng tài khoản, hoạt động phái sinh về vàng...) đã có hành lang pháp lý cụ thể. Quyền sở hữu vàng hợp pháp của người dân và tổ chức được công nhận và bảo vệ theo quy định pháp luật; Thị trường vàng không còn bị bỏ lỏng như trước đây mà hệ lụy của nó là đã gây ra nhiều bất ổn, tác động tiêu cực đến nền kinh tế; các yếu tố đầu cơ đã tạo sức ép lên tỉ giá và gây tâm lý bất ổn, rủi ro cho người dân do phải chạy theo giá vàng.

Tuy nhiên, một trong những kỳ vọng lớn nhất mà người ta đang đặt vào "24" là rút ngắn tối đa khoảng cách chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và quốc tế có vẻ như vẫn đang bỏ ngỏ. Thậm chí, với những diễn biến trong tuần qua thì xem ra điều này chưa dễ thành hiện thực.

Theo nhận định chung, nguyên nhân chủ chốt của sự bất ổn giá vàng trong thời gian qua do việc cấp quota luôn chậm trễ, đã tạo ra sự chênh lệch lớn cả về thời gian và giá cả trong nước và thế giới. Bên cạnh đó, nước ta hạn chế cho phép các NHTM kinh doanh vàng tài khoản với thị trường quốc tế nên không tạo được sự liên thông một cánh nhanh chóng, tức là không có sự cập nhật nhanh nhất giữa thị trường vàng nội, ngoại.

Trong khi đó, Nghị định 24 vẫn tiếp tục cơ chế hoạt động xuất nhập khẩu vàng được quản lý bằng hạn ngạch nên không ít người lo rằng tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn chưa thể sớm được khắc phục.

Chuyện bình ổn giá vàng nội, ngoại chưa bao giờ là vấn đề đơn giản. Một loạt các biện pháp mà NHNN đưa ra gần đây vẫn chưa đạt được mục tiêu.

Tiêu biểu là việc cho phép nhóm "G5+1" (5 NHTM và Cty Vàng bạc đá quý Sài Gòn) được phép huy động vàng trong dân, chuyển đổi một phần nhất định trong đó để tạo cung bình ổn thị trường tại những thời điểm cần thiết. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không hiệu quả, vì sau khi nhóm "G5+1" hoạt động, nhiều thời điểm giá vàng trong nước vẫn chênh so với giá thế giới tới 3 triệu/lượng.

Và đương nhiên là mục tiêu trước đó của NHNN: rút độ "vênh" giá vàng nội, ngoại xuống còn khoảng 400.000 đồng/lượng đã không thành hiện thực. Theo đó, con số chênh lệch hơn 2 triệu đồng những ngày vừa qua thì chưa thể nói vàng đã ổn định.

Tất nhiên, chúng ta không thể chờ đợi phép thần thông ngay lập tức của "Nghị định vàng" bởi từ chính sách đi xuống thực tế bao giờ cũng có quãng thời gian đệm gọi là "độ trễ chính sách".

Tuy nhiên, người ta lo ngại rằng nếu tình hình giá quốc tế 1 đằng, giá nội địa một nẻo kiểu này không sớm được giải quyết rốt ráo sẽ dấn đến những hệ lụy khá tai hại. Đặc biệt, đó là chuyện vàng nhập lậu có nguy cơ sẽ tái xuất và bùng phát. Bởi sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong và ngoài nước luôn là mồi nhử hấp dẫn đối với những đối tượng đầu cơ. Khoảng "vênh" 2 triệu đồng/lượng là đủ lời cho những người buôn lậu vàng thời điểm hiện nay. Mà nếu tình trạng nhập lậu vàng gia tăng, đây sẽ là yếu tố gây bất ổn đến nền kinh tế, tác động đến tỷ giá USD trên thị trường tự do. Dòng tiền của người dân thay vì đầu tư cho sản xuất kinh doanh thì lại đổ vào vàng...

Đó là một vòng xoáy luẩn quẩn mà người ta không muốn thị trường vàng mà chưa dễ thoát ra, dù đã có Nghị định 24. Chẳng lẽ, bọn đầu cơ, làm giá không biết sợ hay vẫn còn những kẻ hở để "bệnh cũ" tiếp tục hoành hành trên thị trường vàng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tâm Thời ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN