Lo bán nợ xấu rút gọn dễ sinh tiêu cực
“Nếu giao cho Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa quản lý tài sản nợ xấu vừa bán nợ xấu không khác gì chúng ta tạo ra sự không bình đẳng. Đặc biệt, với quy định bán tài sản nợ xấu lại được thực hiện theo quy trình rút gọn, tôi rất lo ngại vì quy định như thế này dễ tạo ra những tiêu cực”, đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đấu giá tài sản ngày 24/10.
Đại biểu Hoàng Văn Cường.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, hiện vẫn có hai luồng ý kiến về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của VAMC và của các công ty quản lý tài sản khác. Ngược lại, một số ý kiến đề nghị không quy định điều này vào trong dự án luật.
Ủng hộ luật hóa điều này, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng, quy định như vậy sẽ tạo hành lang pháp lý đủ mạnh góp phần xử lý nợ. Tuy nhiên, đại biểu Minh cũng đề nghị dự án luật nên quy định rõ về hình thức hành nghề của đấu giá viên tại tổ chức đấu giá nợ xấu. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) lại cho rằng, chỉ nên quy định về nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết về đấu giá nợ xấu. Đặc biệt, theo đại biểu Thành, không nên để VAMC là tổ chức đấu giá trực tiếp nợ xấu, tài sản đảm bảo nợ xấu, mà nên có một tổ chức độc lập, như thế sẽ đảm bảo tính khách quan.
Đồng ý với quan điểm VAMC có thể sử dụng nhiều hình thức để thực hiện chuyển đổi nợ xấu, song đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) lại không đồng tình với việc giao cho VAMC thực hiện việc đấu giá tài sản giống như các tổ chức khác khi bán nợ xấu. Theo đại biểu Cường, khi bán tài sản dù nợ xấu thì đây cũng là tài sản nhà nước, do vậy khi bán phải thông qua các tổ chức đấu giá.
“Nếu giao cho VAMC vừa quản lý tài sản nợ xấu vừa bán nợ xấu sẽ không khác gì chúng ta tạo ra sự không bình đẳng là những cơ quan quản lý tài sản thì không được bán, riêng VAMC được bán. Đặc biệt, với quy định bán tài sản nợ xấu lại được thực hiện theo quy trình rút gọn, tôi rất lo ngại vì quy định như thế này sẽ tạo ra những tiêu cực”, ông Cường bày tỏ.
Giải trình với Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, nợ xấu cần phải xử lý vì đó là hiện tượng mang tính chất nhất thời của nền kinh tế, nên Chính phủ đã ban hành Nghị định 53. Theo đó, VAMC được làm khá nhiều việc, trong đó có mua nợ xấu về rồi bán đi. Đơn vị này có thể ký hợp đồng với các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp là trung tâm dịch vụ bán đấu giá hoặc doanh nghiệp bán đấu giá, hoặc tự mình bán.
Mặc dù đây là việc tức thời, song theo Bộ trưởng Long thì vẫn phải có quy định, chính vì thế mới đưa vào dự thảo luật này. Cần làm rõ VAMC chỉ được bán tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm cho nợ xấu. Đây không phải là một tổ chức bán đấu giá hoạt động được như trung tâm dịch vụ đấu giá, hoặc các doanh nghiệp đấu giá khác. “Trong quá trình bán đấu giá, nếu tự mình bán thì trình tự, thủ tục phải theo quy định của luật này”, Bộ trưởng Long nói và cho biết thêm, hiện VAMC chưa tự bán mà chủ yếu ký hợp đồng với các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp để bán.
“Riêng về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm khoản nợ xấu còn ý kiến khác nhau lớn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ban Thư ký của Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về vấn đề này trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận phiên thảo luận. |