Lo âu với miếng vàng

Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng theo nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ 25.5.2012. Quy định về quy trình tổ chức, sản xuất và gia công vàng miếng nhằm cụ thể nghị định này cũng sắp ban hành. Nhiều thực tế tiếp tục phát sinh từ quy định này, mà cả người dân và doanh nghiệp đều chịu thiệt.

Quá trình chuyển đổi từ vàng miếng khác hiệu SJC sang hiệu SJC của người dân vẫn chưa kết thúc, và họ đang tiếp tục chịu thiệt thòi. Sáng 5.7.2012, bà Thanh ngụ tại quận Tân Bình mang miếng vàng AAA ra khu vực chợ Võ Thành Trang bán, chủ tiệm chỉ chịu giá 40 triệu đồng/lượng, thấp hơn 2 triệu đồng so với vàng miếng SJC cùng thời điểm. Nghe người quen mách nước rằng ngân hàng mua giá cao hơn, bà Thanh mang đến chi nhánh ngân hàng ở gần chợ Tân Bình, thì nơi đây chỉ mua vào vàng miếng SJC hoặc SBJ. Bà đến chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần khác ở gần chợ Tân Định, nơi đây chỉ chịu mua vào giá 39,5 triệu đồng/lượng.

Hiệu gì cũng bị thiệt

Trường hợp người đang giữ vàng miếng SBJ, có thể tìm đến bất cứ chi nhánh ngân hàng Sacombank nào để bán. Nhưng vấn đề là phải canh lúc nào SBJ đang mua giá cao để bán, vì ở các thời điểm khác nhau, giá mua vàng SBJ ở Sacombank không theo giá vàng SJC trên thị trường.

Người giữ vàng miếng SJC cũng chưa an tâm, vì hiện nay hầu hết các ngân hàng đều không huy động vàng, người dân gửi vàng còn bị tốn phí. Trong quá trình cất giữ, hoặc vận chuyển, lỡ làm miếng vàng bị móp, méo, hoặc bị rách, bể lớp bao nhựa bên ngoài, cũng không thể mang đi đổi lấy miếng vàng mới bù thêm tiền công như trước đây, mà chỉ còn cách bán lỗ. Như vậy, người giữ vàng SJC hay ngoài hiệu SJC đều có thể bị thiệt.

Theo số liệu thống kê từ nhà sản xuất vàng miếng SJC và một số doanh nghiệp sản xuất vàng miếng khác từng được cấp phép, thị trường Việt Nam lưu hành khoảng hơn 22 triệu miếng vàng (quy đổi theo loại 1 lượng), trong đó vàng SJC chiếm hơn 20 triệu lượng, còn lại gồm bảy thương hiệu vàng miếng khác (AAA hay AJC, PNJ, ACB, SBJ, NJC – thần tài Phương Nam và BTMC – Bảo Tín Minh Châu). Nếu 2 triệu lượng khác hiệu SJC có giá thấp hơn 2 triệu đồng/lượng, tính ra người giữ vàng chịu thiệt 4.000 tỉ đồng.

Lo âu với miếng vàng - 1

Giao dịch vàng miếng tại một cửa hàng của SJC

Máy dập vàng trùm mền

Theo quy định của nghị định 24, từ 25.5 đến nay, các xí nghiệp sản xuất vàng của SJC cũng như tất cả các thương hiệu vàng khác đều đã ngưng sản xuất chờ ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Bà Nguyễn Thị Cúc, phó tổng giám đốc công ty PNJ cho biết: “Từ đầu năm đến nay nhiều người dân đang giữ vàng PNJ có nhu cầu đổi sang vàng SJC, công ty có chính sách thu đổi theo giá mua vào vàng PNJ, bán ra SJC, tạo an tâm cho khách hàng”. Nhưng PNJ lại bị đọng vốn khá lớn vào lượng vàng miếng PNJ. Các văn bản PNJ kiến nghị gửi NHNN vẫn... chờ hướng dẫn. Dây chuyền máy móc dập vàng miếng, đã niêm phong từ tháng 10.2011, vẫn chưa khai thác được vào sản xuất trang sức do tính chất đặc thù của thiết bị. Bà Võ Ngọc Quế Chi, tổng giám đốc công ty SBJ cũng cho biết, SBJ đang tìm mối bán dây chuyền sản xuất vàng miếng, vì không biết phải dùng vào đâu.

Ông Nguyễn Công Tường, phụ trách kinh doanh vàng công ty SJC cũng cho biết: “Ngay sau ngày 25.5, công ty không thể đổi miếng vàng mới cho khách như chính sách trước đây vì không sản xuất hàng mới. Công ty chọn giải pháp mua lại miếng vàng móp méo chất vào kho chờ quy định mới”. Cũng theo ông Tường, SJC sẽ mua lại dựa trên số tiền công ty đang có, đến khi nào không đủ tiền mua nữa thì... ngưng mua.

Trước dư luận thắc mắc về thương hiệu nào sẽ trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia và việc xử lý các loại vàng miếng bị cong, vênh, chiều ngày 4.7.2012, phó thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã có cuộc trao đổi với báo chí và nội dung cuộc trao đổi được đăng tải trên website của NHNN.

Phó thống đốc Lê Minh Hưng cho biết: theo quy định tại nghị định số 24/2012/NĐ-CP, kể từ 25.5, tất cả các giấy phép sản xuất vàng miếng đã được NHNN cấp phép trước đây, kể cả giấy phép đã cấp cho SJC, hết hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, thương hiệu vàng miếng SJC là thương hiệu có bề dày uy tín, chiếm thị phần chủ yếu trên thị trường vàng miếng. Vì vậy, để tiết kiệm các chi phí cho Nhà nước, cho xã hội cũng như để tránh những xáo trộn trong hoạt động và sản xuất, kinh doanh vàng miếng, NHNN đã báo cáo Chính phủ và thống nhất với UBND TP.HCM quyết định lựa chọn thương hiệu vàng miếng SJC là thương hiệu vàng miếng của Nhà nước. Kể từ ngày này, chính bản thân công ty SJC cũng không được phép tiến hành các hoạt động sản xuất vàng miếng. Công ty SJC vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động kinh doanh bình thường, ngoại trừ việc sản xuất vàng miếng.

Ông Hưng cũng cho biết thêm: NHNN sẽ tiến hành các hoạt động cho phép việc gia công lại các loại vàng miếng SJC bị móp méo, cong vênh để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân đang nắm giữ các loại vàng miếng thương hiệu SJC không đủ tiêu chuẩn lưu thông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bích Nga ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN