Liều mình đổ ngàn tỷ vào chứng khoán?
Diễn biến trong những phiên đầu năm mới cho thấy, dòng tiền đang đổ dồn vào kênh đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, dòng tiền này có bền hay sẽ nhanh chóng được rút ra, rồi nằm yên như trong năm 2012?.
Đua nhau bỏ tiền
Chưa dừng lại với chuỗi 9 phiên giao dịch tăng điểm trước đó, sàn chứng khoán TP.HCM sáng 7/1 đầu tuần thứ hai của năm mới 2013 tiếp tục tăng điểm bừng bừng khí thế. Chỉ số VN-Index tăng vọt thêm hơn 8 diểm (+1,9%) nhanh chóng vượt qua ngưỡng cản tâm lý rất mạnh 430 điểm lên 434 điểm.
Giới đầu tư tỏ ra hưng phấn cao độ khi mà dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán (TTCK) không chỉ quanh quẩn ở các mã nhỏ mà dòng vốn ngoại cũng đang đổ mạnh vào các cổ phiếu blue-chips trụ cột trên thị trường như VCB của Ngân hàng Vietcombank, HAG của Hoàng Anh Gia Lại, CTG của VietinBank, VIC của Tập đoàn Vingroup, MSN của đại gia hàng tiêu dùng Masan…
Khối ngoại đã mua đẩy mạnh gom mua nhiều cổ phiếu thuộc nhóm VN30 (nhóm 30 cổ phiếu lớn nhất trên sàn HOSE). Hàng triệu cổ phiếu VCB, HAG, CTG đã được các nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng mua vào trong phiên giao dịch đầu tuần mới.
Các mã lớn như DPM của Đạm Phú Mỹ, HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng được mua tổng cộng gần 1,4 triệu cổ phiếu. Tất nhiên, giá của các cổ phiếu mang tính dẫn dắt thị trường nói hầu hết đều tăng trần hoặc ít cũng tăng 2-3%.
Diễn biến tích cực nói trên khá bất ngờ với nhiều nhà đầu tư trong nước bởi không ít người đã nghĩ tới kịch bản TTCK điều chỉnh sau hai tuần tăng liên tục và chỉ số VN-Index đứng trước ngưỡng cản tâm lý cực lớn 430 điểm.
Bên cạnh đó, hàng chục ngàn tỷ đồng đã được đổ vào trong các phiên trước đó được cho là sẽ được chốt lời, rút ra nhanh chóng nếu thị trường diễn biến không thuận. Tuy nhiên, hàng chục mã blue-chip tăng trần với dư mua tới hàng triệu đơn vị, bất kể là cổ phiếu BĐS, ngân hàng hay tài chính (như HAG, HPG, HSG, BVH, PVF, OGC, VSH…) cho thấy tâm lý của giới đầu tư đang rất tích cực.
Giải thích về đợt sóng khá mạnh lần này nhiều chuyên gia từ các CTCK cho rằng, giới đầu tư trong và ngoài nước đang kỳ vọng vào các chính sách vĩ mô đang được Chính phủ đưa ra nhằm giải quyết một số vấn đề lớn của nền kinh tế hiện tại là: Nợ xấu, tồn kho, BĐS đóng băng, tín dụng bế tắc…
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, các kênh đầu tư đều kém hấp dẫn, từ BĐS trầm lắng cho tới vàng không được khuyến khích, lãi suất ngân hàng giảm, tỷ giá ổn định, thì chứng khoán đang được kỳ vọng là một kênh đầu tư mang lại lợi nhuận lớn nếu các chính sách vĩ mô đem lại sự phục hồi kinh tế.
Sóng dài hay sóng ngắn?
Trở lại đợt sóng đầu năm 2012, TTCK khi đó đã có một cú bứt phá khá ngoạn mục với gần 5 tháng liên tiếp giá cổ phiếu tăng nhanh. Thị trường đã bật lên như lo xo bị nén sau một quãng thời gian giảm điểm quá dài trong cả năm 2011.
Các thông tin về thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý TTCK, cùng với động thái giảm nhanh lãi suất từ 14%/năm xuống 9%/năm và kéo dài thời gian giao dịch sang buổi chiều đã khiến kỳ vọng đối với cổ phiếu tăng mạnh. Chỉ số VN-Index đã tăng gần 40%; HNX-Index tăng gần 44%.
Đợt sóng đầu năm 2013 cũng có nhiều điểm khá giống với đầu năm 2012 với lãi suất đang tiếp tục được hạ xuống, các hoạt động tăng cường quản lý TTCK đang được thúc đẩy. Tuy nhiên, tâm điểm của chính sách vĩ mô giai đoạn này là tập trung vào các gói giải pháp giúp phá băng thị trường BĐS, giải quyết nợ xấu ngân hàng và thúc đẩy tín dụng ra thị trường nhằm khôi phục sản xuất.
Hơn thế, điểm khác còn là ở chỗ, các chính sách không còn chung chung nữa, mà đã thành các đề án, gói giải pháp, thông tư và sẽ dần dần được công bố. Sự xuất hiện một cách chính thức của hàng loạt các gói giải pháp ở nhiều lĩnh vực, ở một góc độ nào đó, đang mang lại niềm tin cho giới đầu tư và là động lực chính khiến TTCK gia tăng về điểm số.
Rõ ràng, so với đầu năm 2013, những chuyển biến về chính sách có tín hiệu mạnh mẽ hơn nhiều. Đón đầu chính sách, đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế, của các DN là cách mà các nhà đầu tư chứng khoán vẫn thường làm. TTCK luôn đi trước sự vận động của nền kinh tế, của các DN.
Có thể thấy, những nỗ lực của các cơ quan chức năng gần đây cho thấy, tình hình có thể không tốt hơn nhưng TTCK vẫn có thể có những đợt sóng, đặc biệt là sau khoảng 7 tháng giảm liên tục cuối năm 2012. Tuy nhiên, độ dài của các con sóng này sẽ phụ thuộc nhiều vào các hướng đi cụ thể của các giải pháp đang được đề xuất, phụ thuộc nhiều vào sự tiến triển của kinh tế vĩ mô.
Nếu nền kinh tế nói chung và các DN nói riêng biến chuyển tích cực sát với kỳ vọng của giới đầu tư ở thời điểm hiện tại thì sự phục hồi của TTCK có thể là rất lớn bởi giá của đa số các cổ phiếu đang ở mức rất thấp. Thực tế cũng đã chứng minh nhiều cổ phiếu trong vài tháng gần đây, ngay cả trong đợt sóng 2 tuần vừa qua, cũng tăng được vài chục phần trăm cho tới một vài lần khi DN làm ăn tốt.
Ngược lại, TTCK có thể lại chứng kiến những đợt sụt giảm kéo dài như trong vài năm vừa qua, các thành quả gặt hái được có lẽ sẽ nhanh chóng bị xóa sạch.
Trong những tuần tới, các DN sẽ lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý IV/2012. Nhiều khả năng, sẽ không có gì đột biến. Tình hình kinh doanh của các DN trong nhóm trụ cột như ngân hàng, chứng khoán, BĐS, xây dựng… rất có thể sẽ vẫn yếu kém như các quý trước đó. Tình hình cũng khó có nhiều đột biến trong quý I/2013.
Như vậy, trước mắt các con số về hoạt động kinh doanh của các DN sẽ là vật cản không nhỏ đối với TTCK, cho dù diễn biến xấu có lẽ đã được dự báo và phần nào đã phản ánh vào giá cổ phiếu thời gian trước.
Về dài hạn, sự phục hồi của kinh tế vĩ mô và các DN cũng chưa được bảo đảm bởi nợ xấu của hệ thống ngân hàng quá lớn, với số tiền dự kiến 100-150 ngàn tỷ chưa hẳn đã đủ, chưa nói tới việc sử dụng có hiệu quả hay không. Gói giải cứu thị trường BĐS được vạch ra khá quy mô nhưng vấn đề cốt lõi là thị trường có hấp thụ được các sản phẩm tồn đọng của các DN hay không thì chưa được xác định.
Có thể nói, sự hưng phấn của giới đầu tư chứng khoán trước kỳ vọng kinh tế vĩ mô trong thời gian tới sẽ chuyển biến tích cực đáng kể là tất yếu. Nó được đặt trong bối cảnh các kênh đầu tư khác vẫn khá mờ mịt, tối tăm. Sự hưng phấn có thể kéo chứng khoán đi lên, qua đó khiến cho nhiều nhà đầu tư, nhiều DN, nhiều tập đoàn thoát bớt nợ xấu.
Tình hình tài chính nói chung dần tốt lên. Tuy nhiên, ở bất cứ phương diện nào, sự phát triển quá đà so với nội lực sẵn có - mà ở một góc độ nào đó là bong bóng, thì đều không tốt.