Lệch pha vốn huy động và cho vay
Theo các đoàn công tác “Đối thoại ngân hàng và doanh nghiệp” của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất tiền vay xuống 9%/năm đối với doanh nghiệp nhóm A nhưng họ vẫn dè dặt vay. Trong khi đó, tính đến tháng 8/2012 so với đầu năm, tăng trưởng tín dụng vẫn chỉ 1,4% nhưng huy động vốn lên tới 11,23%.
Một thành viên của đoàn công tác Ngân hàng Nhà nước trong chuyến đi đối thoại với các doanh nghiệp miền Trung vừa cho biết, các tổ chức tín dụng khu vực này đã thực hiện nghiêm túc phân loại nhóm khách hàng để giãn, hoãn và cơ cấu thời hạn nợ, lãi vay cho doanh nghiệp. Qua đó, nhiều ngân hàng thương mại đã hạ lãi vay xuống mức phổ biến 11%/năm, thậm chí, với doanh nghiệp nhóm A được “chào mời” ở mức 9%/năm nhưng rất ít doanh nghiệp mở hồ sơ.
Doanh nghiệp nhóm A chưa muốn vay
Tham khảo thông tin của một số đoàn công tác khác của Ngân hàng Nhà nước, tình hình cũng tương tự. Lý giải tình trạng này, một cán bộ Ngân hàng Nhà nước nói: “Nhiều doanh nghiệp nhóm A, có tình hình tài chính lành mạnh, ngân hàng muốn họ mở hồ sơ vay vốn nhưng họ vẫn ngần ngại”.
Theo cán bộ này, các doanh nghiệp thuộc diện trên hầu hết đã thoát hàng tồn nhưng vì thị trường tiêu thụ chậm, nên phải thu hẹp quy mô sản xuất; họ chỉ vay một lượng vốn lưu động đủ mức duy trì hoạt động cầm chừng. Cùng đó, các hồ sơ vay vốn đầu tư mới, thậm chí với những dự án đã ký hợp đồng trước đó cũng chưa được triển khai.
Lấy ví dụ trong ngành dược, ông Trần Bình Duyên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dược Trung ương (Mediplantex) cho biết, do có quan hệ truyền thống hàng chục năm với các ngân hàng thương mại nhà nước như BIDV, Vietcombank nên các điều kiện vay và lãi suất không phải là rào cản, mức lãi suất vay chỉ 12%/năm nhưng do tình hình thị trường xấu, nên Mediplantex chỉ vay cầm chừng. Hiện tại, doanh nghiệp này đang có một dự án lớn về trung tâm thương mại dược liệu ở Mỹ Đình, đã hoàn thiện hồ sơ đầu tư nhưng do thị trường khó khăn nên phải dừng vô thời hạn.
Trái ngược với tình trạng trên khá nhiều doanh nghiệp có tình hình tài chính xấu, bảng cân đối tài sản thiếu lành mạnh lại rất muốn vay nhưng bị ngân hàng từ chối. Theo phản ảnh của một số ngân hàng thương mại cổ phần, số doanh nghiệp này vay với mục đích làm sạch bảng cân đối, đảo nợ hoặc vay để thanh toán cho các khoản nợ “tín dụng phi chính thống” mà họ vay để trả nợ ngân hàng trước đó.
Ngoài ra, cũng có những doanh nghiệp kêu không vay được vốn là do đang có nợ quá hạn ở ngân hàng khác. Ví dụ, một doanh nghiệp chuyên hoạt động đầu tư khu công nghiệp “tố” Vietinbank chi nhánh Ba Đình không cho vay vốn, dù họ chưa từng vay ngân hàng này nhưng khi xác minh lại thì doanh nghiệp này đang tồn một khoản nợ khác ở Maritimebank chưa thanh toán nên bị từ chối.
“Sự la ó của một số doanh nghiệp về việc khó tiếp cận tín dụng, lãi vay cao là do chất lượng doanh nghiệp thấp nên bị ngân hàng từ chối hoặc nâng rào cản lãi suất để ngăn lại”, tổng giám đốc một ngân hàng ở Hà Nội phân bua.
Dư địa tiền tệ đã hết?
Theo số liệu từ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2012, tính đến 20/8 so với 31/12/2011, dư nợ tín dụng toàn hệ thống ước tăng 1,4% và tổng huy động vốn tăng 11,23%. Tham khảo thêm một nguồn tài liệu khác từ Nhóm nghiên cứu của BIDV thì 2 con số trên lần lượt là 1,6% và 10,26%.
Mặc dù kết quả trên có sự khác biệt (tuy không nhiều) nhưng đều phản ánh tình trạng bế tắc tín dụng và sự lệch pha trong cán cân huy động và cho vay. Vì thế, việc tìm đáp án cho câu hỏi: vì sao tín dụng lệch pha và làm thế nào để phá thế đóng băng tín dụng, tiếp tục là bức xúc không chỉ riêng đối với ngành ngân hàng.
Trước hết, xét về cầu vốn trên thị trường 1 thông qua lãi suất, số liệu của Ngân hàng Nhà nước và nhóm nghiên cứu BIDV đều cho thấy, lãi vay ngắn hạn nợ mới trong tháng 8/2012 đã về mức 11% - 12%/năm trong khi lãi suất vay trung dài hạn ở mức 14,6% - 16,5%/năm.
Đặc biệt, theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đồng loạt đưa lãi vay nợ cũ (hợp đồng ký trước 15/7/2012) về 15%. Qua đó, giảm tỷ trọng tín dụng có mức lãi vay trên 15% từ 65% đến 15/7 xuống 30% vào ngày 3/8 và chỉ còn 24% tại thời điểm 16/8.
Tiếp đó, quan sát cầu vốn trên thị trường 2 thì thấy trong 3 tuần đầu của tháng 8/2012, thanh khoản duy trì ổn định, tính trung bình, doanh số giao dịch khoảng 23 nghìn tỷ đồng/ngày và có tới 70% doanh số tập trung ở các kỳ qua đêm đến 1 tuần, lãi suất chỉ 1% - 3,5%/năm.
Bất ngờ trong các ngày 20/8 - 23/8, lãi suất liên ngân hàng vọt lên 8% - 8,5%/năm với kỳ hạn qua đêm đến 1 tuần, doanh số giao dịch giảm còn 15 nghìn tỷ đồng/ngày và tỷ trọng doanh số giao dịch các kỳ hạn này đẩy lên tới 80% - 90%.
Tuy nhiên, từ 23/8 đến đầu tháng 9/2012, thanh khoản được cải thiện rõ rệt, tâm lý thận trọng giảm, các ngân hàng bơm ra nhiều hơn, doanh số giao dịch được phục hồi với mức 22 nghìn tỷ đồng/ngày.
Sở dĩ, thăng bằng của thị trường 2 được phục hồi ngày là do sự nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước đúng vào lúc tâm lý thị trường bị đè nặng bởi một vài biến cố nhạy cảm. Tính riêng trong tháng 8/2012, Ngân hàng Nhà nước đã bơm vào hệ thống khoảng 7.000 tỷ đồng qua kênh đáo hạn tín phiếu; 14 nghìn - 16 nghìn tỷ đồng qua kênh mua ngoại tệ và tái cấp vốn khoảng 2 nghìn - 3 nghìn tỷ đồng; chưa kể vài chục nghìn tỷ đồng bơm qua OMO trong các ngày 20 - 24/8.
Có thể thấy, dư địa trong chính sách tiền tệ để giảm bớt lệch pha giữa huy động cho vay nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng không còn nhiều. Và một nỗi lo đang âm ỉ trong hệ thống, đó là: rủi ro lãi suất, rủi ro thị trường từ sự mất cân bằng giữa huy động và cho vay; cũng như bất an đến từ việc tín dụng tăng thấp nhưng huy động vẫn tăng đang ngày càng hiện hữu.