Lệch pha giá vàng đến bao giờ?
Đã có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn thế giới gần 4 triệu đồng/lượng. Trước sự “lệch pha” này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tuyên bố sẽ kéo xuống còn khoảng trên dưới 400.000 đồng/lượng, là hợp lý.
Nhưng tuần qua, tình trạng giá vàng trong và ngoài nước lại tái diễn độ vênh khá cao, trong khi đó cơ quan quản lý cũng chưa có hướng giải quyết căn cơ, triệt để.
Tính từ cuối tháng 3 đến nay, giá vàng trong nước lần lượt để tuột các mốc giá 43, 42 và 41 triệu đồng/lượng, nhưng nếu giảm cùng tốc độ với giá thế giới, lẽ ra vàng phải về dưới 40 triệu đồng/lượng.
Quy đổi giá vàng thế giới theo giá USD tự do cộng các chi phí khác, giá vàng trong nước ở thời điểm này vẫn đắt hơn giá thế giới khoảng 1,5 triệu đồng/lượng, thậm chí có ngày trên 2-2,5 triệu đồng/lượng.
Đây là một “ẩn số” lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước khi chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước vẫn diễn ra, trong khi lạm phát đang giảm, giá USD ổn định một thời gian dài. Đặc biệt mãi lực mua bán của thị trường vàng trong nước cũng khá trầm lắng dù vài tháng qua giá vàng có xu hướng giảm.
Có thể thấy sự chênh lệch giữa giá vàng trong và ngoài nước thể hiện rõ giữa 2 thị trường chưa có sự liên thông. Chính vì vậy một số ngân hàng thương mại (NHTM) và doanh nghiệp kinh doanh vàng trước đây mua vào vàng giá cao, nay thị trường giao dịch giảm nên còn tồn hàng nhiều.
Khi giá vàng giảm, có nguy cơ lỗ buộc các đơn vị này phải “neo” giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới để giảm lỗ. Chưa kể, các NHTM trước đây lấy vàng huy động ra bán vàng bình ổn và mua vàng trên tài khoản ở nước ngoài.
Nay muốn đóng trạng thái không được vì phải mua vàng trong nước, bán tài khoản ở nước ngoài (do NHNN không cho nhập vàng về). Điều này có thể tác động lên giá vàng khi nhu cầu mua vàng tăng lên. Đón bắt nhu cầu này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng vẫn niêm yết giá vàng trong nước cao dù giá vàng thế giới giảm sâu.
Rõ ràng thị trường vàng nước ta vẫn đang tồn tại mâu thuẫn: Cơ quan quản lý muốn thu hẹp giá vàng trong và ngoài nước trong khi các đơn vị kinh doanh vàng tìm cách kéo giá vàng lên. Trong “cuộc chiến” này cơ quan quản lý tỏ ra bất lực, dẫn đến người tiêu dùng bị thiệt thòi lớn.
Một bài toán đặt ra cho NHNN là khi độc quyền sản xuất vàng miếng liệu có giải quyết được vấn nạn chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước? Với Nghị định 24, hệ thống NHTM giống như doanh nghiệp, tức phải mua bán vàng, huy động vàng, nhập khẩu vàng…
Công việc đặt ra như thế đối với một cơ quan quản lý không hề đơn giản và đặc biệt phải cân nhắc giữa việc NHNN có nên tổ chức sản xuất gia công vàng riêng hay tận dụng thương hiệu đã có như SJC. Bởi hiện nay vàng SJC đã có mặt trên thị trường với hơn 700 tấn, buộc Chính phủ và NHNN phải sử dụng sao cho tiết kiệm chi phí xã hội nhất.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu Nghị định 24 của Chính phủ có hiệu lực mà không có cơ chế quản lý của NHNN về việc minh bạch giá mua bán vàng của doanh nghiệp, cũng như cơ chế nhập khẩu quota phù hợp, sẽ khó quản lý thị trường vàng một cách căn cơ, khi đó giá vàng trong nước vẫn sẽ “lệch pha” với giá vàng thế giới.
Để bình ổn thị trường vàng, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước không thể trông chờ vào việc nhập khẩu vàng của NHNN, bởi điều này sẽ tác động tiêu cực lên diễn biến kinh tế vĩ mô. Hiện nay lượng vàng trong dân rất nhiều, ước khoảng 300-500 tấn và phần lớn đều nằm trong kho các NHTM.
Thay vì nhập khẩu vàng tiêu tốn ngoại tệ, NHNN có thể dùng vàng trong nước để can thiệp. Theo đó, với vai trò độc quyền sản xuất vàng thương hiệu quốc gia và quản lý thị trường vàng, NHNN hoàn toàn có thể kiểm soát chặt chẽ giá vàng ở hệ thống bán lẻ, phân phối của một số đơn vị nắm giữ lượng vàng lớn.
Các đơn vị này có thể lấy vàng trong dân bán ra với hạn mức quy định của NHNN và hạn chế rủi ro thông qua việc cho phép các đơn vị này mua đối ứng trên tài khoản vàng quốc tế.
Thực tế không khó để giám sát chặt hoạt động kinh doanh vàng trong nước cũng như kinh doanh vàng tài khoản của các đơn vị kinh doanh vàng. Vấn đề đặt ra là khi nào xóa bỏ được chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới?
Thị trường vàng vẫn đang có tâm lý chờ những tín hiệu mới sau khi Nghị định 24 có hiệu lực và chấp nhận sự “lệch pha” giá vàng hiện nay như một điều không thể tránh.
Do vậy, hiện nay nhiều chuyên gia khuyên người dân nên cẩn thận khi mua vàng lúc này bởi rủi ro không chỉ từ giá vàng thế giới giảm mà còn rủi ro từ sự “neo” giá vàng quá cao trong nước.