Lấy tiền nhà nước biếu không đối tác
Chuyện vô lý khi một doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành đường sắt vô tư biếu không cho đối tác hàng trăm triệu đồng/tháng. Kế toán trưởng nhận sai, lãnh đạo đơn vị khẳng định không vì phần trăm, phết phẩy hoa hồng...
Chuyện xảy ra đã nhiều năm nay tại Cty Vận tải Hàng hoá Đường sắt (thuộc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam). Đây là đơn vị chuyên làm dịch vụ vận chuyển hàng hoá cho nhiều đối tác.
Tuy nhiên, việc ưu tiên cho các đối tác nợ tiền cước vận chuyển lên tới 20 tỷ đồng nhiều tháng trời không cần bất cứ điều kiện gì trở thành chuyện lạ về một cách kinh doanh.
Khi được PV chất vấn về điều này, vị kế toán trưởng Cty Vận tải Hàng hoá Đường sắt Nguyễn Hồng Hải tỏ vẻ giật mình, thú nhận: Với lãi suất ngân hàng hiện nay, 20 tỷ đồng được ưu ái cho đối tác nợ, như vậy đơn vị biếu không 2 trăm triệu đồng/tháng cho các đối tác.
Trụ sở Cty Vận tải Hàng hóa Đường sắt.
Trong 20 tỷ đồng được Cty Vận tải Hàng hoá Đường sắt cho 3 đối tác nợ (Cty CP Dịch vụ Đường sắt Khu vực 1, Cty CP Vận tải và Thương mại Đường sắt, Ga Sóng Thần), đáng lưu ý, Cty CP Dịch vụ Đường sắt Khu vực 1 được nợ 10 tỷ đồng.
Có những thời điểm, món nợ hàng chục tỷ đồng tiền cước được kéo dài tới cả năm. Điều khó hiểu nhất, không phải đối tác nào cũng được ưu ái nợ cước vận tải như 3 đối tác trên.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Cty Vận tải Hàng hóa Đường sắt (chủ nợ) Trần Duy Luân khẳng định: “Về nguyên tắc, hàng lên tàu hoả là đối tác phải trả tiền cước ngay. Tuy nhiên, tôi mới nhậm chức nên không biết về quy định cũ”.
Khi PV hỏi, 20 tỷ đồng cho đối tác nợ tuỳ tiện, gửi ngân hàng (với lãi suất hiện tại) mỗi tháng có 200 triệu đồng, nếu không vì phần trăm, phết phẩy hoa hồng thì không có doanh nghiệp nào lại biếu không từng ấy tiền? Ông Luân nói: “Chắc chắn tôi không nhận phần trăm nào. Tôi mới về”.
Nói rồi, ông Luân đề nghị PV làm việc với kế toán trưởng Nguyễn Hồng Hải vì đây là người phụ trách việc này trong nhiều năm. Sau khi nói việc bị chiếm dụng vốn trong kinh doanh là bình thường, ông Hải cuối cùng cũng thừa nhận việc cho nợ cước vận tải hàng chục tỷ đồng trong nhiều tháng là sai.
Theo ông Hải, quy định cho nợ trước này có từ lâu và kiểm toán nhà nước lẫn kiểm toán độc lập khi được giải thích đều bỏ qua. “Đây là những đối tác truyền thống, có uy tín mới được chúng tôi cho nợ”, ông Hải lý giải.
Việc nợ cước này gần như theo kiểu tin nhau mà không có bất cứ điều kiện ràng buộc nào. Trong khi đó, quy định từ Tổng Cty Đường sắt Việt Nam ghi rõ: “Chủ hàng được giải quyết trả chậm cước phải có bảo lãnh của ngân hàng, giá trị bảo lãnh không được thấp hơn giá trị tiền cước trả chậm”.
Trường hợp, những đối tác nợ hàng chục tỷ đồng trên xù nợ hoặc vỡ nợ mất khả năng chi trả thì sao? Kế toán trưởng Nguyễn Hồng Hải cho biết, "chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm".