“Lấy ngắn nuôi dài”: Nhiều đại gia “sập bẫy”
Tình cảnh doanh thu tăng, lợi nhuận giảm đang khiến cổ đông của các doanh nghiệp này không thể yên tâm.
Hoa Sen và xây dựng Hòa Bình là hai ví dụ gần đây trong câu chuyện về việc nhiều doanh nghiệp lớn rơi vào cảnh doanh thu tăng lợi nhuận giảm sau giai đoạn tăng trưởng nóng. Điểm chung của những “đại gia” này là đã dùng vốn ngắn hạn đầu tư tài sản dài hạn. Họ nhận thấy cơ hội tiềm năng sau khi phát triển với mức độ ấn tượng, và rồi vội vã đầu tư trong khi chưa lường hết những rủi ro về cân đối tài chính và thị trường.
Hiện trường thi công dự án của HBC. Nguồn: HoaBinh Construction Group.
Tăng trưởng vượt bậc
Năm 2016, những diễn biến rất thuận lợi trong thị trường thép đã giúp các doanh nghiệp ngành thép ăn nên làm ra, trong đó, Hoa Sen đạt được lợi nhuận ròng kỉ lục hơn 1500 tỷ đồng, tăng trưởng gấp nhiều lần so với các năm trước, và vươn lên trở thành ông lớn với thị phần số 1 trong ngành tôn mạ Việt Nam.
Cổ phiếu HSG đã tăng ròng rã tới 180% và đạt đỉnh vào giữa năm 2017. Đại gia Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT của Hoa Sen – đã góp mặt vào top 15 người giàu nhất Việt Nam.
Đối với xây dựng Hòa Bình, trong giai đoạn 2014 – 2015, lợi nhuận của công ty này ở mức khá thấp, chỉ quanh quẩn ở 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang đến năm 2016, HBC bất ngờ gây sốc khi doanh thu tăng gấp đôi lên gần 11 ngàn tỷ đồng và lãi ròng tới 568 tỷ đồng, tức gấp 7 lần so với cùng kì năm trước.
Kết quả này có được nhờ thị trường bất động sản khởi sắc và năng lực tốt của công ty. HBC trở thành doanh nghiệp lớn thứ hai trong ngành xây dựng bất động sản trên sàn niêm yết, chỉ sau ông “trùm” Coteccons.
Chi nhánh của tập đoàn Hoa Sen. Nguồn: Hoa Sen Group.
Tự tin mở rộng
Năm 2016, Chủ tịch của Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ làm chấn động giới doanh nghiệp khi phát biểu “ngu gì không làm thép” tại ĐHCĐ với tham vọng xây dựng tổ hợp thép tại Cà Ná với vốn đầu tư khổng lồ tới 230.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó dự án đã bị tạm dừng. Hoa Sen tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống chi nhánh phân phối thép, xây dựng thêm các dự án nhà máy và mở rộng sản phẩm.
Để làm được điều đó, Hoa Sen đã phải tăng vay nợ ngân hàng, đặc biệt là vay ngắn hạn đầu tư cho các dự án và tài sản dài hạn. Kết quả là, nợ ngân hàng của Hoa Sen đã tăng chóng mặt từ 5.491 tỷ đồng vào cuối năm 2015 lên đến 15.880 tỷ đồng tại thời điểm hiện tại, trong đó riêng nợ vay ngắn hạn là 12.420 tỷ đồng.
Đối với xây dựng Hòa Bình, công ty đã liên tiếp có được các hợp đồng dự án cả ngàn tỷ. Tuy nhiên, hết Quý II 2018, nợ phải trả của HBC lên tới 11.382 tỷ đồng, chiếm 81,3% tổng tài sản của công ty. Nợ vay ngân hàng của công ty cũng đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2015 từ 2.046 tỷ đồng lên 4.870 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm tới 94,2%.
“Sập bẫy”
Hệ thống chi nhánh của Hoa Sen tuy phát triển nhanh và rộng khắp nhưng lại là gánh nặng chi phí rất lớn cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, nợ vay quá lớn khiến chi phí tài chính tăng vọt. Hai loại chi phí này đang lấy đi phần lớn lợi nhuận của HSG.
Cụ thể, năm 2017, mặc dù doanh thu thuần tăng 46% đạt 26.336 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế của HSG lại giảm 11,5%. Nguyên nhân là chi phí tài chính của HSG đã tăng hơn gấp đôi lên 589 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng gần 33% lên 1.512 tỷ đồng. Còn trong 9 tháng niên độ 2017-2018, doanh thu của HSG tăng mạnh, nhưng lợi nhuận lại giảm đến hơn một nửa.
HBC liên tiếp nhận được các hợp đồng dự án mới, nhưng từ đó cũng phát sinh rủi ro về chất lượng nhà thầu. Tính đến hết Qúy II 2018, HBC có 9.611 tỷ đồng phải thu ngắn hạn, chiếm tới 68,7% tổng tài sản. HBC cũng đã phải dự phòng khó đòi là 344 tỷ đồng. Các khoản phải thu tăng nhanh chưa nhận được tiền, nhưng lại ghi nhận doanh thu sớm, khiến HBC phải tài trợ các dự án bằng vốn lưu động.
Chi phí lãi vay trong năm 2017 của HBC tăng 83% lên 266 tỷ đồng; còn tính đến nửa đầu năm 2018, lãi vay của HBC là 151 tỷ đồng, tăng 31%. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu của HBC tăng 20% lên 8.079 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận lại giảm 22% xuống còn 294 tỷ đồng và chi đạt 27,5% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Lo ngại trước những tiềm ẩn rủi ro, nhà đầu tư đã liên tục bán cổ phiếu khiến giá của HSG và HBC sụt giảm đến một nửa từ mức đỉnh. Mặc dù tình hình tài chính của Hoa Sen và Hòa Bình chưa có gì quá nghiêm trọng nhưng nó sẽ đòi hỏi nỗ lực lớn để hai doanh nghiệp này đạt được lại phong độ và sự ổn định.
Lợi nhuận kém cỏi, rắc rối pháp luật, dính sự cố thảm họa là những gì mà ba đại gia Phố núi đã phải đối mặt.