Lắp thiết bị chống trộm máy ATM: Hiệu quả chưa rõ

Theo Thông tư 47 của Ngân hàng (NH) Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1-4, các NH thương mại phải lắp thiết bị cảm biến cho máy ATM đặt bên ngoài, gửi cảnh báo về trung tâm giám sát nhằm tránh trường hợp đập phá, chống mở cửa, trộm tiền từ máy ATM.

Đại diện một số NH cho biết không phải chờ đến thông tư này, thiết bị cảm biến phòng chống tội phạm đập phá, trộm cắp tiền từ máy ATM đã được lắp đặt từ lâu. Nhưng trước đây, các NH chỉ lắp ở những nơi có nhiều rủi ro, không có bảo vệ trực 24/24, xa trung tâm, trong khi Thông tư 47 yêu cầu tất cả máy ATM đều phải có. Thiết bị này có thể cảnh báo trong trường hợp có các rung động như xê dịch, đập phá máy ATM; cảm biến nhiệt để tránh hàn xì và cảm biến ánh sáng tránh đối tượng trộm tiền mở cửa két sắt…

Dù vậy, phụ trách hệ thống máy ATM của một NH thương mại cổ phần tại TP HCM cho biết hiện phần lớn các thiết bị này đều nhập từ Trung Quốc chứ chưa có nhà cung cấp nào trong nước đáp ứng được. Thiết bị cảm biến được lắp đặt phải dùng chung nguồn điện với máy ATM nên nguy cơ về cháy nổ, nhất là khả năng có thể xâm nhập vào nguồn dữ liệu từ máy ATM là khó tránh.

“Các KCN-KCX - nơi có hệ thống ATM của nhiều NH được lắp đặt để phục vụ công nhân có thể gặp rủi ro bị trộm tiền. Nhưng khi lắp thiết bị cảm biến chống rung lắc, mỗi lần có xe container chạy ngang là hệ thống báo động kêu ầm ĩ, rất khó để thiết bị này hoạt động hiệu quả” - vị đại diện NH này phản ánh.

Các NH kiến nghị quy định bắt buộc lắp thiết bị cảm biến cho máy ATM chỉ nên áp dụng ở những khu vực có nguy cơ cao bị đập phá, trộm tiền bởi lắp một hệ thống mới sẽ tốn thêm chi phí vận hành, mua sắm thiết bị nhưng hiệu quả chưa rõ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Phương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN