Lập "Ban tham mưu" xử lý nợ xấu, tái cơ cấu NH

Xử lý nợ xấu không còn chỉ là nhiệm vụ của các ngân hàng thương mại, ngân hàng trung ương mà Chính phủ sẽ trực tiếp chỉ đạo thông qua Ban Chỉ đạo liên ngành vừa được thành lập.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định số 363/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” và Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng”. 

Theo đó,  Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh làm Trưởng Ban Chỉ đạo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình là Phó ban chỉ đạo và thành viên của Ban Chỉ đạo là những lãnh đạo chủ chốt của các bộ, ngành liên quan.

Lập "Ban tham mưu" xử lý nợ xấu, tái cơ cấu NH - 1

Tỷ lệ nợ xấu cao trong hệ thống ngân hàng vẫn là mối lo ngại

Một trong những nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp xử lý những vấn đề quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện các đề án tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu.  Đồng thời, tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương xử lý các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành và địa phương trong phạm vi các đề án trên.

Tái cơ cấu ngân hàng chậm trễ và tỷ lệ nợ xấu “khủng” trong hệ thống tài chính đang là những vấn đề khiến ngành ngân hàng “đau đầu”.

Riêng với vấn đề xử lý nợ xấu, lãnh đạo Công ty Quản lý mua bán tài sản (VAMC) cho hay, tính tới hết năm 2013 công ty này đã mua được 39.700 tỷ đồng nợ xấu, tương ứng 31.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt. Dự kiến trong quý I/2014 VAMC sẽ mua 10.000 tỷ đồng nợ xấu nữa. Đáng nói, dù đã 6 tháng kể từ khi các ngân hàng bán nợ cho VAMC, vẫn chưa có nhà băng nào được cho vay tái cấp vốn từ việc chiết khấu trái phiếu đặc biệt. Hiện mức lãi suất tái chiết khấu của VAMC dành cho các khoản nợ đã mua vẫn đang được tính toán để có tỷ lệ lãi phù hợp nhất.

Về chuyện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tuy bước đầu thành công với con số 9 ngân hàng yếu đã được cơ cấu lại trong năm 2013, nhưng quá trình này được đánh giá khá “chậm chạp” và còn nhiều vướng mắc. Lo ngại lớn nhất là những ông chủ tư nhân “núp bóng” phía sau các nhà băng, và chuyện sở hữu chéo khi “con nợ và ông chủ ngân hàng là một”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN