Lãng phí hàng triệu thẻ ATM

Sự dễ dãi trong việc mở và sử dụng khiến hàng triệu thẻ ATM ở Việt Nam trở thành thẻ “rác”, gây lãng phí rất lớn

Theo Hội thẻ Ngân hàng (NH) Việt Nam, đến năm 2015, số lượng thẻ NH trên cả nước đã đạt gần 86 triệu, tăng 30% so với cuối năm 2013. Trong đó, trên 80 triệu thẻ ghi nợ nội địa (ATM), trên 2,5 triệu thẻ tín dụng và một số loại thẻ khác. Số lượng thẻ lưu hành thực tế vào khoảng 63,5 triệu, tức số thẻ “rác” chiếm khoảng 26%. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số NH và các chuyên gia kinh tế, số thẻ “rác” cao hơn rất nhiều, có thể chiếm tới 50% lượng thẻ đã phát hành.

Chủ yếu để rút tiền mặt

Chị Nguyễn Phương Nam (ngụ quận 9, TP HCM) cho biết gần 10 năm trước, khi còn là sinh viên, chị đã có thẻ ATM lúc NH vào trường mở thẻ miễn phí. Đến nay, trong ví chị lúc nào cũng có 3-4 thẻ nhưng thực tế chỉ 2 thẻ thật sự hoạt động. “Nhiều năm nay, tôi không dùng 2 thẻ ATM còn lại nhưng không nhận được thông báo khóa thẻ hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ từ phía NH” - chị Nam băn khoăn.

Trong khi đó, anh Trần Văn Thanh (ngụ quận 2, TP HCM), đang làm việc tại một công ty trong lĩnh vực giao thông, cho biết 5 năm làm việc tại cơ quan này, anh có tới 4 thẻ NH, chưa kể một số thẻ từ thời sinh viên và công ty cũ không sử dụng nên không nhớ hết. Cứ mỗi năm, công ty lại đổi NH phát hành thẻ và nhân viên cũng phải đổi thẻ ATM để nhận lương nên những thẻ trước đó gần như không sử dụng.

“Vài hôm trước, tôi nhận được thông báo từ một NH thương mại quốc doanh về việc khóa thẻ đã không sử dụng từ 2 năm nay. Với thẻ của một NH quy mô khá lớn ở quận 3, tôi cũng không sử dụng. Thẻ này chỉ còn chưa tới 100.000 đồng phí duy trì tài khoản từ nhiều năm nay nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được thông bảo trả lãi cho tài khoản” - anh Thanh kể.

Lãng phí hàng triệu thẻ ATM - 1

Thẻ ATM ở Việt Nam chủ yếu để rút tiền mặt Ảnh: Tấn Thạnh

Hai trường hợp điển hình nêu trên cho thấy lượng thẻ “rác” trên thị trường là rất lớn. Đây là hệ quả của việc một số NH chạy đua phát hành thẻ, nhân viên chạy theo chỉ tiêu mà không quan tâm khách hàng có nhu cầu thực sự hay không. Chưa kể, không ít NH khuyến khích các công ty mở thẻ, chuyển lương qua thẻ dù thực tế, nhân viên những công ty này đang có thẻ ATM của NH khác… Ngay cả việc NH miễn phí phát hành thẻ ATM, miễn phí rút tiền thẻ năm đầu nhưng qua năm sau chủ thẻ dễ dàng chuyển qua NH khác.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ khoảng 20% dân số Việt Nam có tài khoản NH nhưng số lượng thẻ phát hành lên tới 86 triệu, nghĩa là bình quân mỗi người có 3-5 thẻ. Theo thống kê từ Hội thẻ NH Việt Nam, có đến 90% doanh số thanh toán thẻ hiện nay thực hiện trên các máy ATM; trong đó, rút tiền mặt vẫn là chủ yếu với hơn 58%, chuyển khoản 14%..., trong khi thanh toán tại các đơn vị chấp nhận thẻ, qua máy cà thẻ (POS) chỉ 1,07%.

Đại diện tổ chức phát hành thẻ JCB (Nhật Bản) tại Việt Nam nhận xét tiền mặt là công cụ thanh toán được ưa chuộng của phần lớn người dân Việt Nam và đã trở thành thói quen khó thay đổi. Việc thanh toán qua thẻ chỉ hạn chế trong một số dịp nhất định cho các mặt hàng giá trị cao và không thường xuyên.

Siết chặt thẻ “rác”

Việc có quá nhiều thẻ ATM “rác” trên thị trường gây ra sự lãng phí rất lớn cho cả chủ thẻ, NH thương mại và xã hội. Theo phân tích của lãnh đạo một số NH thương mại, chi phí phát hành một thẻ ATM chỉ khoảng vài chục ngàn đồng nhưng NH vẫn phải tốn hàng loạt chi phí khác, như: nguồn lực về công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng để phục vụ. Bởi lẽ, với mỗi thẻ phát hành, NH vẫn phải theo dõi, chăm sóc...

Hiện nay, các NH đang áp dụng một số biện pháp để giảm bớt thẻ “rác”. Chẳng hạn, trong 6 tháng mà thẻ ATM không sử dụng thì xem như tài khoản “chết”, NH sẽ gửi thông báo đến khách hàng để đóng tài khoản. Một số NH áp dụng biện pháp thu phí quản lý tài khoản (bằng cách yêu cầu khách hàng duy trì số dư tài khoản tối thiểu và trừ phí hằng tháng trên số tiền này cho đến khi về 0 đồng thì tự động đóng tài khoản).

“Rất nhiều NH cho rằng cuộc đua phát hành thẻ là chiến lược đúng để mở rộng thị phần, thị trường nhưng thực chất lại tốn kém nhân lực và chi phí mà không hiệu quả khi quá nhiều thẻ không sử dụng. Nhân viên chỉ đáp ứng đủ chỉ tiêu trong khi người được mở thẻ lại không có nhu cầu. Việc này không chỉ gây lãng phí về mặt xã hội mà còn làm cho người ta nhìn nhận chuyện có thẻ ATM quá dễ dàng nên sẵn sàng đổi qua NH khác, biến thẻ ATM thành thẻ “rác” - chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển nhận xét.

Theo một số chuyên gia kinh tế, lúc này, các NH nên quan tâm đến những tiện ích, tính năng liên quan tới tài khoản thẻ ATM, đồng thời tạo thêm những giá trị gia tăng cho chủ thẻ để khách hàng gắn kết hơn với thẻ ATM của NH mình.

Ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính - ngân hàng:

Khách hàng nên chủ động loại thẻ “rác”

Khách hàng không nên mở tối đa quá 3 thẻ ATM khi không có nhu cầu giao dịch và nên đóng bớt những tài khoản cũ. Hiện nay, hầu như thẻ ATM của các NH đều liên minh, liên kết với nhau nên chủ thẻ có thể rút tiền ở bất cứ NH nào và chuyển tiền ngoài hệ thống một cách nhanh chóng.

Ở Mỹ, các NH thương mại thường áp dụng chính sách quản lý tài khoản như yêu cầu khách hàng duy trì số tiền tối thiểu trong thẻ là 1.000 USD và mỗi tháng phải phát sinh một giao dịch tối thiểu (chuyển tiền hoặc nhận tiền). Nếu không có giao dịch trong tháng, NH sẽ trừ phí 12 USD nên người dân thường mở ít tài khoản phù hợp với nhu cầu thực tế. Ngoài ra, để tập cho người tiêu dùng có trách nhiệm hơn, khi thẻ “rác” nhiều quá thì NH thương mại cần kiểm soát việc gia tăng chỉ tiêu phát hành thẻ ATM.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank):

Nên thống kê những thẻ hoạt động thật sự

Khi phát hành thẻ ATM, chắc chắn NH nào cũng muốn thẻ đó được sử dụng. Ở góc độ kinh doanh, các NH luôn muốn tài khoản gắn với thẻ phát sinh giao dịch thường xuyên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thẻ “rác”, chẳng hạn việc ưu đãi nhiều cho khách hàng khác nhau như miễn phí, không duy trì số dư tối thiểu... Ngoài ra, công tác bán chéo sản phẩm, chăm sóc khách hàng không tốt, tiện ích cộng thêm ít nên khách hàng không sử dụng lâu dài.

Vài năm trở lại đây, Sacombank đã chú trọng đến chất lượng phát hành thẻ và chỉ thống kê, tính chỉ tiêu cho chi nhánh những thẻ đã phát hành, hoạt động thật sự. Hiện Sacombank có gần 3,5 triệu thẻ NH nhưng hầu hết đều đang hoạt động. Với những thẻ đã phát hành nhưng quá hạn hoặc không được kích hoạt, thẻ không phát sinh giao dịch liên tục trong 6 tháng thì NH loại khỏi hệ thống và xem như thẻ đã “chết”.

Bà Nguyễn Tú Anh, Tổng giám đốc Công ty CP Chuyển mạch tài chính quốc gIa (Banknetvn):

Cần một thương hiệu thẻ quốc gia

Chúng ta cần một thương hiệu thẻ quốc gia để nâng cao giá trị cho thẻ ATM và hỗ trợ việc thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam phát triển trong thời gian tới. Bởi lẽ, cả nước có hơn 40 NH phát hành thẻ, mỗi NH có một thương hiệu riêng nhưng thương hiệu chung của Việt Nam lại không có, trong khi thẻ tín dụng có Visa, Master, American Express… Hiện nay, NH Nhà nước đang tập trung hóa và chuyên môn hóa ATM của toàn bộ hệ thống NH, kỳ vọng sẽ tạo ra một hạ tầng thanh toán bán lẻ tốt và tạo nên đột phá cho toàn thị trường thanh toán bán lẻ trong thời gian tới.

Để thúc đẩy thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, Bộ Tài chính cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế GTGT - điều mà rất nhiều nước đã làm để khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt.

L.Anh ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN