Làm tổng thống, Donald Trump có được kinh doanh?
Tỷ phú New York Donald Trump đã trở thành vị Tổng thống gốc doanh nhân đầu tiên trong lịch sử Nhà Trắng.
Hiến pháp Mỹ không cấm tân Tổng thống Donald Trump kinh doanh
Tỷ phú New York Donald Trump đã trở thành vị Tổng thống gốc doanh nhân đầu tiên trong lịch sử Nhà Trắng. Tuy nhiên, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi với các tập đoàn, doanh nghiệp mang tên Trump khi ông nắm quyền điều hành nước Mỹ.
Hiện ông Trump đứng thứ 113 trong số các tỷ phú Mỹ và thứ 324 trên bảng xếp hạng tỷ phú thế giới năm 2016 của Tạp chí Forbes và đang rất thành công trong sự nghiệp kinh doanh khi là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc The Trump Organization và sáng lập Trump Entertainment Resorts.
Hiến pháp không cấm kinh doanh
Trong bài phát biểu sau chiến thắng hôm 9/11, ông Trump nói: “Tôi đã dành cả đời làm kinh doanh và nghiên cứu tiềm năng của các dự án trên thế giới. Tôi hiểu rất rõ đất nước của mình…”. Câu nói của Trump khác với tất cả những bài phát biểu mừng chiến thắng của những vị Tổng thống trước đó bởi nó gợi nhắc ông là một tỷ phú, một doanh nhân thành công trước khi là một Tổng thống.
Có một điều chắc chắn khi trở thành Tổng thống, ông Trump sẽ không phải bán bất kỳ một khoản đầu tư hay doanh nghiệp nào của mình, theo CNN. Mặc dù Mỹ có một đạo luật chống xung đột lợi ích tài chính áp dụng với quan chức các cơ quan hành pháp, do lo ngại việc nắm giữ cổ phần tại các tập đoàn tài chính sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Đạo luật khiến giới chức các cơ quan hành pháp không được phép có thu nhập từ việc kinh doanh. Đơn cử như cựu Giám đốc điều hành Goldman Sachs Hank Paulson phải bán hết cổ phiếu công ty của ông trước khi trở thành Bộ trưởng Tài chính Mỹ năm 2006.
Theo Hiến pháp Mỹ mục I, điều II, Tổng thống Mỹ được trao quyền hành pháp, song Quốc hội lại không quy định áp dụng Đạo luật chống xung đột lợi ích tài chính đối với Tổng thống và Phó tổng thống. Theo đó, Tổng thống, Phó tổng thống, Hạ nghị sĩ hoặc Thượng nghị sĩ phải kê khai tài sản, công bố cổ phần tại các công ty, tập đoàn nhưng không bắt buộc phải bán tài sản khi nhậm chức, hoặc không được sở hữu các doanh nghiệp. Do vậy, tỷ phú Donald Trump sẽ không phải bán các doanh nghiệp của ông khi trở thành Tổng thống.
Tuy vậy, rất nhiều ứng viên Tổng thống hoặc Phó tổng thống đã tự loại bỏ khả năng xung đột lợi ích tài chính trước khi gia nhập chính trường. Ví như ứng cử viên Mitt Romney trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2012, hay Nelson Rockefeller cũng hành động tương tự trước khi đảm nhiệm Phó tổng thống Mỹ năm 1974. Đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama tuy không bán cổ phần của mình nhưng lại chọn cách đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ hay thành lập các quỹ.
Vấn đề “đau đầu” của một Tổng thống gốc doanh nhân?
CNN dẫn lời các luật sư từng làm việc với các chính trị gia hàng đầu nước Mỹ như cựu Tổng thống George W.Bush, ứng viên Tổng thống Bob Dole, Ngoại trưởng John Kerry, Thượng nghị sỹ John McCain, Mitt Romney và Thị trưởng New York Michael Bloomberg… đều cho rằng ông Trump sẽ là vị Tổng thống phải chịu nhiều áp lực nhất về khả năng xung đột lợi ích khi cân bằng giữa vị trí Tổng thống với một doanh nhân.
Thật vậy, Trump ở một “tình thế” hoàn toàn khác so với các đời Tổng thống trước khi họ nếu có chăng cũng chỉ sở hữu hoặc có cổ phần trong vài ba doanh nghiệp. Trong khi đó, ông Trump sở hữu tới hơn 500 doanh nghiệp gồm các công ty bất động sản, chuỗi khách sạn, sân golf khắp nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Và hàng loạt câu hỏi đặt ra với Donald Trump khi ông làm Tổng thống: Liệu ông có dàn xếp một thỏa thuận thương mại có lợi với các quốc gia mà ông nắm giữ bất động sản không? Ông có trục lợi từ quỹ đất nhà nước cho dự án sân golf nào đó của ông hay không? Hay ông có phản đối nếu Quốc hội thông qua một đạo luật đối với người nhập cư gây ảnh hưởng tới khách sạn hay nhân viên của ông hay không… Những xung đột lợi ích này không phải là tình huống giả định, nó có thể gây hậu quả thực sự”, CNN nhận định.
“Chắc chắn sẽ là một tình thế vô cùng khó xử với tân Tổng thống. Ông ấy không chỉ “phát điên” với khối lượng công việc, ông ấy sẽ kẹt giữa một loạt những gì mà ông ta sở hữu”, chuyên gia Kenneth Gross, người từng là trợ lý pháp lý cho một số ứng viên tổng thống Mỹ, đối tác của Skadden Arps Slate Meagher & Flom nói.
Trong một phát biểu trước khi thắng cử, ông Trump từng cam kết sẽ không bán các doanh nghiệp của mình. Thay vào đó, ông tuyên bố sẽ giao cho các con và giám đốc điều hành của các công ty mà ông sở hữu, quản lý hơn 500 doanh nghiệp này. Npr.org ngày 9/11 dẫn lời phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết, đến nay, tuyên bố trên của ông Trump vẫn chưa có gì thay đổi. Nói cách khác, ông sẽ không bán tài sản của mình. “Nếu tôi trở thành Tổng thống, không có nghĩa tôi sẽ quan tâm tới các công ty của tôi ít hơn… Tôi có Ivanka, Eric và Don (các con của Trump). Tôi sẽ làm cho nước Mỹ giàu có thêm”, ông Trump nói.
Dự kiến Các vị trí chủ chốt trong chính quyền mới của ông Trump Ông Donald Trump đang chuẩn bị kế hoạch nhân sự cho chính quyền của mình sau khi trở thành tân Tổng thống, theo Reuters ngày 10/11. Theo đó, Thượng nghị sỹ bang Alabama Jeff Sessions, một trong những người ủng hộ trung thành nhất với ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử, được cho là sẽ trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc phòng - Tướng Michael Flynn có khả năng sẽ được chọn vào vị trí Cố vấn An ninh quốc gia. Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vừa qua của ông Trump, ông Flynn đóng vai trò hết sức quan trọng, là người phát ngôn dẫn dắt tại các cuộc vận động và tư vấn về các vấn đề ngoại giao. Hạ nghị sỹ Newt Gingrich hoặc Thượng nghị sỹ Bob Corker (người phụ trách Quan hệ đối ngoại của Thượng viện) nhiều khả năng sẽ được chọn làm Ngoại trưởng. Trước đó, cả hai người được dự tính cho vị trí Phó tổng thống. Cũng theo nguồn tin này, Chủ tịch Ủy ban quốc gia đảng Cộng hòa Reince Priebus, một cố vấn tin cậy của ông Trump được cân nhắc làm Tham mưu trưởng Văn phòng Tổng thống. Trong khi Phó chủ tịch của ủy ban này Sean Spicer có khả năng được chọn làm Thư ký báo chí Văn phòng Tổng thống. Richard Grenell, cựu phát ngôn viên của Mỹ tại Liên hợp quốc, được dự kiến cho chức Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc. Khả Ngân |