Lạm phát thấp chỉ mang tính tạm thời
Nếu nới lỏng chính sách tiền tệ quá mức thì nguy cơ sẽ lại làm bùng nổ lạm phát vào những năm tiếp theo.
Lạm phát liên tiếp âm trong 2 tháng, tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế ở mức thấp là những đặc điểm cơ bản nhất của bức tranh kinh tế Việt Nam trong 7 tháng đầu năm. Vì vậy, giải pháp nào cho kinh tế những tháng cuối năm sáng sủa hơn là vấn đề đang được Chính phủ hết sức quan tâm.
Tổng cầu chạm đáy
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cả 2 yếu tố tổng cung, tổng cầu của nền kinh tế đều rất yếu. Đối với tổng cung, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lo ngại là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng rất thấp, chỉ đạt 4,3%. Đối với tổng cầu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng 18,7% so với cùng kỳ, nếu trừ trượt giá chỉ còn tăng 6,74%. Kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và xuất khẩu vẫn tiếp tục giảm: thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu giảm 6,9%; xăng dầu giảm 8,7%. Tính chung, tổng kim ngạch nhập siêu 7 tháng đầu năm đạt khoảng 58 triệu USD, bằng 0,09% tổng kim ngạch xuất khẩu và là mức thấp kỷ lục so với mức bình quân khoảng 9 tỉ USD trong cùng giai đoạn ở nhiều năm trước.
Cần hạn chế hạ lãi suất quá nhanh vì sẽ gây khó khăn cho NH thương mại và tránh gây biến động tỉ giá.
Ủy ban này cũng nhận định hiện tượng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm trong 2 tháng liên tiếp là dấu hiệu rất đáng quan tâm. Tuy nhiên, lạm phát giảm thấp chủ yếu dựa vào các yếu tố bên ngoài như giá lương thực, thực phẩm, xăng dầu. Do đó, lạm phát thấp sẽ chỉ mang tính tạm thời. Với xu hướng tăng giá hàng hóa trên thị trường quốc tế cũng như áp lực lạm phát nhập khẩu từ Trung Quốc vào quý IV, nhiều khả năng CPI sẽ tăng lại vào những tháng tới đây và lạm phát cả năm dự báo khoảng 5%. Thậm chí, nếu nới lỏng chính sách tiền tệ quá mức thì nguy cơ sẽ lại làm bùng nổ lạm phát vào những năm tiếp theo.
Tín dụng vẫn khó tăng trưởng
Tăng trưởng dư nợ tín dụng từ đầu năm đến nay rất thấp, gần như bằng 0 nên sẽ rất khó khăn để đạt mức tăng trưởng tín dụng 8% - 10% cả năm 2012. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang triển khai hàng loạt giải pháp giảm lãi suất, kể cả đối với các khoản vay cũ, nhằm nỗ lực đưa vốn vào sản xuất. Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết việc triển khai giảm lãi suất khoản vay cũ được triển khai rất nhanh chóng.
Số liệu báo cáo của 35 tổ chức tín dụng (chiếm 70,7% thị phần tín dụng) cho thấy dư nợ cho vay bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức lãi suất dưới 10% chiếm tỉ trọng 1,9%, cho vay mức lãi suất từ 10% - 13% chiếm tỉ trọng 15%. Riêng dư nợ cho vay đối với các khoản vay trung, dài hạn thuộc lĩnh vực ưu tiên, các khoản vay sản xuất kinh doanh khác và tiêu dùng với mức lãi suất trên 13% - 15% chiếm tỉ trọng 50,3%. Lãi suất trên 15% chỉ còn chiếm tỉ trọng 32,8%, giảm mạnh so với con số 65,3% trước ngày 15-7. Vietcombank, BIDV và Vietinbank có tỉ trọng dư nợ các khoản vay với lãi suất trên 15% ở mức rất thấp, lần lượt là 2,2%; 4,8% và 5,7%. Riêng Agribank còn khoảng 50% dư nợ có lãi suất trên 15%, chủ yếu là các khoản cho vay tiêu dùng cá nhân.
Thận trọng trong việc hạ lãi suất Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, trong bối cảnh vẫn chưa có giải pháp rõ ràng cho vấn đề nợ xấu thì khả năng khơi thông tín dụng trong những tháng tới vẫn sẽ rất khó khăn và dự báo chỉ đạt mức tối đa 8% cho cả năm nay. Ủy ban này kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước theo tinh thần của Nghị quyết 13/NQ-CP. Đồng thời, NHNN cần cân nhắc thận trọng trong việc hạ lãi suất điều hành vì dư địa giảm lãi suất đang được thu hẹp. Cần hạn chế hạ lãi suất quá nhanh vì sẽ gây khó khăn cho NH thương mại và tránh gây biến động tỉ giá. Vấn đề nợ xấu đang là rào cản lớn nhất trong việc khơi thông tín dụng và hạ mặt bằng lãi suất. Một khi vấn đề này chưa được giải quyết thì những giải pháp khác của chính sách tiền tệ được đưa ra sẽ đem lại rất ít hiệu quả. |