Lạm phát 2013 có thể trên mức 8,8%

Kịch bản đối với kinh tế Việt Nam, theo báo cáo kinh tế vĩ mô được Ủy ban Kinh tế Quốc hội dẫn lại, có thể là 7,32%-8,84% với lạm phát và 4,92% với tăng trưởng.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội dẫn báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô cho rằng, trong trường hợp kiên định mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô trong toàn bộ giai đoạn 2013-2015, nhiều khả năng kịch bản tăng trưởng thấp sẽ xảy ra. Dự báo, GDP năm 2013 sẽ 4,92%, năm 2014 là 5,17% và 2015 là 5,33%.

Với lạm phát, trong trường hợp ít có biến động mạnh về điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, cú sốc giá năng lượng, hàng hóa trên thị trường thế giới, lạm phát năm 2013 khoảng 7,32%. Song nếu có biến động đáng kể như tăng tỷ giá, nới lỏng chính sách tín dụng, đầu tư công, giá điện, than, xăng dầu, dịch vụ y tế tăng mạnh… thì lạm phát có thể cận trên 8,84%. Còn năm 2014 và 2015, dự báo lạm phát ở mức 7,81% và 8,4%.

Dưới góc nhìn của các chuyên gia, tổ chức khác, lạm phát 2013 của Việt Nam nằm trong khoảng 6-8%, trong đó ANZ cho rằng, mức này là 6-8%, ADB dự báo 7,5%, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra con số dự báo là 6-7%.

Lạm phát 2013 có thể trên mức 8,8% - 1

Kịch bản lạm phát cao, tăng trưởng thấp có thể diễn ra đối với kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2013-2015.

Trong ngắn hạn, theo khuyến nghị từ Ủy ban Kinh tế, chính sách tiền tệ vẫn cần được điều hành theo hướng thận trọng, củng cố dự trữ ngoại hối bằng việc mua vào ngoại tệ đúng lúc, nâng cao hiệu quả cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Về tài khóa, theo cơ quan này, cần phải ưu tiên thanh toán nợ đọng từ các công trình đầu tư công để giảm thiểu hậu quả của nợ xấu, giải quyết dự án dang dở, tăng cường minh bạch hóa chi phí giá thành điện, nước, xăng dầu… Kết hợp với 2 chính sách tiền tệ và tài khóa là tăng cường chi cho an sinh xã hội, đặc biệt với người nghèo.

Trong trung hạn từ năm 2013 đến 2015, việc giám sát lạm phát cần được thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần được thực hiện quyết liệt, bằng cách yêu cầu  các nhà băng trích lập dự phòng rủi ro, tránh “lãi giả lỗ thật”, song song với giảm nợ xấu và vận hành hiệu quả công ty quản lý nợ xấu (VAMC). Việc hạn chế tối đa các công cụ hành chính trong điều hành chính sách tiền tệ, quản lý tín dụng, tỷ giá… cũng được cơ quan này khuyến cáo, và cho rằng cần làm trong giai đoạn trung hạn 2013-2015.

Về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước sau 6 tháng đầu năm 2013, báo cáo của Ủy ban Kinh tế đánh giá, quá trình này còn quá chậm. Điển hình, chỉ có 10 doanh nghiệp Nhà nước, chủ yếu là những đơn vị có quy mô nhỏ, được cổ phần hóa, còn hầu hết các đơn vị có quy mô vừa, lớn đều xin lùi đến năm 2015. Đây là tín hiệu bất lợi với những nỗ lực đẩy nhanh tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Với các doanh nghiệp Nhà nước, Ủy ban Kinh tế cho rằng cần đẩy mạnh tái cơ cấu, thực hiện lộ trình xóa bỏ dần bù lỗ và chuyển sang cơ chế thị trường, giảm bớt tính độc quyền, tái cơ cấu mạnh mẽ tập đoàn Điện lực (EVN), đẩy nhanh tái cơ cấu đầu tư công, thu hút FDI hiệu quả…  

Một trong những yếu tố quan trọng khiến cho vấn đề kích cầu nên được xem xét, đó là câu hỏi về tính hiệu quả, hiệu lực của chính sách trong bối cảnh các nhóm lợi ích có khả năng tác động theo hướng có lợ cho bản thân, bất chấp tác hại với quốc gia lên khâu thiết kế, thực thi chính sách. Ví dụ điển hình báo cáo này đưa ra, chính là những cuộc tranh luận nảy lửa liên quan đến việc có hay không “giải cứu” thị trường bất động sản, lấn át cả những mối quan ngại về sự suy giảm trong lĩnh vực nông nghiệp – nơi có nhiều người nghèo, thu nhập thấp làm việc. Do đó, việc kích cầu nền kinh tế, theo báo cáo này, cần phải được thực hiện thận trọng, nếu không sẽ tạo ra những hệ lụy lâu dài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh (Tri Thức Trực Tuyến)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN