Lãi vay vẫn đè doanh nghiệp

Cùng cạnh tranh trên một thị trường, doanh nghiệp nước ngoài vay vốn ngân hàng với lãi suất chỉ 2%-3%/năm, còn doanh nghiệp Việt Nam ở mức 9%-10% thì sản phẩm không bao giờ đua chen được

Năm 2014 ghi nhận sự chuyển động khá tích cực trong chính sách tiền tệ khi lãi suất ngân hàng (NH) giảm, tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đề ra là 13%/năm. Song, mức độ giảm giá vốn như vậy đã phù hợp với sự “xuống thang” của lạm phát cũng như xu hướng giảm giá mạnh mẽ của một số yếu tố đầu vào cho sản xuất hay chưa, hiện vẫn còn nhiều tranh luận.

Chỉ giảm nhỏ giọt

Ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi, Chế biến và Xuất nhập khẩu (Aprocimex) - cho biết bước sang năm 2015, chỉ có VietinBank là NH duy nhất thông báo giảm lãi suất cho vay từ 9%/năm xuống 8,7%/năm, các NH khác chưa có động thái điều chỉnh. Lãi suất Aprocimex vay vốn của Agribank vẫn ở mức 9%-10%/năm.

Theo ông Lý, nhiều thành viên khác của Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ Việt Nam cũng đang phải chịu lãi suất vay vốn NH lên đến 12%/năm, còn mức phổ biến là 8,9%-10%/năm. “NH cứ nói lãi suất giảm mạnh nhưng đó là so với mức 18%-20%/năm của những năm trước, còn vốn cho sản xuất, kinh doanh mà lãi suất 9%-10%/năm thì quá cao, không thể nói là thấp. Cùng cạnh tranh trên một thị trường, DN nước ngoài chỉ vay lãi suất 2%-3% thôi, DN Việt Nam vay cao như thế thì sản phẩm không bao giờ đua chen được” - ông Lý bức xúc.

Lãi vay vẫn đè doanh nghiệp - 1

Nhiều doanh nghiệp vẫn vay vốn ngân hàng với mức lãi suất phổ biến 9%-10%/năm. Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Lý cho rằng lãi suất cho vay của NH giảm chậm và mức độ chưa tương ứng với giảm lãi suất huy động. Trong khi lãi suất huy động giảm nhanh và công bố rộng rãi thì lãi suất cho vay không biết khi nào giảm, nếu có cũng chỉ nhỏ giọt. Trước đây, lãi suất phải nương theo lạm phát nhưng hiện nay, lạm phát của Việt Nam đã ngang bằng thế giới nhưng lãi suất cho vay vẫn cao gấp 2 đến 3 lần.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ - NH Nhà nước, năm 2014 mặt bằng lãi suất đã giảm 1,5%-2% so với cuối năm 2013. Trong đó, lãi suất huy động giảm 1,5%-2%, lãi suất cho vay giảm khoảng 2%, đưa mặt bằng lãi suất trở về mức thấp hơn giai đoạn 2005-2006. Lãi suất các khoản vay cũ cũng tiếp tục giảm, dư nợ cho vay bằng VNĐ có lãi suất trên 15% chỉ chiếm khoảng 3,9% tổng dư nợ; lãi suất trên 13%/năm đã giảm xuống còn 10,65% thay vì tỉ trọng 19,72% như cuối năm 2013.

Chưa theo thị trường

TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Trung tâm Đào tạo NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhìn nhận NH đóng vai trò rất quan trọng cho nền kinh tế. Tổng tài sản của hệ thống NH chiếm 80,5% thị trường tài chính, có nghĩa 80% nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh là từ NH. Khi tín dụng tăng trưởng 1% thì GDP tăng thêm 0,127%. Nếu như tín dụng bơm vào nền kinh tế 10% thì GDP tăng trưởng thêm 1,3%.

“Đã đến lúc NH Nhà nước cần bỏ trần lãi suất đã duy trì 3-4 năm nay do giải pháp hành chính này không còn có tác dụng. Các NH không còn hiện tượng cạnh tranh lãi suất vô lối nhưng cũng phải đồng thuận với nhau hơn để tiếp tục giảm lãi suất cho DN từ 0,5% đến 1%. NH Nhà nước cũng nên xem xét giảm tiếp lãi suất” - ông Lực đề xuất.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhận định lạm phát thấp như năm 2014 là cơ hội rất tốt để thay đổi nhiều thứ nhưng phản ứng giảm lãi suất VNĐ quá chậm và cứng nhắc. Tăng trưởng tín dụng cũng chưa thật sự theo thị trường vì mức tăng trong các tháng chênh lệch rất lớn. Những tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng rất thấp, đến tháng sau tăng vọt lên rồi lại giảm đột ngột. Thị trường không phản ứng đột ngột như vậy, bao giờ cũng phải có thời gian để dịch chuyển.

“Nhìn vào lãi suất ngoại tệ có thể thấy khá thấp và tăng trưởng tín dụng tương đối ổn định, trong khi tín dụng VNĐ chạy chậm và lãi suất cao hơn nhiều, chứng tỏ giá đồng tiền có vấn đề. Như vậy, DN không đến mức quá yếu mà là do lãi suất quá cao so với sức khỏe và khả năng chịu đựng của DN” - TS Cung phân tích.

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, xét ở góc độ lời hứa của Thống đốc NH Nhà nước thì giảm lãi suất đã thực hiện đúng. Song, chính sách tiền tệ chưa trở thành công cụ, động lực cho nền kinh tế. Vì không giống các nền kinh tế khác - có ngân hàng trung ương độc lập hoạt động theo luật, NH Nhà nước là thành viên Chính phủ, bên cạnh thiên chức bảo vệ giá trị đồng tiền lại có chức năng đầu tư nên bị giằng xé giữa cung tín dụng ra thị trường và lãi suất huy động. Hai nhiệm vụ này luôn phải cân bằng.

TS Kiên cho rằng đây cũng là lý do khiến giá vốn của Việt Nam vẫn đắt. Chỉ khi hạ được lãi suất huy động còn tương đương hoặc nhỉnh hơn một chút so với các nước trong khu vực, tức 3%/năm, còn lãi suất cho vay 4,5%-5% thì khi đó, cộng với những yếu tố thuận lợi về tự nhiên, nhân công rẻ…, sản phẩm Việt mới có tính cạnh tranh cao.

Ưu đãi chưa đủ để cạnh tranh

Ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường Biên Hòa, cho biết ngành mía đường được vay vốn NH với mức lãi suất thấp hơn mặt bằng chung. Theo ông, hai yếu tố có thể giúp ngành mía đường tiếp cận lãi suất ưu đãi là hoạt động nông nghiệp và có bề dày, quan hệ tín dụng với NH tốt. “Nhiều DN được vay lãi suất ưu tiên, với đa số DN mía đường thì mức phổ biến là 6%-8%/năm. So với mặt bằng lãi suất chung thì mức này thấp hơn nhiều DN khác nhưng cũng khó cạnh tranh với DN nước ngoài, ví dụ Thái Lan” - ông khẳng định.

Theo ông Lộc, đặc thù của ngành mía đường là chi phí nhiên liệu chiếm đến 80%, trong khi vốn cho trồng mía nguyên liệu không dễ giảm. Cụ thể, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ nông dân vay vốn trồng mía với lãi suất thấp nhưng thực tế không giải ngân được vì NH sợ rủi ro. Nông dân không có tài sản thế chấp, chỉ trông vào mía thì rủi ro rất cao, không đủ điều kiện vay vốn.

“Thông thường, DN mía đường phải đi vay NH rồi cho nông dân vay lại để trồng mía bán nguyên liệu cho DN. Như vậy, giá vốn cho sản xuất nguyên liệu mía vẫn cao. Ở Thái Lan, người ta hỗ trợ bằng nhiều cách, trong đó có thông qua lãi suất rẻ để nông dân mua giống, phân bón, nông cụ trồng mía nên chi phí nguyên liệu rất rẻ. Đối với mỗi ký đường, chi phí nguyên liệu chiếm tới 80% nên họ thắng về giá là như vậy” - ông Lộc phân tích.

Cần nỗ lực từ hai phía

Lãi suất phụ thuộc vào nhiều vấn đề, trong đó quan trọng là lạm phát. Nếu lạm phát giảm thì lãi suất được kéo xuống. Lạm phát của Việt Nam 3 năm qua đã giảm mạnh. Mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam là giảm xuống nhưng cũng ở mức vừa phải để kích thích sản xuất vì nước ta đang trong quá trình phát triển. Lãi suất phải có tác dụng kích thích nguồn vốn đi vào sản xuất, kinh doanh.

Đối với nền kinh tế nước ta, muốn giữ tốc độ tăng trưởng khoảng 6% như vừa hồi phục thì phải kiểm soát được lạm phát ở mức 3%-4%, dư nợ tín dụng tăng hợp lý. Cho nên, cần phải có giá vốn hợp lý để đưa vốn lưu thông ra thị trường, đầu tư vào sản xuất. Lãi suất cao quá không cho vay được, vốn sẽ nằm trong ngân hàng, nền kinh tế sẽ rất khó khăn.

Hiện nay, các NH thương mại đã có nhiều đợt giảm lãi suất nhưng mức cho vay sản xuất, kinh doanh phổ biến 7%-10% là vẫn cao so với khu vực. Từ 3 năm nay, tình hình kinh tế khó khăn, số DN phá sản, ngừng hoạt động chưa giảm nên số DN đạt được mức lợi nhuận 10% là không nhiều.

Cần phải có nỗ lực của cả hai phía là NH và DN. DN phải cắt giảm chi phí nhân sự, bán hàng… để giảm chi phí đầu vào, từ đó giảm giá thành sản xuất. Về phía NH, dư địa giảm lãi suất huy động không còn nhiều vì về nguyên tắc phải duy trì được lãi suất thực dương, nên cần phải giảm chi phí quản trị, chi phí nội bộ.

TS Cao Sỹ Kiêm(Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia)

Hút vốn từ thị trường chứng khoán

Tôi cho rằng năm 2015, cần phải có chính sách kích hoạt thị trường chứng khoán để huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh, thay vì trông chờ vào vốn tín dụng. Bởi lẽ, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh rồi, chính sách thuế đã miễn, giảm gần như tối đa.

Có thể thấy rằng năm 2015, giải pháp hỗ trợ DN không còn dư địa về thuế, chỉ còn lãi suất. Nhưng dư địa giảm lãi suất cũng ít vì phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong đó có tâm lý người gửi tiền tiết kiệm, nếu lãi suất thấp quá thì dòng tiền buộc phải chuyển, ảnh hưởng đến tính thanh khoản của hệ thống NH.

Hiện nay, khả năng thu hút vay vốn NH cũng hạn chế vì sản xuất khó khăn. Điều quan trọng, phần lớn DN là động lực cho tăng trưởng vẫn đang ở giai đoạn tái cơ cấu, sắp xếp, chuyển đổi. Trong giai đoạn thực hiện cổ phần hóa, DN phải có thời gian định hướng lại, thay đổi công nghệ… nên sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng sản xuất. Đó cũng là yếu tố làm sản xuất chậm lại.

Vì vậy, nên tranh thủ cơ hội đẩy mạnh cổ phần hóa DN nhà nước để thu hút vốn qua thị trường chứng khoán bằng các giải pháp giảm thuế, thậm chí miễn thuế cho cả DN và nhà đầu tư. Để nền kinh tế phát triển tốt, phải huy động được nguồn lực từ thị trường chứng khoán với giá vốn rẻ chứ không phải từ NH.

Ông Đinh Văn Nhã (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN