Lãi suất VND giảm, DN vẫn thích vay USD

Lãi suất cho vay VND được nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm để kích thích tín dụng, nhưng áp lực lãi vay vẫn còn quá sức đối với doanh nghiệp, nên USD được lựa chọn nhiều hơn, nhất là khi tỷ giá khó biến động mạnh.

Phó tổng giám đốc HDBank, ông Phạm Thiện Long cho biết, nhu cầu vốn của doanh nghiệp có giảm so với trước, nhưng với các nhà sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu có dự án kinh doanh tốt vẫn muốn sử dụng vốn vay. Tuy nhiên, lãi suất tiền đồng đòi hỏi phải được điều chỉnh giảm thêm. Do đó, nhu cầu vay ngoại tệ của doanh nghiệp, nhất là với các nhà xuất khẩu vẫn cao. Bởi vay USD, các doanh nghiệp chỉ phải trả lãi suất khoảng 1/3, hoặc cao nhất cũng chỉ bằng 1/2 so với lãi vay tiền đồng.

Nhưng với các quy định hiện hành về việc siết tín dụng ngoại tệ, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận được vốn vay bằng USD. Đáng chú ý, Thông tư 03/2012/TT-NHNN khi đi vào thực tiễn (cuối năm 2012) sẽ chỉ cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu USD.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, quyền Tổng giám đốc OCB, nhu cầu vốn của doanh nghiệp luôn có, song trước diễn biến thị trường còn khó khăn, sức mua giảm và lãi suất vẫn là rào cản nên các nhà sản xuất - kinh doanh không mặn mà với việc sử dụng vốn vay. Mặt khác, trước môi trường kinh doanh khó khăn, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được các điều kiện tín dụng ngân hàng đưa ra.

Tuy nhiên, với vốn bằng ngoại tệ, nhu cầu của doanh nghiệp vẫn cao. Sở dĩ các doanh nghiệp chọn vay USD, thay vì tiền đồng, dù lãi suất tiền đồng đang trên đà giảm, là ngoài việc giảm được chi phí trong hoạt động thì tỷ giá được dự báo khó có biến động mạnh.

Vì thế, OCB đã nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn giá rẻ bằng ngoại tệ từ các định chế tài chính nước ngoài để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Cụ thể, trong ngày 24/5, OCB đã ký hợp đồng tín dụng 25 triệu USD với IFC và BNP Paribas. Ông Tùng cho biết, OCB sẽ triển khai cho vay khoản vốn trên đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ và nguồn vốn này được tài trợ cho khách hàng là các nữ doanh nhân, cho vay bằng VND hoặc ngoại tệ.

Lãi suất VND giảm, DN vẫn thích vay USD - 1

Tỷ giá ổn định là lý do khiến doanh nghiệp thích vay vốn bằng USD

Lãi suất cho vay vốn bằng ngoại tệ hiện nay của OCB là 6%/năm, còn lãi suất tiền đồng vẫn ở mức 17%/năm. Do đó, việc chọn vay USD là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp. Tất nhiên, không phải khách hàng nào cũng có thể tiếp cận được nguồn vốn vay bằng ngoại tệ. OCB chọn lọc khá kỹ khách hàng vay vốn để hạn chế tối đa rủi ro nợ xấu.

Lãnh đạo một ngân hàng TMCP khác cho biết: “Ngân hàng chúng tôi cũng tập trung vốn ngoại tệ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu có nguồn thu bằng USD. Đồng thời, nếu khách hàng cam kết bán lại ngoại tệ cho ngân hàng thì lãi suất sẽ được ưu đãi hơn”. Theo vị lãnh đạo ngân hàng này, tăng trưởng dư nợ tín dụng trong những tháng đầu năm nay không mấy thuận lợi. Mặt bằng lãi suất đang trên đà giảm dần, thậm chí còn về dưới mức trần 15%/năm, song với khách hàng hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, có “sức khỏe” tốt và có dự án khả thi không muốn sử dụng vốn vay bằng tiền đồng.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank nhận xét, với doanh nghiệp xuất khẩu, khi có nhu cầu vốn đều vay bằng USD, nếu có nguồn ngoại tệ trả nợ.

Tổng giám đốc ACB, ông Lý Xuân Hải cho hay, khi lãi suất tiền đồng tăng thì người vay VND giảm. Ngược lại, người gửi ngoại tệ giảm thì khách hàng doanh nghiệp vay USD lại dần tăng lên.

“Tín dụng bằng ngoại tệ tại ACB thời gian qua cũng rất tốt. Hiện lãi suất cho vay vốn bằng USD của ACB là 6%/năm. Tuy nhiên, ACB hạn chế trong cho vay ngoại tệ. Bởi tỷ giá biến động, dù ít cũng có rủi ro cho doanh nghiệp”, ông Hải nói.

Chính vì nhu cầu vốn ngoại tệ của doanh nghiệp ở mức cao, nhất là trước áp lực lãi suất tiền đồng đã thôi thúc các nhà băng phát hành trái phiếu quốc tế huy động ngoại tệ để phát triển tín dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Phát biểu tại ĐHCĐ Sacombank ngày 26/5, ông Trần Xuân Huy, thành viên HĐQT Sacombank cho biết, trước tình hình huy động vốn ngày càng khó và tình trạng rút tiền trước hạn của khách hàng hiện nay, Sacombank lên kế hoạch phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế trong năm 2012 để phục vụ cho kế hoạch kinh doanh.

Tỷ giá USD/VND niêm yết tại các NHTM có chiều hướng nhích nhẹ so với tháng trước, do lãi suất tiền đồng dự báo giảm, doanh nghiệp bắt đầu nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, nhưng tỷ giá được dự báo khó có thể biến động mạnh từ nay đến cuối năm.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, sở dĩ ngoại tệ có dấu hiệu tăng giá nhẹ gần đây là do nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng. Đồng thời, lãi suất VND giảm và dự báo sẽ giảm tiếp trong thời gian tới cũng góp phần làm cho tỷ giá tăng lên. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, tỷ giá sẽ khó có thể tăng đột biến trong nửa cuối năm, dù thời điểm cuối năm, nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp để nhập khẩu và trả nợ vay ngân hàng được cho là sẽ tăng cao.

“Tỷ giá chỉ có thể tăng 1 - 2% trong năm nay. Do đó, các nhà xuất khẩu mới chọn vay ngoại tệ, vì phần nào dự đoán được tỷ giá khó biến động mạnh”, ông Nghĩa nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Vinh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN