Lãi suất tiền gửi vào mùa tăng

Làn sóng tăng lãi suất ở thị trường 1 vẫn tiếp tục lan rộng khi số lượng các ngân hàng thương mại thông báo điều chỉnh tăng lãi suất huy động đang tăng lên. Tháng 12 này luôn được xem là yếu tố mùa vụ khi tổng phương tiện thanh toán trong xã hội tăng mạnh, nhu cầu quay vòng vốn của doanh nghiệp cũng đảo nhanh.

Theo biểu lãi suất huy động mới nhất của Ngân hàng Á Châu - ACB, từ ngày 19/11, tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đang được điều chỉnh tăng 0.2% so với trước lên mức 6.1%/năm. Ngân hàng MB tăng lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn 1 tháng lên 4.7% mỗi năm, 3 tháng lên 5.3% mỗi năm, 6 và 9 tháng lên 6% mỗi năm,... (cao hơn 0.1 – 0.2% so với đợt trước). VPBank, lãi suất kỳ hạn 6-12 tháng được tăng thêm 0.5% lên mức 7.7 – 7.8% mỗi năm. 

Vietcombank tăng lãi suất thêm 0.1 – 0.3% ở một số kỳ hạn ngắn. Vietcombank tăng mạnh lãi suất ở kỳ hạn 3 tháng, theo đó tăng thêm 0.2% lên mức 5% mỗi năm. Các kỳ hạn dưới 3 tháng cũng tăng thêm 0.1%, lên 4.5% một năm. Tương tự, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV cũng tăng lãi suất huy động tiền đồng 0.1-0.2% ở lần lượt kỳ hạn 1 tháng lên 4.5% một năm, 3 tháng lên 5% mỗi năm, 12 tháng lên 6.8% một năm. 

Lãi suất tiền gửi vào mùa tăng - 1

Làn sóng tăng lãi suất ở thị trường 1 vẫn tiếp tục lan rộng khi số lượng các ngân hàng thương mại thông báo điều chỉnh tăng lãi suất huy động đang tăng lên. Tuy nhiên, mức độ điều chỉnh ở từng ngân hàng khác nhau nên chênh lệch lãi suất huy động giữa các ngân hàng thương mại (NHTM) là khá lớn.

Bản thân nhóm 4 NHTM nhà nước cũng có sự chênh lệch tùy vào từng kỳ hạn huy động. Việc đẩy mạnh tín dụng của các NHTM vào tháng cuối năm và điều hành cung tiền chặt chẽ của NHNN sẽ khiến cho nhu cầu thanh khoản của hệ thống NHTM tiếp tục căng thẳng, lãi suất sẽ vẫn chịu áp lực tăng trong tháng 12/2018.

"Nhu cầu quay vòng vốn và nhập khẩu hàng của các doanh nghiệp trong nước sẽ tăng mạnh trong tháng cuối năm này. Đây là yếu tố mang tính mùa vụ và theo thông lệ, chắc chắn các NHTM phải nâng lãi suất VND để hút tiền về cho vay ngắn hạn. Tôi dự đoán, lãi suất VND sẽ còn tăng nhẹ thêm trong tháng này", một chuyên gia ngân hàng nhìn nhận. 

Dù vậy, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất huy tiếp tục  đi ngang, dao động từ 4.8-5.0% cho kỳ hạn 1 tuần đến 1 tháng. Kỳ hạn qua đêm duy trì ở mức 4.7-4.8% trước khi giảm mạnh về 4.5% khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện bơm ròng tiền vào hệ thống sau cả tuần hút ròng.Hành động bơm ròng của NHNN sẽ nhiều khả năng giảm bớt trong trung hạn và NHNN đang tiếp tục quay trở lại hút ròng. 

Trên thị trường ngoại tệ, nhiều yếu tố hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá USD/VND. Đối với tỷ giá USD/VND, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng 7đ/USD, lên mức 22.750 nhưng tỷ giá thị trường ngân hàng giảm 35đ/USD ở cả 2 chiều mua-bán, về mức 23.275/23.365. Tỷ giá tự do không đổi ở mức 23.405 đồng - 23.420 đồng (mua - bán). Áp lực đối với tỷ giá tạm thời được giải tỏa khi NHNN thực hiện bán ngoại tệ kỳ hạn trong 2 phiên 23 và 26/11/2018 trước đó. Ngoài ra, chênh lệch lãi suất VND - USD duy trì ở mức cao, những thông tin tích cực của tình hình vĩ mô trong nươc (chỉ số lạm phát tháng 11 giảm 0.29%) cùng với dấu hiệu xuống thang của cuộc chiến Mỹ - Trung cũng góp phần hỗ trợ ổn định tỷ giá USD/VND.

Còn trong nước, sau đà xuất siêu mạnh liên tiếp 10 tháng đầu năm, cập nhật mới nhất từ Tổng cục Hải quan, sơ bộ tình hình xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 11 này cho thấy nhập siêu đã trở lại; cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2018 (từ 1 - 15/11) đã có mức thâm hụt 414 triệu USD. Chính điều này tạo áp lực lên đồng VND trong thời gian tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền ([Tên nguồn])
Ngân hàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN