Lãi suất tiền gửi USD kém VND 5%: Lợi khi gửi tiền đồng
Với quyết định hạ lãi suất tiền gửi USD về 0,25%/năm (đối với cá nhân) và 0% (với doanh nghiệp), chênh lệch lãi suất VND/USD là trên 5% - đủ hấp dẫn cho người gửi tiền đồng trong khi lạm phát hiện chưa đến 1%.
Hướng lợi cho tiền đồng
Ngân hàng Nhà nước vừa có động thái . Theo đó, lãi suất huy động USD giảm 0%/năm đối với doanh nghiệp, còn cá nhân gửi chỉ được hưởng 0,25%/năm, áp dụng từ 28.9. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, với chính sách này, Ngân hàng Nhà nước đã trực tiếp nới chênh lệch lãi suất huy động USD với lãi suất VND theo hướng có lợi hơn cho đồng nội tệ, qua đó muốn tác động ổn định đến tỷ giá. Lãi suất VND đã chênh so với USD tới 5% sau khi chính sách này ban ra.
“Như vậy, người gửi tiền có thể chuyển đổi USD sang VND để gửi ngân hàng và hưởng lãi suất cao hơn, phù hợp với tuyên bố của ngân hàng là việc áp trần lãi suất USD như vậy là để ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ” - ông Long nói.
TS.Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho rằng, quyết định hạ lãi suất USD của Ngân hàng Nhà nước tạo thêm lợi thế cho VND và tạo điều kiện để kiểm soát tỷ giá. Bởi lẽ, với quyết định này, vị thế VND tiếp tục được khẳng định, tỷ giá sẽ dao động phù hợp và được kiểm soát trong biên độ định hướng.
“Tôi nói đơn giản thế này, kéo lãi suất USD xuống sẽ làm cho lãi suất USD rất thấp so với lãi suất tiền đồng. Bây giờ, nếu một doanh nghiệp hay người dân có USD, họ lấy USD bán đi xong gửi bằng tiền đồng thì họ sẽ được hưởng lãi suất là 5 – 6%/năm, còn hơn là gửi ngoại tệ với lãi suất 0% hoặc 0,25%/năm. Điều này sẽ giúp cung USD tăng nhiều lên và qua đó sẽ làm cho tỷ giá càng thêm ổn định” - ông Phước nhận định.
Còn theo phân tích của TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên chương trình Fulbright - chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thì với lãi suất tiền gửi USD giảm đi, trong khi lãi suất tiền gửi VND có xu hướng tăng nhẹ trong thời gian gần đây thì người dân hay doanh nghiệp sẽ chuyển từ gửi USD sang gửi tiền đồng, hoặc đầu tư vào các sinh lời khác như chứng khoán, bất động sản hay vàng…
Chờ phản ứng thị trường
Trên đây chỉ là những phân tích mang tính kỹ thuật, chắc chắn việc hạ lãi suất tiền gửi USD của ngân hàng còn phải chờ đợi và xem xét phản ứng thực tiễn của thị trường. Nhưng nếu phải dự báo, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, chắc chắn sau động thái chính sách này của ngân hàng, doanh nghiệp và người dân sẽ dần dần bán đi lượng tiền gửi ngoại tệ của họ hiện nay tại các ngân hàng. Bởi nếu vẫn giữ lượng tiền gửi ngoại tệ đó thì doanh nghiệp không được hưởng lãi suất còn người dân chỉ có lãi 0,25%/năm.
Ông Phước phân tích: “Người dân, doanh nghiệp nắm giữ USD có thể hưởng lợi khi tỷ giá tăng lên nhưng “không thể lại” nếu so với lãi suất. Kể cả là năm nay, đồng USD đã tăng giá tới 5% nhưng lãi suất tiền gửi của VND vẫn cao hơn rất nhiều”.
TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nêu thực tế, Việt Nam từ trước tới nay vẫn luôn áp dụng nguyên tắc lãi suất tiền đồng phải cao hơn nhiều lãi suất tiền USD và thậm chí là còn phải cao hơn cả mức thay đổi tỷ giá. Mục đích là để người dân không dịch chuyển từ tiền đồng sang USD. Với áp lực tiền đồng có thể bị mất giá tiếp tục cộng với việc thị trường đã bắt đầu có hiện tượng găm giữ hay dịch chuyển từ VND sang USD, ông Thành cho rằng, chính sách này sẽ nỗ lực làm giảm sự dịch chuyển.
Theo ông Thành, về nguyên tắc khi lãi suất USD giảm sẽ khiến cho người dân và doanh nghiệp cảm thấy rằng giữ tiền đồng sẽ có lợi hơn và không chuyển đổi tiền đồng sang USD. Điều này sẽ làm cho tỷ giá ổn định hơn. Tuy nhiên, có một rủi ro mà Nhà nước cần tính đến, đó là người dân, doanh nghiệp tìm mọi cách để dịch chuyển dòng vốn là USD ra nước ngoài gửi nhằm hưởng lợi lớn hơn. Chưa kể, ở Việt Nam doanh nghiệp không có nhiều dư tiền gửi ngoại tệ. Người dân gửi USD cũng không phải mục đích chủ yếu là nhận lãi (mà gửi USD là để ngân hàng đảm bảo an toàn và tránh việc mất giá) sẽ khiến việc giảm lãi suất không tác động nhiều tới việc giảm găm giữ ngoại tệ.
Chiều tối 27.9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo giảm trần lãi suất tiền gửi USD với tổ chức từ 0,25%/năm về 0% và với các nhân từ 0,75%/năm về 0,25%/năm. Trên thế giới, Nhật Bản từng áp dụng lãi suất tiền gửi 0% để khuyến khích người dân tiêu dùng trong nước, chống lại tình trạng giảm phát. Hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từng áp dụng lãi suất tiền gửi dự trữ với các ngân hàng thương mại ở mức -0,1% để khuyến khích các ngân hàng cho vay. |