Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh
Gần 2 tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hạ trần lãi suất huy động xuống còn 9% ở các kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài trên 12 tháng các ngân hàng được tự thỏa thuận, thị trường ghi nhận nhiều đợt lãi suất lên, xuống ở các ngân hàng thương mại (NHTM).
Cụ thể, sau khi Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) giảm lãi suất dài hạn trên 12 tháng từ 14%/năm xuống còn 12,5% ở kỳ hạn 13 tháng lãnh cuối kỳ vào tuần trước, thị trường đón thêm Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) cũng giảm lãi suất ở kỳ hạn dài. Lãi suất huy động của SeABank đã hạ từ 12%/năm xuống còn 11%/năm cho các kỳ hạn từ 12 - 24 tháng đối với sản phẩm tiết kiệm thông thường dành cho cá nhân. Lãi suất tiền gửi 1 - 2 tỷ đồng và trên 2 tỷ đồng ở sản phẩm tiết kiệm “lãi suất bậc thang” cho kỳ hạn từ 12 - 24 tháng của SeABank cũng giảm từ 12,6% - 12,8%/năm xuống còn 11,6% - 11,8%/năm. Trong khi đó, một số NHTM khác như Kỹ thương (Techcombank), Ngoại thương (Vietcombank) đầu tuần này lại tăng lãi suất tối đa ở kỳ hạn dài từ 10% - 10,5%/năm lên 11% - 12%/năm.
Liên quan đến thị trường liên ngân hàng, trước khi trần lãi suất huy động về 9%/năm, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã xuống ở mức thấp, chỉ khoảng 1%/năm. Từ 11-6 (ngày áp dụng trần lãi suất huy động 9%/năm), lãi suất liên ngân hàng đã tăng khá mạnh, trong đó lãi suất qua đêm tăng lên 3%/năm. Theo thông tin từ một số NHTM, lãi suất thị trường này dao động trong khoảng từ 5% - 8%/năm và hiện nay, lãi suất thị trường liên ngân hàng đã được các ngân hàng chào nhau vay tiếp tục tăng thêm từ 2% - 3%, ở mức 8,5% - 9%/năm.
Trước đây, do tình trạng khó khăn thanh khoản, một số NHTM nhỏ phải vay mượn tiền trên thị trường liên ngân hàng liên tục khiến cho thị trường này tăng nóng, có thời điểm lãi suất liên ngân hàng lên đến 25% - 27%/năm, kéo theo lãi suất huy động tiền trong dân của các ngân hàng cũng tăng theo. Việc này gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế vì đồng vốn chảy từ ngân hàng này qua ngân hàng khác mà không đưa được ra nền kinh tế để phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.
Chính vì thế, mới đây, NHNN vừa ban hành Thông tư 21 quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm siết lại các quy định về hoạt động liên ngân hàng, khắc phục những vấn đề còn bất cập trên thị trường này. Theo đó, NHNN quy định trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường thì NHNN có thể quy định lãi suất cho vay liên ngân hàng. Tuy nhiên, Thông tư 21 lại không nêu rõ như thế nào là “hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường”.