Lãi suất khó giảm mạnh năm 2013

Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất khó lòng giảm mạnh trong năm 2013

Bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện nay cho thấy lãi suất cho vay có khả năng tiếp tục giảm trong năm 2013 nhưng giảm mạnh xuống mức 5-8% như doanh nghiệp mong muốn thì không thể thực hiện một sớm một chiều, theo các chuyên gia tham dự diễn đàn Thách thức và vận hội cho doanh nghiệp năm 2013 diễn ra ngày 5-1 tại TPHCM.

Trả lời câu hỏi của một doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Doanh nhân Bình Định tại TPHCM là vì sao lãi suất cho vay của Việt Nam không thể giảm mạnh xuống mức 2-3% như ở Mỹ hay các nước phương Tây, tiến sĩ Trần Du Lịch, hiện đang là Phó trưởng Đoàn đại biểu quốc hội TPHCM, cho biết để đạt được điều này không thể một sớm một chiều vì về mặt căn cơ thị trường tài chính của Việt Nam hiện đang bị méo mó, doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng.

“97% nguồn tín dụng kể cả ngắn, trung, dài hạn trong nước là do ngân hàng cung cấp, nghĩa là ngân hàng một mình một chợ, trong khi ở các nước khác, nguồn vốn trung dài hạn thường do các định chế tài chính phi ngân hàng cung cấp”, ông Lịch nói.

Lãi suất khó giảm mạnh năm 2013 - 1

Ông Trần Du Lịch phát biểu tại diễn đàn

Theo ông Lịch, chi phí tài chính của các doanh nghiệp trong năm 2012 theo tính toán của các chuyên gia lên đến 20 tỉ đô la Mỹ, bằng 1/6 của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho thấy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dựa vào nợ chứ không phải vốn.

Trong khi đó, lãi suất là kết quả của cung cầu vốn trên thị trường, không thể do nhà nước quyết định nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thể dùng biện pháp hành chính ép các ngân hàng cho vay ở mức lãi suất quá thấp. Nếu cho vay lãi suất quá thấp thì huy động cũng phải ở mức thấp, mà huy động 2-3% thì người dân sẽ chuyển sang mua vàng hay ngoại tệ chứ không gửi tiền ngân hàng. Ông Lịch nói và cho rằng để lãi suất cho vay giảm xuống thấp thì còn nhiều việc cần phải làm.

Ông Lịch cũng cho biết quan điểm của NHNN hiện nay là chỉ giữ trần lãi suất huy động trong một thời gian ngắn nữa thôi để hỗ trợ các ngân hàng giải quyết vấn đề thanh khoản rồi sau đó sẽ dỡ bỏ. “Nếu bỏ trần lãi suất ngay, các ngân hàng thiếu thanh khoản sẽ tăng mạnh lãi suất huy động và các ngân hàng khác lại phải chạy theo”, ông nói.

Đồng tình về vấn đề lãi suất khó lòng giảm mạnh trong năm 2013, ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á, cho biết trong năm 2012 ngân hàng huy động vốn dưới 12 tháng thì khoảng 7-8%, đầu năm thì cao hơn nhiều, còn vốn trên 12 tháng hiện huy động ở mức 10-12%. Do vậy, doanh nghiệp mong muốn vay vốn chỉ với lãi suất 5-8% là điều khó cho ngân hàng, mà theo ông Tuấn có khả năng lãi suất cho vay sẽ xoay quanh 11% trong năm 2013.

Ông Trần Du Lịch cho rằng vấn đề căn cơ hơn mà chính phủ cần làm hiện nay là khôi phục niềm tin của thị trường sau khoảng thời gian 2008-2012 các chính sách đưa ra chủ yếu là các biện pháp tức thời và thay đổi liên tục đã khiến thị trường mất phương hướng dài hạn. Theo ông, không lâu tới đây chính phủ sẽ ban hành gói giải pháp để hỗ trợ thị trường với ba nhóm giải pháp nhằm giúp giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu ngân hàng, và làm ấm thị trường bất động sản.

“Chính phủ chỉ hỗ trợ thị trường tự điều chỉnh chứ không thực hiện gói kích thích kinh tế như năm 2009. Do vậy, năm 2013 sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp đã và đang làm ăn bài bản, những doanh nghiệp không có khả năng sẽ phải chết. Không thể kéo dài tình trạng doanh nghiệp đã chết rồi mà không được chôn”, ông Lịch nói.

Ông Lịch cũng cho biết hy vọng năm 2013 gói giải pháp hỗ trợ thị trường sẽ phát huy tác dụng và triển vọng kinh tế Việt Nam cũng không hoàn toàn quá bi quan trong năm nay. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Triều (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN