Lãi suất giảm, chứng khoán tăng vọt
Bất chấp giá xăng, hôm nay thị trường chứng khoán vẫn tăng vọt.
Sàn Thành phố Hồ Chí Minh
Cuối tuần trước, thị trường đón nhận hàng loạt những thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tin là xăng tăng giá. Thông thường, mỗi khi hàng hóa thiết yếu này biến động, thị trường chứng khoán cũng biến động theo. Tuy nhiên, VN-Index chưa kịp phản ứng với giá xăng vì trong ngày nghỉ cuối tuần, thị trường đã được hỗ trợ bởi lãi suất và CPI.
Trong thời gian gần đây, rất nhiều ngân hàng âm thầm hạ lãi suất vì dư thừa tiền mặt. Lãi suất là một trong những đầu vào quan trọng của doanh nghiệp nên thông tin này khiến cho doanh nghiệp dễ thở hơn và chứng khoán khởi sắc. Bên cạnh đó, CPI tăng không mạnh cũng góp phần hỗ trợ VN-Index và HNX-Index.
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới, VN-Index đảo chiều tăng nhẹ. Giao dịch chưa có nhiều biến chuyển khi nhà đầu tư vẫn trong trạng thái thăm dò. Đóng cửa đợt 1, VN-Index tăng khiêm tốn 1,37 điểm. Sau đó thị trường yếu dần, nguy cơ VN-Index giảm điểm là rất cao. Tuy nhiên, không lâu sau đó, thị trường bỗng nhiên khởi sắc. Đà tăng ngày càng được củng cố tới cuối phiên.
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới, VN-Index đảo chiều tăng nhẹ.
Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần ngày 24/2, VN-Index tăng 6,01 điểm, tương ứng 1,02% và dừng ở mức 576,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 119.028.370 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 1.968,48 tỷ đồng, ít thay đổi so với cuối tuần trước. Tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận là 5.795.490 cổ phiếu, tương ứng 163,85 tỷ đồng.
Toàn sàn ghi nhận có 174 mã tăng giá, 51 mã đứng giá và 68 mã giảm giá.
Hôm nay, VN30-Index có tốc độ tăng nhỉnh hơn VN-Index một chút. Chốt phiên giao dịch ngày 24/2, VN30-Index tăng 9,12 điểm, tương ứng 1,43% và chốt phiên ở mức 648,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42.007.340 cổ phiếu, tương ứng 1.006,88 tỷ đồng. Trong nhóm có 25 mã tăng giá, 3 mã đứng giá và 2 mã giảm giá.
Hôm nay, thị trường chứng kiến sự đi lên đồng đều của cả blue-chip và penny. Blue-chip đóng vai trò nhỉnh hơn một chút khi chỉ có 2 mã giảm giá. Đó là KDC giảm 1.500 đồng/CP xuống 59.000 đồng/CP, VSH giảm 100 đồng/CP xuống 15.900 đồng/CP.
Trong số 25 cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá, HSG và IJC gây ấn tượng hơn cả khi tăng trần. HSG tăng 1.500 đồng/CP lên 52.500 đồng/CP. Điều đáng nói, đầu phiên, HSG giảm nhẹ xuống 49.000 đồng/CP. HSG là cổ phiếu có “lịch sử” tăng giá mạnh mẽ.
IJC cũng có diễn biến tương tự HSG, giảm đầu phiên nhưng tăng trần cuối phiến. Đóng cửa ngày 24/2, IJC tăng 900 đồng/CP lên 14.000 đồng/CP. Khối lượng giao dịch của IJC thậm chí còn vượt trội so với HSG.
Đây là khoảng thời gian ngành ngân hàng đối diện với nhiều thông tin kém lạc quan như lợi nhuận thấp hơn dự kiến, dư thừa tiền mặt,… nên cổ phiếu ngân hàng dù không giảm giá nhưng vẫn đuối sức hơn cổ phiếu các ngành nghề khác. CTG, BID và STB đứng giá ở mức 16.800 đồng/CP, 16.700 đồng/CP và 20.600 đồng/CP. EIB tăng 100 đồng/CP lên 13.300 đồng/CP, MBB tăng 100 đồng/CP lên 15.000 đồng/CP, VCB tăng 100 đồng/CP lên 29.100 đồng/CP.
Sàn Hà Nội
Sàn Hà Nội cũng có phiên giao dịch đầy hưng phấn như sàn Thành phố Hồ Chí Minh. Kết thúc phiên giao dịch 24/2, HNX-Index tăng 1,49 điểm, tương ứng 1,85% và đóng cửa ở mức 81,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt 70.883.432 cổ phiếu, tương ứng 687,83 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 2.166.379 cổ phiếu, tương ứng 21,49 tỷ đồng. Toàn sàn ghi nhận 183 mã tăng giá, 67 mã đứng giá và 49 mã giảm giá.
Trong 4 chỉ số chính trên 2 sàn, HNX-Index tăng mạnh nhất. Chốt phiên ngày 24/2, HNX30-Index tăng 3,69 điểm, tương ứng 2,31% và đóng cửa ở mức 163,16 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35.733.400 cổ phiếu, tương ứng 437,34 tỷ đồng. Trong nhóm có 25 mã tăng giá, 4 mã đứng giá và 1 mã giảm giá.
Blue-chip duy nhất chìm trong sắc đỏ là EID. EID giảm 100 đồng/CP xuống 13.400 đồng/CP. Khối lượng giao dịch của EID rất thấp. Dù thị trường đang hưng phấn mạnh, trong phiên, EID không có bất cứ thời điểm nào tăng giá.
Hôm nay blue-chip tăng mạnh hơn thị trường nhưng gây ấn tượng nhất lại không phải mã nằm trong nhóm HNX30-Index mà là PVX. Là cổ phiếu có giao dịch thất thường, hôm nay PVX tăng trần, tăng 300 đồng/CP lên 4.200 đồng/CP. Có tới 14.055.140 đơn vị PVX được trao tay. Cuối phiên, dư mua trần PVX ở mức cao ngất ngưởng 3.158.900 đơn vị.
Suốt thời gian dài qua, trong khi nhiều cổ phiếu ngân hàng khác lung lay thì SHB vẫn tăng đều đặn với lực mua rất lớn của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hôm nay, SHB vẫn duy trì được đà tăng nhưng dường như sức bật đang yếu đi. SHB chỉ tăng 100 đồng/CP lên 8.700 đồng/CP.