Lãi suất cầm đồ 500%, sao không bị "sờ gáy"?

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), lãi suất cầm đồ hiện đang vượt 500% lãi suất tái cấp vốn, vi phạm Luật dân sự nhưng không bị ai “sờ gáy”.

Thực tế này được vị ĐBQH TP. Hồ Chí Minh nêu ra tại phiên thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) chiều 25/6.

Lãi cầm đồ đang thách đố luật định

Nói tới câu chuyện lãi suất “cắt cổ” nếu vay ngoài luồng hiện nay, ông Trần Hoàng Ngân dẫn chứng, hiện lãi suất vay tại các tiệm cầm đồ lên tới 3%/tháng, tương đương 36%/năm. Và như vậy, mức lãi suất này đã vượt 500% lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Lãi suất cầm đồ 500%, sao không bị "sờ gáy"? - 1


ĐB Trần Hoàng Ngân: Lãi suất cầm đồ đang lên tới 500% lãi suất tái cấp vốn nhưng không bị luật điều chỉnh

“Lãi suất cắt cổ và đương nhiên vi phạm Luật dân sự, nhưng tiếc là chúng ta vẫn chưa có hướng giải quyết và việc hoạt động cầm đồ lãi suất cao cắt cổ vẫn ngang nhiên hoạt động” – ông Ngân thở dài.

Vị ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cũng tỏ ý tiếc khi dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lần này đang được Quốc hội thảo luận lại chưa có điều khoản nào để điều chỉnh hoạt động cho vay nặng lãi này.

“Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm để đưa vào dự thảo Luật các điều khoản điều chỉnh hoạt động này”- ông Ngân kiến nghị.

Áp lãi suất cơ bản 200% là vô lý

Theo khoản 4 Điều 481 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay: “Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền cần trả theo lãi suất cơ bản mà NHNN công bố đối với loại vay tương ứng tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian cần trả”.

Quy định như vậy, ông Ngân cho rằng có điểm chưa hợp lý. Phân tích dưới góc độ một chuyên gia tài chính ngân hàng, theo ông, từ năm 2011 đến nay NHNN không còn công bố lãi suất cơ bản mà chỉ công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất bình quân liên ngân hàng.

Ngoài ra, trước năm 2011, NHNN có công bố lãi suất cơ bản nhưng cũng không công bố lãi suất cơ bản đối với từng loại vay tương ứng.

“Nên sử dụng lãi suất bình quân liên ngân hàng thay thế cho lãi suất cơ bản thì hợp lý hơn. Các nước họ cũng sử dụng lãi suất liên ngân hàng như lãi suất Libor tại Tokyo…”- ông Ngân nói.

Góp ý vào Luật Dân sự sửa đổi, ĐB Phạm Văn Hà (Nghệ An) cho rằng, vấn đề lãi suất trong hợp đồng vay tài sản theo quy định tại Điều 483: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước (NHNN) công bố, trừ trường hợp Luật các tổ chức tín dụng có quy định khác” là không hợp lý.

ĐB Hà phân tích: lãi suất cơ bản chỉ là lãi suất chung, không mang tính chất thị trường. “Lâu nay NHNN điều hành lãi suất bằng các công cụ chứ không phải bằng lãi suất cơ bản. Dùng lãi suất không thị trường để điều chỉnh hành vi thị trường trong quan hệ dân sự là không phù hợp.” – ông Hà nói.

Mặt khác, cũng theo ĐB Trần Hoàng Ngân, từ năm 2010 đến nay NHNN đã “né” không công bố lãi suất cơ bản, mà chỉ công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu… Vì thế, trong trường hợp này nên thay thế lãi suất cơ bản bằng lãi suất tái cấp vốn do NHNN công bố (hiện là 6,5%/năm).

Cắt nghĩa cụ thể hơn, ông Ngân dẫn dụ, trước năm năm 2011, NHNN có công bố lãi suất cơ bản nhưng cũng không công bố lãi suất cơ bản đối với từng loại vay tương ứng. Ngoài ra, theo khoản 1, Điều 12, Chương 3 của Luật NHNN được Quốc hội Khóa XII thông qua có hiệu lực từ 1/1/2011 có quy định như sau: “NHNN công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ chống cho vay nặng lãi”.

“Do đó, việc thay thế lãi suất cơ bản bằng lãi suất tái cấp vốn vừa phù hợp với luật hiện hành vừa phù hợp với thực tiễn phát sinh hiện nay. Tôi đã trao đổi với NHNN và NHNN đã đồng ý với ý kiến này”, ông Ngân quả quyết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN