Lãi khủng từ cổ phiếu thâu tóm
Những vụ thâu tóm, sáp nhập đã tăng rất mạnh trong năm 2011 và 2012, nhất là trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Khi những thương vụ lớn sắp diễn ra, cổ phiếu bị thâu tóm thường tăng khá mạnh, thậm chí tăng kịch trần nhiều phiên trước khi thông tin chính thức được công bố và điều này mang lại lợi nhuận lớn cho những cổ đông lớn biết trước được thông tin mật. Họ mua cổ phiếu từ khi mới có thông tin trong nội bộ và bán ra khi thông tin bắt đầu công khai và hoạt động thâu tóm lên đến cao trào.
Thương vụ thu gom cổ phiếu của nhóm cổ đông lớn nhằm giành quyền chi phối tại Sacombank (mã STB-HOSE) đã chính thức kết thúc. Tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất trong thương vụ này là hàng ngàn các cổ đông nhỏ lẻ. Trong thời gian trước và sau Tết nguyên đán năm 2012, trước khi có thông tin đồn đoán về việc nhóm cổ đông lớn thuộc Eximbank thâu tóm STB khi nắm giữ tới 51% cổ phiếu STB, có lúc giá STB lên hơn 26.500 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, hàng ngàn cổ đông nhỏ lẻ của STB bị bưng bít thông tin, bằng chứng khá rõ là HOSE thông báo, Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn Exim (SaigonExim) đã mua cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn của Sacombank từ ngày 9/1/2012 (tăng tỷ lệ sở hữu ở STB lên 5,17%, tương ứng 50.355.510 cổ phiếu) nhưng 3 tháng sau, đến ngày 6/4/2012 mới chính thức công bố thông tin này.
SaigonExim có các cổ đông sáng lập gồm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, sở hữu 11% vốn), Công ty Cổ phần Bất động sản Exim và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn. Ngay khi có thông tin STB sẽ bị cổ đông lớn Eximbank thâu tóm, mặc dù chưa chính thức, nhưng giá cổ phiếu STB sụt mạnh, ngày 9/3 xuống tới 19.300 đồng/cổ phiếu.
Đây là cơ hội lớn cho những cổ đông lớn của Eximbank và Ngân hàng Phương Nam (gần kết thúc thương vụ này mới xuất đầu lộ diện) tiếp tục mua vào cổ phiếu STB để hoàn tất vụ thâu tóm quyền lực tại STB và thu về khoản lợi nhuận rất lớn trong vòng 2 tháng qua, bởi sau khi thông tin chính thức được công bố, không còn là tin đồn đoán, giá cổ phiếu STB tăng liên tục, ngày 1/6 lên tới 25.400 đồng/cổ phiếu, với giao dịch thỏa thuận đạt mức kỷ lục là 26,348 triệu cổ phiếu, trị giá tới 659 tỷ đồng.
Ở trường hợp khác, vụ đồn đoán hai ngân hàng HBB và SHB sáp nhập cũng tạo ra những đợt sóng mạnh với giao dịch hàng chục triệu đơn vị mỗi phiên, giá biến thiên rất mạnh cũng trở thành hiện thực và thiệt hại vẫn rơi vào những cổ đông "đói" thông tin.
Khi những thương vụ lớn sắp diễn ra, cổ phiếu bị thâu tóm thường tăng khá mạnh - Ảnh minh họa
Một vụ không kém nổi đình đám là thông tin Tập đoàn Masan (mã MSN- HOSE) tham gia thâu tóm cổ phiếu Dầu Thực vật Tường An (mã TAC-HOSE) và Công ty Cổ phần Bao bì dầu thực vật (mã VPK- HOSE). Mặc dù cuối tháng 4/2012 tại Đại hội cổ đông thường niên của TAC, lãnh đạo cho biết chưa có dấu hiệu cho thấy Masan cũng như các đơn vị liên quan đến công ty này tiến hành thu gom cổ phiếu TAC.
Trước đó, khi thông tin bị rỉ tai, trong tháng 3 và 4/2012, giá cổ phiếu TAC đã tăng từ 20.000 đồng lên 40.000 đồng/cổ phiếu và tiếp tục bứt phá mạnh với liên tiếp nhiều phiên tăng trần ở tháng 5 và đạt mức giá cao nhất 62.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 25/05, tăng gần 70% so với đầu tháng 5 trong bối cảnh hai sàn khá ảm đạm trong tháng 5 và ngày 1/6 vẫn ở mức 56.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu VPK đã tăng trần 5 phiên liên tiếp, từ 12.300 đồng (phiên 28/5). Thị trường xuất hiện tin đồn MSN và cả Vinamilk đang tranh giành quyền chi phối công ty này, bởi VPK là một trong những đơn vị cung cấp bao bì và thùng carton chính cho cả VNM lẫn TAC. Bên cạnh đó, VNM còn là cổ đông sáng lập và đang nắm giữ 17% cổ phần của VPK (đã bán 13% cổ phần).
Còn MSN, nhiều thông tin cho biết đã hoàn tất thương vụ thâu tóm TAC nên muốn tiếp tục giành quyền chi phối VPK nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của TAC.
Trong năm 2011 và 2012, tất cả tin đồn trên thị trường về hoạt động thâu tóm VCF, Sacombank, sáp nhập HBB và SHB đều xuất phát từ các thông tin rò rỉ, trong khi các bên liên quan đều lên tiếng phủ nhận hoặc từ chối bình luận. Nhưng cuối cùng mọi việc đều diễn ra đúng như những thông tin truyền miệng trước đó.
Một số chuyên viên công ty chứng khoán nhận định, giá cổ phiếu của công ty bị thâu tóm thường tăng khá mạnh là do kỳ vọng của nhà đầu tư vào một làn gió mới trong hoạt động của doanh nghiệp sau hợp nhất.
Theo ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng tư vấn và phân tích Công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam (KEVS), những thương vụ về mua bán sáp nhập (M&A) lớn thông thường đã hoàn tất các bước về thương lượng giá cả rồi mới có hiện tượng rò rỉ. Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp do mua thỏa thuận ngoài sàn chưa đủ nên họ lên sàn để mua phần còn lại, đồng thời "hỗ trợ" giá cho cổ phiếu. Nhưng các giao dịch thường được thực hiện với nhiều tài khoản khác nhau để tránh thực hiện nghĩa vụ báo cáo của cổ đông lớn.
Về lâu dài đây là một điều nguy hiểm, nó cho thấy thị trường Việt Nam có những nhóm lợi ích mới được hưởng lợi khi tung ra những thông tin dạng này, còn lại đa số nhà đầu tư đều bị thiệt.
Do vậy, nhà đầu tư cần cảnh giác phân loại thông tin và những nhà quản lý cũng cần vào cuộc để kịp thời ngăn chặn những hành vi lũng đoạn, thao túng thị trường từ đó làm trong sạch và bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ.