Lại ám ảnh “bóng ma” nợ xấu

Nợ xấu tại nhiều ngân hàng tăng đột biến trong khi Chính phủ chỉ ra cần nhìn thẳng vào bản chất nợ xấu và xử lý thực chất. Dù lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định nợ xấu đang được kiểm soát dưới 3%, nhưng một số vụ việc ngân hàng thời gian gần đây cho thấy, nợ xấu vẫn đang hiển hiện.

Nợ xấu tăng đột biến

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - BID) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2016. Theo công bố của BIDV, chất lượng tín dụng trong 6 tháng đầu năm nay được kiểm soát với tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Tuy nhiên, nợ xấu theo giá trị tuyệt đối tại ngân hàng này tăng tới 31% so với cuối 2015.

Cụ thể, tổng nợ xấu của BIDV đến 30/6/2016 đã tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng, lên tới 13.183 tỷ đồng so với cuối 2015. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 1.100 tỷ lên 6.343 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng vọt từ 887 tỷ lên 2.326 tỷ; duy có nợ dưới chuẩn (nợ nhóm 3) giảm từ 4.515 tỷ xuống 3.975 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2016. Nợ xấu là điểm nhấn trong báo cáo tài chính của Eximbank quý 2 năm nay. Cụ thể, ngân hàng có tới 4.285 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 5,3% trên tổng dư nợ. 

Con số này tăng đột biến so với tỷ lệ nợ xấu chưa đến 2% tại thời điểm cuối năm 2015. Trong 3 nhóm nợ xấu thì nợ dưới chuẩn là 2.415 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng nợ xấu và tăng gấp 13 lần thời điểm đầu năm. Nợ nghi ngờ tăng 34,8% lên 797 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn cũng tăng tương đương, lên 1.073 tỷ đồng.

Một ngân hàng khác có quy mô tổng tài sản lớn nhất trong khối ngân hàng thương mại cổ phần không có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối - Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank- STB) - tỷ lệ nợ xấu cũng tăng mạnh trong nửa đầu năm nay, lên 2,83% so với mức 1,85% cuối 2015…

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra, trong báo cáo  tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm, người ta chú ý đến việc lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ này bày tỏ quan ngại về nợ xấu. Cụ thể hơn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá nợ xấu vẫn tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại khi việc xử lý nợ xấu chưa đi vào thực chất.

Còn trong phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 2/8, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến tháng 5/2016, nợ xấu toàn hệ thống ở mức 2,78% (dưới 3% theo mục tiêu đề ra). Theo bà Hồng, hiện Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng có nợ xấu trên 3% phải báo cáo phương án về Ngân hàng Nhà nước và có phương án giải quyết.

Cần nhìn thẳng vào nợ xấu

Tại sao nợ xấu tại một số ngân hàng vọt tăng? Theo quan sát, trong nửa đầu năm nay, đường đi của một phần nợ xấu vốn dĩ đang theo mạch luân chuyển sang cất tại “kho VAMC” nay ngưng lại. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2016, VAMC đã mua 241.000 tỷ đồng nợ xấu. Con số gần như thay đổi không đáng kể so với quy mô đã mua lũy kế đến cuối 2015.

Trao đổi với Tiền Phong, một chuyên gia trong lĩnh vực này nhìn nhận, việc VAMC ngưng mua nợ xấu là do hiện đã cơ bản hoàn thành “sứ mệnh” giúp giảm nợ xấu trên sổ sách các ngân hàng xuống dưới 3% với tốc độ mua lại cấp tập trong năm 2015. “Xét ở góc độ cân đối, sức chứa của VAMC là có hạn. Còn nói chung, giải pháp để xử lý nợ xấu đã bàn nát nước rồi; vấn đề có làm được không  thôi. Cách khả thi nhất bây giờ, chỉ còn cách in tiền …”, vị chuyên gia nhận định.

Tại tọa đàm “Khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa”,  GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Việt Nam nhắc đến thực trạng đáng bàn là nợ xấu của một số tập đoàn lớn đến mức báo động nhưng chưa thấy có ngân hàng thương mại nào công bố tỷ lệ nợ xấu của DNNVV; các vụ ngân hàng bị vỡ nợ hoặc một số cán bộ tín dụng bị truy cứu trách nhiệm hình sự chủ yếu liên quan đến “các đại gia”, do “quan hệ cánh hẩu” chứ không phải chủ yếu do tín dụng đối với DNNVV.

“Tôi mong Ngân hàng Nhà nước công bố rõ nợ xấu hiện nay nằm ở khu vực nào. Nợ xấu của ngân hàng hiện nay nằm ở các đại gia, có những đại gia nợ đến 32.500 tỷ đồng. Tôi hy vọng NHNN đưa ra con số nào đó để điều chỉnh nợ xấu của một đại gia thôi, chỉ cần  nửa số đó cho các DNNVV vay thôi thì chắc chắn có hàng nghìn DNNVV vượt qua khó khăn”, GS Mại nhấn mạnh.

Tại báo cáo kinh tế xã hội, Chính phủ  nêu rõ: “Xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn. Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mới xử lý được 32.400 tỷ đồng trong tổng số 241.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua (đạt 13,4%). Một số ngân hàng thương mại quản lý yếu kém, thua lỗ, mất vốn, nợ xấu lớn, để xảy ra vi phạm pháp luật. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro”. Cùng với nợ công và nợ Chính phủ, nợ xấu ngân hàng là vấn đề quan trọng đặt ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN