Lạ: 7 tỉnh không có điểm giao dịch vàng miếng

Tìm hiểu trong loạt hồ sơ gửi về xin Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh vàng miếng thì thấy, không có đơn vị nào mở điểm giao dịch hay có kế hoạch mở tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc.

Từ 10/1/2013, kinh doanh vàng miếng phải có giấy phép Ngân hàng Nhà nước cấp. Gần 2.500 điểm giao dịch đã cấp chắc chắn không thể trải được đến các đường làng ngõ phố…

Tìm hiểu trong loạt hồ sơ gửi về xin Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh vàng miếng thì thấy, không có đơn vị nào mở điểm giao dịch hay có kế hoạch mở tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc. Vì sao vậy?

Đem câu hỏi này tới lãnh đạo vụ chức năng liên quan, thì được cho biết đó cũng là cái khó của doanh nghiệp, khi thiết lập lại mạng lưới kinh doanh vàng miếng theo Nghị định 24 của Chính phủ.

Lạ: 7 tỉnh không có điểm giao dịch vàng miếng - 1

Hiện chỉ còn khoảng 8.000 điểm kinh doanh vàng, thuộc các thành phần khác nhau thay vì hơn 12.000 điểm trước đây.

Một là, tại nhiều địa bàn tỉnh lẻ, nhu cầu giao dịch vàng miếng là không lớn, thậm chí rất ít. Nên, việc phủ sóng các điểm giao dịch vàng miếng ở những địa bàn xa, ít nhu cầu giao dịch theo đó là chưa quá cấp thiết.

Hai là, khi nhu cầu giao dịch ít, doanh số thấp thì bài toán chi phí cũng khiến các doanh nghiệp cũng chẳng mặn mà để thiết lập cơ sở.

Thêm nữa, ở các địa bàn xa, việc tiếp quỹ bằng vàng khó khăn hơn; không chỉ về thời gian, sự an toàn mà còn là thực tế bị đọng vốn nếu rải vàng tồn quỹ ra như vậy.

“Ở trong nhà, nói thật với bạn là khi kinh doanh vàng cũng run lắm. Vì phải rải vốn đọng ở vàng, yêu cầu phải có lượng tồn quỹ nhất định để giao dịch. Tồn quỹ, giá tăng thì không sao, nhưng nó giảm một cái, nhất là giá vàng thế giới nó giao dịch qua đêm, mình bó tay không biết làm sao vì phải chờ sáng ra mới quyết định giao dịch”, một người trong cuộc nói.

Rủi ro luôn tiềm ẩn. Nếu có cơ chế cho mở tài khoản vàng ở nước ngoài, các đầu mối có thể bảo hiểm được giá. Nhưng cơ chế không cho, họ đành chịu và càng phải thận trọng.

Thế nhưng, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói, những vùng trắng đó buộc phải từng bước xóa bỏ. Trước mắt là tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc. Bởi giao dịch vàng miếng là một quyền của người dân, phải đáp ứng.

Có thể đó là một lý do giải thích cho việc, trong 31 đầu mối được cấp phép đợt đầu có hai ông lớn là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank). Trước nay họ không đẩy mạnh kinh doanh vàng, nhưng vẫn tham gia để cùng triển khai chính sách mới.

Gần 2.500 điểm giao dịch, thấp hơn nhiều quy mô khoảng 8.000 điểm kinh doanh vàng nói chung hiện nay, khi vận hành khó tránh khỏi những hạn chế trong đáp ứng yêu cầu giao dịch của người dân. Song, theo vị lãnh đạo trên, đó là các đầu mối mạnh và thiện chiến; sắp tới sẽ tiếp tục mở rộng thêm.

Gần 2.500 điểm giao dịch lại là một quy mô lớn, qua nhiều tầng, lớp để Ngân hàng Nhà nước giám sát, quản lý. Khả năng đầu cơ lớn nhất là ở các tổ chức tín dụng, vì họ có lợi thế mạng lưới, quy mô vốn. Cho nên giới hạn trạng thái vàng được áp rất thấp, chỉ 2% vốn tự có.

Vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói trên giải thích, giới hạn 2% được tính toán theo khả năng chịu đựng rủi ro của các tổ chức tín dụng; giá vàng thường biến động khó lường, rủi ro vượt quá sẽ gây ảnh hưởng đến thị trường, hệ thống.

“Thực tế các tổ chức tín dụng cũng không quá mạo hiểm găm giữ quá nhiều vàng, bởi đọng vốn và nhiều rủi ro, nhất là khi giá vàng thế giới giao dịch trong đêm mà không có công cụ phòng ngừa”, ông này nói.

Ông cũng cho biết thêm, sau khi thiết lập và mạng lưới đi vào hoạt động ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ lên kế hoạch vào cuộc để điều tiết cung - cầu, gián tiếp tác động đến giá nếu có biến động bất hợp lý.

Tuy nhiên, sự vào cuộc trên liên quan đến dự trữ ngoại hối nên Ngân hàng Nhà nước sẽ rất thận trọng, có cơ chế chặt chẽ để đảm bảo an toàn, mà một lợi thế là có công cụ tài khoản vàng ở nước ngoài để bảo hiểm giá, kiểu bán tay trái - mua tay phải.

“Tôi cũng nói thật rằng, vì đây là liên quan đến dự trữ ngoại hối, phải thật chắc chắn. Giả sử tạo ra được 100 triệu USD chưa hẳn đã được khen, nhưng nếu làm mất 10 USD đã phải “tên tôi là…”. Vì đó là tài sản của nhà nước”, vị lãnh đạo trên nói.

Trước khi thực hiện cấp phép và tổ chức hệ thống kinh doanh vàng miếng theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện khảo sát và đánh giá lại tình hình mạng lưới kinh doanh vàng trên cả nước. Kết quả cho thấy hiện chỉ còn khoảng 8.000 điểm kinh doanh vàng, thuộc các thành phần khác nhau thay vì hơn 12.000 điểm trước đây, trong bối cảnh giao dịch không còn sôi động như trước khiến cơ hội tạo lợi nhuận ngày một hẹp đi. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Đức (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN