Kỳ vọng “phá băng” nợ xấu

Dư luận những ngày qua đang mong ngóng thông tin về Công ty mua bán nợ quốc gia (AMC) sẽ chính thức được thành lập với mục tiêu "phá băng” nợ xấu. Liệu những kỳ vọng đó sẽ diễn tiến ra sao?

Xử lý được 50% nợ xấu

AMC dự kiến sẽ có quy mô vốn điều lệ  500 tỷ đồng với 100% của Nhà nước, là một tổ chức tài chính đặc thù trực thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Cách thức hoạt động của AMC là phát hành trái phiếu. Dùng trái phiếu này để mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), các TCTD sẽ dùng khoản trái phiếu này để cầm cố vay tái cấp vốn tại NHNN khi có nhu cầu.

Mục tiêu chính của AMC là góp phần xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, lành mạnh hóa tài chính và giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, tối đa hóa giá trị thu hồi nợ, theo nguyên tắc lấy thu bù chi và không vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận.

Các khoản nợ xấu được AMC tập trung xử lý là nợ xấu có tài sản đảm bảo bằng bất động sản vì khoản này chiếm tới hơn 60% tổng nợ xấu, (khoảng 140.000 tỷ đồng). Nợ xấu có liên quan tới bất động sản phủ bóng đen lên các TCTD.

Kỳ vọng “phá băng” nợ xấu - 1

Hàng tồn kho nhiều làm nợ xấu tăng lên: Ảnh: HOÀNG LONG

Do vậy nhiều chuyên gia kinh tế lẫn các nhà quản lý cho rằng, thành lập AMC càng sớm càng tốt. AMC được kỳ vọng như là "công cụ” hữu hiệu để "đánh” nợ xấu. Hiện nay nợ xấu theo báo cáo của NHNN tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ tháng 2: đang ở ngưỡng 6%. Trước đó, cuối năm 2012, tỷ lệ này là 8%. Như vậy, cơ quan quản lý kỳ vọng thêm bước đệm tiếp theo: AMC có thể giải quyết được 50% nợ xấu, tiếp tục đưa con số nợ xấu từ 6% về 3% - tức là ngưỡng an toàn.
Nhưng những cái khó khăn cũng bắt lộ dần theo thời gian. Nợ xấu nếu đúng như lời công bố (chưa được kiểm chứng) 6% là một chuyện, và việc làm nhẹ nó chỉ với riêng AMC lại không hề dễ.

Nguyên tắc đầu tiên để xử lý nợ xấu là công khai minh bạch số liệu lại dường như được bỏ ngỏ. Ông Sameer Goyal, điều phối viên tài chính và khu vực tư nhân, Ngân hàng Thế giới (WB) quan ngại chỉ ra rằng, những số liệu khi được đưa ra báo cáo đều giảm, những mối liên hệ thiếu rõ ràng giữa khối doanh nghiệp nhà nước và ngành ngân hàng khiến cho thông tin nợ xấu khó được nhận rõ.

Một phần khung pháp lý, thể chế, giám sát hệ thống ngân hàng tại Việt Nam vẫn sau so với các chuẩn mực/thông lệ quốc tế. Ngay cả trong quá trình tái cấu trúc cũng chưa có kế hoạch khung/trù bị cho tình huống khẩn cấp. Các chuyên gia còn chỉ ra rằng, khi việc quản lý tài sản nằm trong danh mục cho vay yếu kém, thì nợ quá hạn sẽ tích tụ theo thời gian, từ đây kéo theo hệ quả: thu hẹp tín dụng bị kéo dài. Việc buộc phải làm trước khi thành lập AMC là tiến hành phân nhóm nợ theo: lĩnh vực, loại hình khách hàng, tài sản đảm bảo... lại chưa được thực hiện nghiêm túc, minh bạch.

Phải minh bạch, chính xác số nợ xấu

Nhiều ý kiến cho rằng các NHTM thường che giấu thực trạng nợ xấu để làm đẹp bảng cân đối kế toán. Do vậy, báo cáo của NHNN nói nợ xấu còn 6% nhưng thiếu đi mấu chốt: nợ ở khối doanh nghiệp nhà nước, khối doanh nghiệp tư nhân, hay là bất động sản như thế nào? Và, căn cứ nào để nói nợ xấu đã giảm về chỉ còn trên 6% trong vòng vài tháng qua?

Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương, trong cuộc làm việc mới đây với NHNN tại Đà Nẵng cũng đã chỉ mặt điểm tên tình trạng "báo cáo láo” của các ngân hàng. Một con số chỉ để biết nội bộ với nhau, một con số để báo cáo Thanh tra NHNN. Theo ông Thanh, "việc nối dối trong hệ thống NHTM đã dần thành thói quen”.

Sự thiếu thống nhất, nghi ngại về con số nợ xấu ngay từ ban đầu đã dẫn đến nghi ngờ việc tiếp theo, kể cả việc thành lập AMC. Theo mạch chảy, AMC mua lại các khoản nợ xấu để NHNN cân đối lại sổ sách. Tuy nhiên, chẳng ai dám chắc được rằng Công ty này sẽ không bị bị can thiệp. Chưa kể, việc có thể thiếu nhân lực có trình độ, kỹ năng xử lý nợ xấu, đạo đức nghề nghiệp sẽ khiến cho mục tiêu cao cả của AMC bị "thui chột” đi phần nào.

TS Lê Thẩm Dương, trưởng khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh trả lời Đại Đoàn Kết, thành lập AMC càng nhanh càng tốt. Nhưng căn bản cần phải minh bạch số liệu. Hiện nay tỷ lệ nợ xấu 6% trong toàn hệ thống không hoàn toàn cố định. Đây là phần rất xương xẩu nên rất khó giải quyết. Và chẳng ai dám chắc được phần thực và ảo của con số nợ xấu 6% hiện nay đang ở ngưỡng nào. Cái này sẽ khiến cho mục tiêu giảm nợ xấu của AMC gặp trở ngại. Điều băn khoăn nữa là tỷ lệ được phân bổ như thế nào? Bao nhiêu tài sản đảm bảo sẽ bán được, và bao nhiêu tài sản đã mất giá.

Một số chuyên gia cho rằng, khối nợ xấu từ xưa đến nay vẫn chưa hề được đong đếm chính xác về quy mô nên kỳ vọng AMC hoạt động hiệu quả như mong muốn cũng có thể là sự trấn an dành cho dư luận? Thành lập và đưa vào hoạt động AMC cần có những ràng buộc rõ ràng hơn về khung pháp lý và cách thức hoạt động. Tất cả đòi hỏi phối kết hợp các cơ quan chức năng, chứ không chỉ mỗi NHNN.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Hằng (Đại đoàn kết)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN