Kinh tế Việt Nam 2017 cần chuẩn bị nhiều kịch bản phát triển

Sự kiện: Kinh Doanh

Năm 2016, kinh tế vĩ mô Việt Nam cơ bản ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, GDP tăng 6,21%, được đánh giá là mức cao trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới.

Nhiều chỉ số lạc quan

Tại trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra những kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2016.

Năm 2016, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; CPI tăng 4,74%; GDP tăng 6,21% trong bối cảnh ngành khai khoáng và nông nghiệp gặp khó khăn rất lớn. Tín dụng tăng khoảng 17%; dự trữ ngoại hối đạt 41 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách Nhà nước đạt mục tiêu đề ra. Tổng đầu tư toàn xã hội 33% GDP; xuất khẩu tăng 8,6%, xuất siêu 2,68 tỷ USD.

Kinh tế Việt Nam 2017 cần chuẩn bị nhiều kịch bản phát triển - 1

Cũng trong năm 2016, lần đầu tiên đạt kỷ lục trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 891.000 tỷ đồng, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và 48,1% về vốn. Có gần 27.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động.

Thu hút đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục, vốn FDI thực hiện đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9%, cao nhất từ trước đến nay. Đến 26/12, cả nước có 2.556 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký 15,18 tỷ USD. Tính chung, tổng vốn đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần đạt 24,4 tỷ USD, tăng 7%.

Khu vực dịch vụ du lịch tăng 6,98%, thu hút trên 10 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay. Môi trường kinh doanh được cải thiện, xếp thứ 82/190 nước, tăng 9 bậc so với năm 2015.

Dù GDP không đạt được mục tiêu mà Quốc hội đề ra từ đầu năm, tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động và tình hình trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp, các chuyên gia đánh giá mức tăng trưởng 6,21% trong năm 2016 là một kết quả có thể chấp nhận được. Ngoài ra, năm 2016 cũng là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, do vậy vẫn còn nhiều kỳ vọng để nền kinh tế sẽ đạt được mức tăng trưởng cao hơn trong các năm sắp tới khi một số trở ngại liên quan đến nợ xấu, hiệu quả đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước... dần được gỡ bỏ.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm ngày 20/12, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 16,88%. Lãi suất huy động hiện nay tương đối ổn định.

Kinh tế Việt Nam 2017 cần chuẩn bị nhiều kịch bản phát triển - 2

Năm 2016, Việt Nam xuất siêu 2,68 tỷ USD. Ảnh minh họa

Năm 2016 được Chính phủ xác định là năm quốc gia khởi nghiệp và đã đạt được những kết quả bước đầu nhờ nỗ lực xây dựng một Chính phủ kiến tạo. Tuy nhiên, sự quyết liệt của Chính phủ sẽ hiệu quả hơn khi tư duy khởi nghiệp sáng tạo được thấm nhuần trong cộng đồng, bên cạnh đó là những cam kết cải cách thủ tục hành chính ở mỗi bộ ngành và địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra những hạn chế còn tồn tại trong năm 2016, để thấy được những yêu cầu, thách thức cần vượt qua trong năm 2017, đó là: Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm, kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm 36,7% do giá dầu thô giảm mạnh; thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt nghiêm trọng; sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung; các dự án nghìn tỷ thua lỗ, mất vốn; các ngân hàng thương mại yếu kém, mất vốn, rủi ro cao, trong đó có một số ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng; xếp hạng quốc tế về năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo giảm... 

“Chúng ta cần làm và vẫn đang nỗ lực làm là tạo môi trường kinh doanh đủ hấp dẫn đầu tư, tạo lòng tin cho thị trường, đòi hỏi công cuộc cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế tiếp tục cũng như cải thiện môi trường kinh doanh, thay đổi cách ứng xử tốt hơn với doanh nghiệp, giảm chi phí cho doanh nghiệp, đó là những việc làm căn cơ nhất cho doanh nghiệp không chỉ trong năm 2017 mà cả trong những năm tiếp theo,”

TS. Võ Trí Thành.

Cần chuẩn bị nhiều kịch bản

Theo Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, Chính phủ mới đã truyền cho người dân một thông điệp đủ mạnh mẽ, đủ quyết liệt về những nỗ lực cải cách tiếp theo của Chính phủ. Thông điệp này ít nhiều cũng tạo thêm được niềm tin, sự hứng khởi nhất định đối với thị trường và công chúng. Một biểu hiện nữa là việc lần đầu tiên có trên 110.000 doanh nghiệp mới đăng ký, điều đó cho thấy doanh nghiệp đã có niềm tin lớn hơn vào môi trường kinh doanh, niềm tin ấy phần nào đã được Chính phủ thể hiện qua nỗ lực lành mạnh hóa môi trường kinh doanh gắn với Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35.

Bên cạnh đó, nhiều việc bức xúc cụ thể cũng đã được Chính phủ chỉ đạo giải quyết quyết liệt, đồng thời xắn tay vào thực hiện, bước đầu có những kết quả tích cực. Điều này cùng với thông điệp thị trường đã tác động cộng hưởng cho niềm tin của thị trường.

Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành cho rằng Việt Nam cần chuẩn bị nhiều kịch bản cho năm 2017 để thích ứng trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng thấp, thương mại toàn cầu cũng được dự báo sẽ thấp hơn nhiều so với tăng trưởng GDP. Đó là chưa nói đến nhiều bất định và rủi ro mới phát sinh liên quan đến địa chính trị, những vấn đề tài chính, dịch chuyển vốn, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, tư tưởng chống lại tự do hóa thương mại có thể có tác động tiêu cực đến Việt Nam do chúng ta đang có nền kinh tế mở.

Trong khi đó, chúng ta vẫn phải đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô trong nước, điều ấy có nghĩa không chỉ bản thân ngân sách hiện nay đang khó khăn mà ngay cả dư địa cho chính sách tiền tệ là rất hạn chế bởi mình vẫn phải cần ổn định chứ không chỉ tăng trưởng. Điều hành chính sách tiền tệ do vậy sẽ phức tạp hơn khi không chỉ phải cân đối giữa tăng trưởng và ổn định mà còn chịu sức ép lớn hơn đối với việc tăng lãi suất, tăng tỷ giá VND/USD,… điều hành chính sách vĩ mô sẽ khó hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hiền An (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN