Kinh tế tăng trưởng quá chậm

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% cần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.

Thẩm tra về báo cáo kinh tế, xã hội của Chính phủ năm 2014 trong phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội (ngày 28-9), nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã thoát đáy nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn còn quá chậm do chưa có đột phá để mạnh mẽ đi lên.

Chín tháng, kinh tế phục hồi và ổn định

Theo báo cáo của Chính phủ, trong chín tháng đầu năm 2014, nhìn chung kinh tế tiếp tục phục hồi và phát triển khá ổn định. GDP chín tháng đầu năm ước tăng 5,54%, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ của hai năm trước (năm 2013 là 5,14% và năm 2012 là 5,1%).

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn khi tổng cầu còn yếu, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, xử lý nợ xấu chậm, hiệu quả chưa cao. Tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng thương mại còn chậm.

“Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% cần tập trung cao nhất mọi khả năng để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế; cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, xây dựng, đất đai... nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Về chỉ tiêu năm 2015, Chính phủ dự kiến năm 2015 GDP tăng khoảng 6,2%; trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP tăng khoảng 5%; CPI tăng 5%.

 

Kinh tế tăng trưởng quá chậm - 1

Ông Phạm Xuân Đương, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương: “Muốn xây dựng nền kinh tế độc lập mà cái gì cũng phải nhập thì làm sao mà độc lập được”. Ảnh: THÀNH VĂN

Đẩy mạnh cổ phần hóa

Để thực hiện chỉ tiêu trên, Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển và cả đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Trong đó, đẩy mạnh cổ phần hóa, bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ, bao gồm cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả theo nguyên tắc thị trường. Thực hiện chính sách giá và phí các dịch vụ công theo nguyên tắc của cơ chế thị trường, sớm nghiên cứu điều chỉnh các mức phí và giá quá thấp so với chi phí hiện nay, bao gồm phí cầu đường, viện phí, học phí.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng những giải pháp trên rất đúng nhưng chưa thấy đột phá, tiến bộ để nền kinh tế mạnh mẽ đi lên. “Muốn làm gì thì làm nhưng phải gắn quyền hạn và trách nhiệm. Dứt khoát là phải có kỷ cương, kỷ luật chứ không được để tình trạng trên nói nhưng dưới không làm. Làm sao để con người có trách nhiệm thì mới tạo ra được đột phát và sự chuyển biến mạnh mẽ” - ông Kiêm nói.

Ông Phạm Xuân Đương - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng cần phải bàn sâu đến công nghiệp, nhất là công nghiệp phụ trợ: “Muốn xây dựng nền kinh tế độc lập mà cái gì cũng phải nhập thì làm sao mà độc lập được”.

Đề phòng thiếu điện khu vực miền Nam

Theo Chính phủ, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội năm 2015 với mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP là 6,2% thì nhu cầu điện năm 2015 dự kiến sẽ tăng khoảng 10%. Do các nguồn điện mới đi vào vận hành tập trung chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung nên cần đề phòng tình trạng thiếu điện khu vực miền Nam. Chính phủ yêu cầu cần tập trung thúc đẩy phát triển các nguồn điện khu vực cho miền Nam. Đồng thời, đầu tư phát triển hệ thống truyền tải cung cấp điện cho miền Nam, tập trung các dự án nâng cao năng lực truyền tải hệ thống điện Bắc - Nam và một số công trình lưới điện cấp bách.

Đối với việc mua điện của Trung Quốc, Chính phủ cho hay trong trường hợp ngưng mua điện của Trung Quốc thì vẫn có thể bù đắp bởi các nguồn điện khu vực miền Bắc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thành Văn (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN