Kinh tế Nhật Bản bước vào suy thoái

Nền kinh tế Nhật Bản đã giảm trong quý III khi lĩnh vực đầu tư trong doanh nghiệp suy giảm. Như vậy, kinh tế Nhật Bản đã rơi vào cuộc suy thoái thứ hai kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền vào tháng 12.2012

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản đã giảm 0,8% trong quý III vừa qua sau mức giảm 0,7% trong quý II mặc dù trước đó các chuyên gia kinh tế chỉ ước tính con số giảm trong quý III là 0,2%, mức suy giảm này đã đưa nền kinh tế Nhật Bản bước vào suy thoái.

Kinh tế Nhật Bản bước vào suy thoái - 1

Ảnh: Nguồn internet

Các khoản đầu tư doanh nghiệp suy yếu và hoạt động hàng tồn kho giảm của các công ty đã đẩy kinh tế Nhật rơi vào suy thoái. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc và triển vọng tăng trưởng yếu của nền kinh tế toàn cầu là lý do khiến các doanh nghiệp Nhật hạn chế chi tiêu và thu hẹp sản xuất.

Như dự báo, kinh tế Nhật sẽ hồi sinh vào quý cuối cùng năm nay. Tuy nhiên, việc nền kinh tế rơi vào suy thoái có thể gia tăng áp lực buộc Thủ tướng Abe và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) Haruhiko Kuroda tăng cường các biện pháp kích thích tăng trưởng bằng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Vào cuối tuần này BOJ sẽ tổ chức một cuộc họp chính sách.

“Báo cáo này chỉ ra rủi ro gia tăng về việc kinh tế Nhật sẽ tiếp tục tình trạng trì trệ. Đầu tư cơ bản suy yếu đang trở thành một mối lo lớn hơn. Mặc dù có những kế hoạch chắc chắn, các công ty vẫn không tin tưởng vào sự vững vàng của nền kinh tế trong và ngoài nước”, chuyên gia kinh tế Atsushi Takeda thuộc công ty Itochu Corp. ở Tokyo nhận xét.

Việc giảm hàng tồn kho đẩy kinh tế Nhật giảm 0,5 điểm phần trăm trong quý III. Suy giảm đầu tư khiến tăng trưởng mất 0,2 điểm phần trăm. Tuy nhiên, tiêu dùng cá nhân lại giúp kinh tế Nhật quý III tăng thêm 0,3 điểm phần trăm, theo số liệu do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố sáng 16.11.

Sự suy giảm trong đầu tư được xem là một thất bại của Thủ tướng Abe vì trước đó ông kêu gọi các công ty trong nước sử dụng dự trữ tiền mặt đang ở mức lớn kỷ lục để đầu tư cơ bản nhiều hơn. So với quý trước, đầu tư doanh nghiệp quý này đã giảm 1,3%.

Thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng luôn là một ưu tiên hàng đầu của ông Abe. Thêm vào đó, ông cũng áp dụng các chính sách kích thích lạm phát khiến đồng Yên giảm giá để hỗ trợ cho xuất khẩu và thúc đẩy lợi nhuận mà các công ty Nhật chuyển từ nước ngoài về nước.

Theo hãng tin Bloomberg, đồng Yên đã tăng giá sau khi số liệu về kinh tế Nhật trong quý III được công bố. Vào lúc gần 11h50 sáng nay tại thị trường Tokyo, tỷ giá đồng Yên so với USD tăng 0,1%, đạt mức 122,52 Yên/USD.

Hiện nay, các nhà đầu tư đang mua vào đồng Yên như một tài sản an toàn sau vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris của Pháp diễn ra vào ngày 13.11 vừa qua.

Trong mấy tháng qua, kinh tế Nhật đã chỉ ra hàng loạt dữ liệu xấu như: lạm phát giảm, chi tiêu các hộ gia đình giảm, sản lượng xe giảm, doanh thu bán lẻ giảm, nhập khẩu giảm, và xuất khẩu giảm. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp quốc gia này lại tăng 1,1% trong tháng 9 so với tháng 8, nhưng mức tăng này không đủ để bù đắp sự suy giảm trong tháng 7 và tháng 8.

Gần đây, Thủ tướng Abe đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Akira Amari đưa ra các biện pháp nhằm đưa mục tiêu GDP của Nhật tăng thêm 20%, đạt 600 nghìn tỉ Yên trong 5 năm.

Sau khi dữ liệu kinh tế Nhật được công bố, vào ngày 16.11, ông Amari cho biết, một ngân sách bổ sung sẽ tập trung vào giải quyết các vấn đề dân số của Nhật và giảm nhẹ tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với kinh tế nước này. Chính phủ Nhật Bản cũng thực hiện những bước đi mềm mỏng trong quản lý kinh tế và tài chính.

Thêm vào đó, Ông Amari cũng cho biết, nền kinh tế Nhật sẽ khởi sắc vào quý IV năm nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Nhung (Một thế giới/ Bloomberg)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN