Kinh tế Brazil được, mất gì từ World Cup?
World Cup 2014 đã diễn ra được gần một tháng với hàng trăm trận đấu nảy lửa trên sân cỏ. Còn trên thương trường, nền kinh tế Brazil nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung “được” gì và “mất” gì từ World Cup?
Những cái “được”
Theo dự báo của các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới ngay từ trước khi World Cup 2014 diễn ra, thì giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh này sẽ mang lại cho Brazil bước tăng trưởng kinh tế vượt trội trong năm nay. Bởi từ trước đến nay, tất cả các nước đăng cai World Cup đều đạt mức tăng trưởng cao, ngoại trừ Nhật Bản. Điển hình là sau World Cup 1994, GDP của Mỹ - nước đăng cai tổ chức đã tăng thêm 1,4%. 4 năm sau đó, Pháp trở thành nước chủ nhà đăng cai World Cup 1998 và cũng “đóng góp” 3% vào mức tăng trưởng GDP. Đến năm 2006, GDP của Đức tăng lên 1,7% nhờ đăng cai World Cup.
Trước đó, Bộ Thể thao & Du lịch Brazil cũng cho biết, giải đấu bóng đá được mong chờ nhất hàng tinh này sẽ đem lại lợi nhuận khổng lồ khoảng 70 tỷ USD cho nền kinh tế Brazil năm 2014. Nguồn thu chủ yếu là nhờ các khoản đầu tư tư nhân và đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, hàng tiêu dùng, ngành dịch vụ và thu thuế liên quan đến World cup. Ngoài ra, World cup còn tạo ra 3,63 triệu việc làm mỗi lần đăng cai. Sự kiện này sẽ giúp Brazil thu hút một lượng khách du lịch lớn khoảng 3,7 triệu người với mức chi tiêu trung bình của mỗi du khách là 2.488 USD.
Du lịch Brazil tăng trưởng khi có hàng triệu lượt du khách ghé thăm (Nguồn: information.com)
Cũng theo kết quả của một cuộc nghiên cứu tại Đức trước khi World Cup 2006 diễn ra thì 70% nam giới và 62% nữ giới được phỏng vấn trả lời rằng giải đấu này sẽ có tác động đến cuộc sống của họ. Nhiều người hâm mộ cho biết nếu đội tuyển quốc gia của họ chiến thắng, họ sẽ cảm thấy hưng phấn và thúc đẩy tinh thần làm việc.
Về lĩnh vực kinh doanh, theo thống kê, ngành hàng bán lẻ của Anh tăng 2 tỷ USD doanh số bán ra do tỷ lệ người dân mua bia, pizza, thiết bị nướng, tivi … để xem World Cup tăng cao. Đồng thời, theo số liệu thống kê của Adidas thì hãng này đã bán được 3 triệu đôi giầy và áo bóng đá trong suốt mùa World Cup 2006 tại Đức và World cup 2010 tại Nam Phi. Cũng trong World cup năm 2010, kênh Visa World Cup Youtube đã thu hút được 7,5 triệu lượt xem, cao hơn 50% so với kỳ vọng ban đầu.
Ngành hàng bán lẻ tăng trưởng vượt bậc trong mùa World cup
Có thể nói rằng, về ngắn hạn, World Cup mang lại rất nhiều lợi ích cho nước đăng cai mỗi năm. Các chuyên gia dự đoán World cup 2014 có thể sẽ là cột mốc đáng nhớ đối với nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng của Brazil.
Và những cái “mất”
Bên cạnh những lợi ích kể trên, nền kinh tế Brazil còn phải “đánh đổi” nhiều thứ từ World Cup. Kể từ cuối tháng 11 năm 2013, trung bình mỗi tháng có 1 công nhân chết khi làm việc trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ World Cup 2014, gây thiệt hại về người và của cho các doanh nghiệp cũng như gia đình nạn nhân. Vấn đề này không chỉ xảy ra tại riêng Brazil. Tại Qatar – quốc gia đăng cai World Cup 2022, cũng đã có ít nhất 1.200 công nhân chết khi làm việc trong các dự án chuẩn bị cho kỳ World Cup này.
Bên cạnh đó, sau khi Brazil đăng cai World Cup, chính phủ nước này đã phải đối mặt với làn sóng biểu tình gay gắt của một bộ phận không nhỏ người dân. Ngọn lửa giận dữ của người dân biểu tình phản đối việc chính phủ Brazil chi hàng chục tỷ USD cho World Cup 2014 và Thế Vận hội 2016. Tình hình an ninh chính trị tại Brazil trở nên hỗn loạn, thậm chí cảnh sát đã phải dùng đến lựu đạn hơi cay để giải tán biểu tình. Các cuộc biểu tình lớn nhỏ trong thời gian qua đã làm tăng thêm chi phí trong ngân sách khi chính phủ Brazil phải chi ra khoảng 855 triệu USD nhằm tăng cường an ninh quốc gia.
Cuộc biểu tình của người dân Brazil tại ga xe lửa ngay trước thềm World Cup (Nguồn: Huffingtonpost.com)
Lượng khách du lịch đến Brazil tăng cao khiến cho tỷ lệ tội phạm và trộm cắp tại quốc gia này tiếp tục tăng. Trong tháng 1 năm 2014, chỉ riêng tại thành phố Rio đã xảy ra 420 vụ cướp bóc, con số tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái (195 vụ). Thậm chí, Romario - huyền thoại bóng đá Brazil một thời, nay đã trở thành một chính trị gia, cũng đứng về phía những người biểu tình. Ông cho rằng, việc tổ chức World Cup 2014 chỉ làm khổ Brazil thay vì giải quyết các vấn đề lớn về y tế, giáo dục, công ích. Romario tỏ ra quan ngại về tính kinh tế cũng như lợi ích thực tiễn của những công trình phục vụ World Cup và cho rằng chính phủ Brazil nên chuyển khoản tiền đầu tư cực kì lớn đó vào y tế, giáo dục.
Về lâu dài, làn song biểu tình của người dân tại Brazil sẽ gây ảnh hưởng xấu đến việc phát triển du lịch của quốc gia này. Trong thời gian diễn ra World Cup, người hâm mộ “bắt buộc” phải đến Brazil để cổ vũ cho đội bóng yêu thích của mình. Nhưng sau khi World cup kết thúc, trước tình trạng an ninh chính trị bất ổn của quốc gia này, họ sẽ đắn đo về việc ghé thăm trở lại. Đây sẽ là một “mối đe dọa” lớn đối với việc phát triển nền kinh tế Brazil nói chung và du lịch nói riêng.
Tác động tiêu cực của World Cup không chỉ xảy ra ở nước đăng cai. Bởi khi các trận đấu diễn ra tại Brasil, lúc đó ở Châu Âu đang là cuối buổi tối – thời điểm có rất nhiều trò chơi diễn ra, ở Bắc Mỹ là giữa trưa, còn ở Châu Á là giữa đêm. Và không có một ông chủ nào muốn nhìn thấy nhân viên của mình đi làm trong tình trạng đến muộn, mệt mỏi hay say rượu ... Ước tính tổng thiệt hại từ các vấn đề này là 4 tỷ bảng Anh.
Do đó, nhiều chuyên gia và những người am hiểu kinh tế tự hỏi, giá trị của World Cup là gì? Liệu trị giá của nó chỉ đơn thuần là 10 triệu USD vốn có hay còn vô vàn những cái “được” và “mất” đằng sau đó?